HRW (New York, ngày 20
tháng Mười Hai năm 2012) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố
có năm blogger người Việt trong số 41 cá nhân xuất sắc từ 19 quốc gia
vừa được trao giải thưởng uy tín Hellman/Hammett để ghi nhận lòng dũng
cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị. Đó là Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Minh Hoàng và Vũ Quốc Tú (xin xem tiểu sử tóm tắt của từng người ở cuối bài).
“Cũng như những người Việt khác đang thực thi quyền tự do ngôn luận,
nhiều người trong giới blogger ngày càng phát triển của đất nước này
đang phải chịu sức ép gia tăng từ các hành động đe dọa, tấn công, thậm
chí bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa,” ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, là tổ chức quản lý giải thưởng thường niên Hellman/Hammett nói. “Qua
việc vinh danh năm cá nhân dũng cảm này, những người đã phải chịu đựng
nhiều và đang tiếp tục đối mặt với những nguy cơ đe dọa các quyền cơ bản
của mình, chúng tôi có vinh dự được tiếp thêm sức mạnh cho những tiếng
nói mà Đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam muốn ngăn cản họ không
được tham gia công luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội của Việt
Nam.”
Những người Việt mà tiếng nói phê bình và cảnh tỉnh bị chính quyền muốn
dập tắt được trao giải năm nay thể hiện sự đa dạng của nhiều thành phần
trong xã hội, gồm: nhà vận động tự do tôn giáo Nguyễn Hữu Vinh (J.B
Nguyễn Hữu Vinh); nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Minh Hoàng (bút danh Phan
Kiến Quốc); nhà báo tự do Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ), nhà văn Huỳnh
Ngọc Tuấn và nhà bình luận chính trị, xã hội trẻ tuổi Huỳnh Thục Vy. Cả
năm người đều bị chính quyền đàn áp vì những bài viết của họ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cản trở
một cách có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn
hòa, và đàn áp những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, vạch
trần quan chức tham nhũng, hay kêu gọi các giải pháp dân chủ thay thế
cho chế độ cai trị độc đảng. Những người cầm bút thường xuyên phải đối
mặt với nguy cơ bị các “tòa án nhân dân” kết án tù nhiều năm, bị công an
tạm giữ và thẩm vấn liên miên, bị nhiều cơ quan chính quyền theo dõi
gắt gao, hạn chế đi lại trong nước và cấm xuất cảnh, bị nhân viên an
ninh và côn đồ lạ mặt đánh đập, bị phạt hành chính, và bị cản trở các cơ
hội tìm việc làm để sinh sống.
Vào ngày 16 tháng Mười Hai, tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí
Minh, công an cấm blogger Huỳnh Trọng Hiếu rời Việt Nam đi Mỹ để nhận
giải thưởng Hellman/Hammett năm 2012 thay cho cha Huỳnh Ngọc Tuấn và chị
gái Huỳnh Thục Vy, đồng thời tịch thu hộ chiếu của anh. Theo công an,
họ làm như vậy theo yêu cầu của công an tỉnh Quảng Nam, nơi gia đình họ
Huỳnh sinh sống. Hai người được nhận giải Hellman/Hammett 2012 khác là
blogger Nguyễn Hữu Vinh và Vũ Quốc Tú cũng từng bị cấm rời khỏi Việt Nam
(Nguyễn Hữu Vinh trong tháng Tám năm 2012 và Vũ Quốc Tú vào tháng Năm năm 2010). Blogger Phạm Minh Hoàng đang thi hành án 3 năm quản chế, và không được ra khỏi địa phận phường đang cư trú.
Trong một vụ việc gần đây, ba thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do,
từng được nhận giải thưởng Hellman/Hammett, Nguyễn Văn Hải (viết blog
với bút danh Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải (viết blog với
bút danh Anhbasg) bị xử án tù giam
vào ngày 24 tháng Chín năm 2012 với tội danh “tuyên truyền chống nhà
nước.” Cũng trong tháng đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang chịu
sức ép đấu đá chính trị, đã lệnh cho Bộ Công an tấn công các blog và
trang mạng không vừa ý chính phủ, trừng phạt những người sáng lập ra các
blog và trang mạng đó, và cấm công chức, viên chức nhà nước đọc và/hoặc
phát tán thông tin từ các trang nói trên.
“Trong khi chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các cộng đồng liên
mạng đang cất lên tiếng nói trực ngôn ngày càng mạnh bạo, hơn bao giờ
hết, thế giới cần hưởng ứng việc làm của năm người Việt Nam được nhận
giải thưởng Hellman/Hammett năm nay,” ông Adams phát biểu. “Các
quốc gia dân chủ trên thế giới không nên lẳng lặng tiếp tục làm ăn với
Việt Nam như không có chuyện gì xảy ra. Ngược lại, họ nên đặt yêu cầu
thả hết các tù nhân chính trị và những người cầm bút làm một điều kiện
cho quan hệ hữu hảo.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng tưởng niệm cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện,
người nhận giải thưởng Hellman/Hammett năm 1994 mới qua đời tại nơi lưu
vong vào ngày mồng 2 tháng Mười năm 2012. Từng được suy tôn là một
trong những nhà thơ chính trị lớn nhất của Việt Nam, Nguyễn Chí Thiện là
biểu tượng của ý chí và lòng dũng cảm cá nhân, bất chấp mọi nỗ lực của
chính quyền Việt Nam nhằm dập tắt tiếng nói của ông trong suốt mấy thập
kỷ. Lần đầu Nguyễn Chí Thiện bị bắt là năm 1960 vì ông dám bắt bẻ phiên
bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về lịch sử. Vào năm 1979, trong khoảng
thời gian được tự do ngắn ngủi giữa các đợt tù đày, ông tới sứ quán Anh ở
Hà Nội để tìm cách công bố với thế giới hàng trăm bài thơ do ông thầm
lặng sáng tác và thuộc lòng trong những lần ở tù trước đó, dù biết mình
sẽ bị bắt lại. Các bài thơ đó được xuất bản trong tập thơ có tựa đề “Hoa
Địa ngục,” trở thành hiện tượng văn học trên khắp thế giới trong khi
chính tác giả đang mòn mỏi sau song sắt của hàng loạt nhà tù ở Việt
Nam.
Về Giải thưởng Hellman/Hammett
Giải thưởng thường niên Hellman/Hammett được trao cho các nhà văn trên
khắp thế giới là nạn nhân của đàn áp chính trị hoặc lạm dụng về nhân
quyền. Một ban tuyển chọn uy tín sẽ trao giải thưởng bằng tiền mặt nhằm
vinh danh và trợ giúp những cây bút mà công việc sáng tác và hoạt động
của họ bị đàn áp do chính sách hà khắc của chính quyền.
Giải thưởng này mang tên nhà biên kịch người Mỹ Lillian Hellman và bạn đồng hành lâu năm của bà, tiểu thuyết gia Dashiell Hammett.
Cả hai đều từng bị truy vấn trước các ủy ban quốc hội Mỹ về niềm tin
chính trị và liên hệ với các nhóm phái của họ trong thời kỳ điều tra
chống cộng ngặt nghèo do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy dấy lên vào thập
niên 1950. Hellman chịu thiệt thòi về nghề nghiệp và gặp khó khăn khi
kiếm việc làm. Hammet phải vào tù một thời gian.
Năm 1989, những người chịu trách nhiệm điều hành di chúc của Hellman đề
nghị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thiết lập một chương trình nhằm giúp đỡ
các cây bút bị đàn áp vì bày tỏ những quan điểm ngược với chính phủ của
họ, vì chỉ trích các quan chức hoặc các hành động của chính phủ, hoặc
vì viết về những đề tài mà chính phủ của họ không muốn phơi bày ra ánh
sáng.
Trong 23 năm qua, hơn 750 cây bút từ 92 nước đã nhận giải
Hellman/Hammett với phần thưởng lên tới 10.000 đô la Mỹ một người, tổng
giá trị lên tới hơn 3 triệu đô la Mỹ. Chương trình này cũng trao những
khoản tài trợ khẩn cấp nhỏ cho những người cầm bút đang cần cấp tốc rời
khỏi đất nước của họ, hoặc những người cần được điều trị y tế ngay sau
khi ra tù hoặc bị tra tấn.
“Giải Hellman/Hammett nhằm mục đích giúp đỡ những nhà văn đã chịu
thiệt thòi vì bày tỏ những ý kiến hoặc thông tin chỉ trích các chính
sách hay phê phán nhà cầm quyền,” Lawrence Moss, điều phối viên của giải thưởng, phát biểu. “Nhiều
nhà văn được vinh danh qua giải thưởng này cùng chia sẻ mục đích chung
với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Bảo vệ nhân quyền cho những người dễ bị
tổn thương bằng cách đưa ra trước ánh sáng những vụ lạm dụng và xây
dựng áp lực công luận để thúc đẩy những thay đổi tích cực.”
Để xem tiểu sử của tất cả các nhà văn được công khai trao giải thưởng Hellman-Hammett năm 2012, xin truy cập: http://www.hrw.org/node/112138
Hạn nộp hồ sơ đề cử giải thưởng Hellman/Hammett 2013 là ngày 15 tháng Hai năm 2013.
Thông tin thêm về chương trình Hellman/Hammett và mẫu đề cử giải 2013 có tại trang http://www.hrw.org/hhgrants/nominations
Muốn xem thêm các báo cáo về Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xin truy cập: https://www.hrw.org/languages?lang=vi
Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Đăng ký cập nhật trên twitter @johnsifton
Ở New York, Lawrence Moss (tiếng Anh), +1-212-216-1810; +1-212-228-4272 (di động); hoặc mossl@hrw.org
Ở Boston, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): + 1-917-378-4097 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Đăng ký cập nhật trên twitter @Reaproy
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-510-926-8443 (di động); hoặc adamsb@hrw.org. Đăng ký cập nhật trên twitter @BradAdamsHRW
Lý lịch và trích dẫn bài viết của những người ở Việt Nam được trao giải Hellman -Hammett 2012
Huỳnh Ngọc Tuấn
Huỳnh Ngọc Tuấn là một cây bút có nhiều ảnh hưởng với hàng chục bài báo,
xã luận và một tập truyện phơi bày những bất công xã hội và bạo quyền
của chính phủ. Các bài viết của ông đề cao nhân quyền, dân chủ và niềm
tin cá nhân về tính ưu việt của một hệ thống đa đảng. Ông bị bắt vào
tháng Mười năm 1992 vì muốn chuyển ra nước ngoài tập truyện phê phán
chính sách nhà nước, khiến ông bị khởi tố về tội tuyên truyền chống nhà
nước Xã hội chủ nghĩa. Vào tháng Tư năm 1993, ông bị xử 10 năm tù kèm
theo 4 năm quản chế. Mặc dù vậy, sau đó ông vẫn tiếp tục duy trì thái độ
bất đồng chính kiến, và viết một cuốn hồi ký ghi lại quãng thời gian
mười năm trải qua các nhà tù khác nhau. Năm 2007, ông gia nhập Khối
8406, một nhóm cổ vũ cho dân chủ.
Năm 2011, công an khám nhà Huỳnh Ngọc Tuấn và tịch thu một máy tính, các
phụ kiện máy tính và nhiều sổ tay, vở viết. Ông bị phạt 100 triệu đồng
Việt Nam (khoảng 5.000 đô la Mỹ) về tội dùng công nghệ thông tin hoạt
động tuyên truyền chống nhà nước. Công an gây sức ép khiến Huỳnh Ngọc
Tuấn không thể tìm được việc làm. Hai người con ông Huỳnh Ngọc Tuấn là
Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu cũng là những người viết blog nổi
tiếng. Họ cũng phải chịu sự theo dõi, đe dọa, thẩm vấn và các hình thức
sách nhiễu khác của công an, như bị thu máy chụp hình và điện thoại di
động.
“Ở VN chi phối mọi mối quan hệ xã hội không phải là Luật pháp mà là ý
chí của Đảng CS. Đảng CS có toàn quyền tuyệt đối trong mọi quyết định,
từ những việc có liên quan đến vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc cho
đến kinh tế, văn hóa và đời sống của nhân dân. Đảng CS vừa có trong tay
sức mạnh “cứng” như nhà tù, công an hùng hậu, quân đội đông đảo và cả hệ
thống “Pháp luật” để phục vụ cho quyền uy đó. Và họ có cả “quyền lực
mềm” như: nguồn tài nguyên quốc gia, hệ thống báo chí, đài phát thanh,
truyền hình, giáo hội quốc doanh… cho nên họ có thể kiểm soát và chi
phối xã hội bằng sức mạnh của quyền lực “cứng” hoặc sử dụng quyền lực
“mềm” như chiếc đũa thần chỉ đạo từ trên cao, và dân chúng bị biến thành
một bầy cừu, một thứ con rối mà không hề hay biết hoặc hay biết nhưng
bất lực hoặc đồng lõa.” – Huỳnh Ngọc Tuấn, 2012
Huỳnh Thục Vy
Con gái ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy là một người viết blog chính
trị trẻ tuổi có nhiều bài viết được phổ biến rộng rãi trên mạng. Vì có
cha là tù nhân chính trị, Huỳnh Thục Vy sớm phải chịu sự kỳ thị từ thời
thơ ấu. Đến cuối năm 2008, cô bắt đầu đăng một số bài viết trên trang
web Đàn Chim Việt ở nước ngoài. Các bài viết của Huỳnh Thục Vy đề cập
đến nhiều vấn đề chính trị, xã hội và đề cao một hệ thống chính trị đa
đảng, tự do và dân chủ, và kêu gọi những người trẻ tuổi quan tâm hơn đến
chính trị và xã hội. Dù chỉ tự học về luật, nhưng Huỳnh Thục Vy nổi lên
như một nhân vật vận động cho một xã hội pháp quyền, và viết nhiều bài
ủng hộ những nhà hoạt động pháp lý bị bỏ tù vì các tham gia các hoạt
động ôn hòa.
Sau khi tư gia của gia đình họ Huỳnh bị khám xét, sách vở và máy tính bị
tịch thu (như đã kể ở phần trên), Huỳnh Thục Vy bị phạt hành chính 85
triệu đồng Việt Nam (khoảng 4,250 đô la Mỹ). Cũng giống như cha mình,
sức ép của công an khiến Huỳnh Thục Vy gặp nhiều trở ngại khi đi tìm
việc làm để sinh sống.
“Ở Việt Nam, đi bầu cử là một chuyện không thể không làm – dù có muốn
hay không. Đơn giản vì chuyện bầu bán ở đây không có gì quan trọng bởi
nó hoàn toàn không thay đổi hay ảnh hưởng gì đến bất cứ vấn đề lớn nhỏ
nào liên quan đến quốc gia ở tầm vĩ mô, nó cũng chẳng liên quan gì đến
đời sống của từng cộng đồng dân cư cụ thể nào…
“Im lặng trước nghịch lý chính là đồng ý với sự nghịch lý đang diễn ra
và điều ấy là thiếu trách nhiệm với bản thân mình, cũng như thiếu tinh
thần xã hội với đất nước. Chúng ta phải lựa chọn cho chính mình một xã
hội tiến bộ, trong đó quyền bầu cử, ứng cử phải được diễn ra trong công
bằng, dân chủ và tự do đúng nghĩa.” – Huỳnh Thục Vy, 2011
Nguyễn Hữu Vinh
Nguyễn Hữu Vinh (Jean Baptiste Nguyễn Hữu Vinh hoặc J.B Nguyễn Hữu Vinh)
là một blogger Công giáo nổi tiếng, vận động cho tự do tôn giáo và các
quyền cơ bản của con người. Ông viết về các vấn đề được công luận quan
tâm nhiều, ví dụ như nạn cưỡng chế đất đai, nạn bạo hành của công an,
chính sách hà khắc của chính quyền, và các hành động đàn áp tôn giáo và
tự do tôn giáo. Ông cũng nổi tiếng với loạt phóng sự năm phần tả chi
tiết phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động pháp lý nổi tiếng, Ts. Cù Huy Hà Vũ.
Ngoài ra, Nguyễn Hữu Vinh còn sáng tác thơ và truyện ngắn bình về các
vấn đề chính trị và xã hội. Trong số các bài viết năm 2012 trên blog của
ông có truyện trào phúng bốn kỳ nhan đề “Gặp Tổng thống Obama” với nhân
vật chính là tác giả, gặp được Obama trong mơ và hai người trao đổi về
các vấn đề như tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Nguyễn Hữu Vinh bị theo dõi gắt gao, đe dọa, thẩm vấn và tạm giữ. Ông
từng hai lần bị côn đồ lạ mặt tấn công: lần thứ nhất vào tháng Giêng năm
2010, khi đưa tin công an ngược đãi giáo dân trong vụ tranh chấp đất
đai giữa giáo xứ Đồng Chiêm và chính quyền địa phương; lần sau, vào
tháng Bảy năm 2012, sau khi đưa tin trên blog về các cuộc biểu tình phản
đối Trung Quốc ở Hồ Hoàn kiếm, Hà Nội. Hồi tháng Tám năm 2012, chính
quyền cấm Nguyễn Hữu Vinh rời Việt Nam để đưa mẹ đi chữa bệnh tại
Singapore.
Con đường hàng tỉnh tôi đi
Sáu mươi năm ấy có gì đổi thay?
Bên đường, biệt thự đang xây
Ống tiêm, kim chích vứt đầy lối xưa
Mấy đứa nghiện hút vật vờ
Cháu con các cụ ngày xưa đi cày
Mấy đứa nghiện hút vật vờ.
Là con các cụ ngày xưa đi cày
Hỏi sao ra nông nỗi này
Thưa rằng, dự án đổi thay từng giờ
Bờ xôi ruộng mật khi xưa
Đã thành dự án cho vừa lòng quan
Nửa mơ, nửa tỉnh bàng hoàng
Nông thôn đổi mới, tan hoang từng nhà
Nông dân, người chủ khi xưa
Thành dân lưu lạc, vật vờ hôm nay
Dân oan tăng trưởng từng ngày
Trước làm nông nghiệp, ngày nay… thị thành – Nguyễn Hữu Vinh, 2012
Phạm Minh Hoàng
Phạm Minh Hoàng (bút danh Phan Kiến Quốc) từng giảng dạy khoa học ứng
dụng tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Trên blog, ông viết về
các vấn đề chính trị và xã hội, như quyền của người lao động, nạn hủy
hoại các di tích văn hóa trên khắp đất nước và nạn ô nhiễm môi trường.
Ông mở các khóa dạy kỹ năng “mềm” cho thanh niên, dạy họ cách xây dựng
lòng tự tin và hình thành thế giới quan khoa học để chuẩn bị cho nghề
nghiệp tương lai. Theo báo chí nhà nước, Phạm Minh Hoàng bị quy là đã
dạy thanh niên về bất phục tùng dân sự trong các khóa học này.
Phạm Minh Hoàng bị bắt ngày 13 tháng Tám năm 2010 vì bị quy cho là có
quan hệ với một đảng bị chính quyền Việt Nam cấm đoán là Việt Tân, tổ
chức từng âm mưu nổi dậy chống cộng sản nhưng sau này đã chuyển hướng
sang đấu tranh ôn hòa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không thấy chứng cứ
nào cho thấy Phạm Minh Hoàng đã ủng hộ hay tham gia bạo động chống chính
phủ. Ngược lại, theo chính báo chí nhà nước, “tội” của Phạm Minh Hoàng
là đã viết “33 bài xuyên tạc chính sách và đường lối của Đảng và Nhà
nước.” Ông bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử ngày mồng 10
tháng Tám năm 2011 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Ông bị kết án theo điều 79 của bộ luật hình sự Việt Nam với mức án ba
năm tù giam, kèm theo ba năm quản chế. Trong phiên xử phúc thẩm ngày 29 tháng Mười Một năm 2011,
Tòa án Nhân dân Tối cao giảm mức án dành cho ông xuống còn 17 tháng,
nhờ đó Phạm Minh Hoàng được thả ngày 13 tháng Giêng năm 2012. Tuy nhiên,
ông hiện đang trong thời gian quản chế ba năm, và không được rời khỏi
địa bàn phường đang cư trú.
“Trong một thời gian dài, VN là nơi có giá nhân công thuộc hàng rẻ nhất
thế giới. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngành thâm
dụng lao động. Đến nay, VN đã trở thành nơi gia công lớn trong khu vực.
Hệ quả của giá nhân công rẻ là đời sống công nhân ngày càng tồi tệ. Từ
đó làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, ngừng việc tập thể…
“Nếu nhà nước không có những cơ chế bảo vệ người lao động mà mãi chạy
theo con số tăng trưởng thì những xung đột này sẽ chẳng bao giờ chấm dứt
và VN sẽ mãi mãi chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp gia công với những rủi
ro, những bất trắc, những lệ thuộc mà chúng ta vẫn thường thấy.
“Để trả giá cho việc ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế, nông dân
và công nhân là nạn nhân đã đành, nhưng còn một tác hại vô cùng quan
trọng là vấn đề ô nhiễm môi trường đã đang và sẽ hủy hoại sức khỏe của
hàng triệu người trong những năm tháng tới.” – Phạm Minh Hoàng, 2009
Vũ Quốc Tú
Vũ Quốc Tú (bút danh Uyên Vũ) là một nhà báo tự do và blogger. Ông viết
cho báo chí của nhà nước trong thập niên 1990 và bắt đầu viết blog từ
giữa những năm 2000. Vũ Quốc Tú là thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do,
được thành lập vào tháng Chín năm 2007 với mục đích vận động cho tự do
ngôn luận và báo chí độc lập. Sau khi ra đời, trong mấy tháng đầu tiên,
các thành viên của câu lạc bộ liên tiếp đưa tin về những chuyện hoặc sự
kiện bị chính quyền và báo chí nhà nước ỉm đi hoặc lờ đi. Ví dụ như, họ
đưa tin về những cuộc đình công tự phát của công nhân khu công nghiệp
Bình Dương, về vụ xử các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Lê Thị
Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, các vụ biểu tình ngoài đường phố phản đối
Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008, các vụ tranh chấp đất đai giữa nhà thờ
Công giáo và chính quyền địa phương, và các vụ biểu tình của sư sãi Miến
Điện năm 2007. Ba thành viên khác của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cũng đã
từng được nhận giải thưởng Hellman/Hammett, là các blogger: Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), Phan Thanh Hải (bút danh Anh Ba Sài Gòn hay Anhbasg) và Tạ Phong Tần, cả ba người đều đang phải ngồi tù vì đã thực thi quyền tự do ngôn luận.
Vũ Quốc Tú viết về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Ông là người
điểm sách cuốn “Trại Súc vật” của Orwell, và các tập thơ bất đồng chính
kiến của Trần Vàng Sao và Bùi Chát. Ông cũng lên tiếng bênh vực cho cây
bút đồng nghiệp Nguyễn Văn Hải đang bị tù đày.
Vũ Quốc Tú sống cùng vợ là Lê Ngọc Hồ Điệp, người viết blog với bút danh
Trăng Đêm. Hai vợ chồng họ đã bị công an sách nhiễu trắng trợn, từ theo
dõi gắt gao đến thẩm vấn và đánh đập. Vào ngày mồng 1 tháng Năm năm
2010, công an tạm giữ Vũ Quốc Tú và Lê Ngọc Hồ Điệp
ở sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh khi họ chuẩn bị lên máy
bay đi Băng Cốc nghỉ tuần trăng mật. Công an câu lưu và thẩm vấn họ
trong suốt mấy tiếng đồng hồ và cấm họ xuất cảnh, viện dẫn lý do cần bảo
vệ an ninh quốc gia. Công an cũng gây sức ép ngăn không cho Vũ Quốc Tú
tìm được việc làm.
“…chúng tôi tham gia biểu tình cũng là một cách bày tỏ thái độ một cách
ôn hòa. Nhưng nhiệt tình của thanh niên Việt Nam từ Hà Nội đến Sài Gòn
đã bị từ chối, các cuộc biểu tình ôn hòa tắt ngấm. Tôi mất việc đến hôm
nay, nhiều người khác mất chỗ ở, mất việc làm kiếm sống. Những người
hăng say nhất lại bị gặp khó khăn nhiều nhất. Có người bỏ nước ra đi…
Những tấm lòng yêu nước nhìn nhau e dè. Nhưng tôi vẫn tin, dù chỉ là
những cánh én nhỏ nhoi, những người thanh niên đầy sức sống ấy đã báo
hiệu là Mùa Xuân của tổ quốc Việt Nam đang về.” – Vũ Quốc Tú, 2009.
HRW gửi Dân Làm Báo
danlambaovn.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét