Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-12-23
Cộng đoàn Sinh viên Vinh tại Hà Nội vào tối hôm qua, ngày 22 tháng 12, tổ chức buổi tiệc mừng Giáng Sinh tại một nhà hàng ở Hà Nội, và buổi tiệc đã bị dẹp bởi một lực lượng ăn mặc thường phục có xe công an hỗ trợ.
Buổi dạ tiệc bắt đầu từ lúc 7 giờ tối ngày hôm qua, 22 tháng 12, tại nhà hàng ở số 40 đường Phạm Hùng. Đây là sinh hoạt được cho biết bình thường hằng năm của cộng đoàn những sinh viên, thanh niên Vinh đang học tập ở Hà Nội, số lượng chừng vài trăm người.
Cắt điện, bắt giải tán
Tuy nhiên tin cho biết buổi tiệc diễn ra được chừng một tiếng đồng hồ thì một nhóm người không mặc sắc phục ập đến xưng danh là công an phường, cùng với một xe công an Mỹ Đình. Nhóm người này đòi người trưởng cộng đoàn Vinh xuất trình giấy tờ và yêu cầu giải tán buổi tiệc. Trong khi yêu cầu người trưởng cộng đoàn Vinh xuất trình giấy tờ như thế, thì những người tự xưng là công an lại không đưa ra bất cứ giấy tờ chứng minh họ đang thi hành công vụ.
"Thực ra hôm qua không phải đầu tiên họ mời tôi, mà trong những ngày gần Giáng Sinh tôi có cảm hứng muốn gần giáo dân, vì tôi thấy đó là một tôn giáo rất hay. Tôi rất thân với luật sư Lê Quốc Quân, và tôi hỏi trong dịp này có chương trình gì hay không, thì Lê Quốc Quân nhân tiện mời tôi.
Tôi đến đó thấy họ là những sinh viên, thanh niên rất trẻ. Họ hát thánh ca, họ múa trong sự rất hòa bình. Họ chỉ hát thánh ca, những bài hát thánh thiện. Những khuôn mặt của họ rất sáng và rất bình an, rất chân thành. Không có bất kỳ một lời nào, một cử chỉ nào mà gọi là chẳng hạn như 'kích động' hay 'xúi giục' …
Trưởng cộng đoàn vào nói với tôi họ có hai phương án: một là giải tán ngay, hai là bị cắt điện; sau đó ít phút họ cắt điện.
Ông Nguyễn Hữu Vinh
Nhưng tôi rất ngạc nhiên, đến một lúc sau đèn tự dưng tắt phụt, trong khi đèn của tất cả phố đó vẫn bật sáng. Sau đó có người hô lên rằng có kẻ nào đó đã vào giở phông viết những lời như 'kỷ niệm ngày Thiên Chúa Giáng Sinh', và mọi người kêu lên. Nhưng tôi thấy họ giữ những cử chỉ rất văn minh, lịch sự. Sau đó chủ nhà hàng ra nói mọi người đi ra khỏi nhà hàng đó. Khi đèn tắt thì tôi thấy những sinh viên đó rất trật tự, họ ngồi xuống và chỉ hát thánh ca thôi. Sau đó một chốc tôi ra về; khi ra về thì tôi thấy một xe công an đang đỗ ở đó."
Ông Nguyễn Hữu Vinh, một người tham dự buổi tiệc cũng thuật lại sự việc:
"Tôi thấy lạ, tôi quan sát, và thấy đám người đó đứng vây xung quanh nhà hàng. Các em bên trong nói đó là công an.
Khi tôi ra đứng thấy một người không mặc sắc phục hỏi chú trưởng cộng đoàn yêu cầu đưa giấy tờ. Tôi cũng lạ, tôi quay lại hỏi anh không mặc sắc phục gì, không đưa giấy tờ giới thiệu anh là ai mà lại đòi kiểm tra giấy tờ người khác. Anh ta bảo là công an xã hay công an phường gì đó, tôi không nhớ rõ. Tôi bảo anh là công an đi làm mà ăn mặc thế này còn đòi xem xét giấy tờ người khác.
Nói thế xong tôi quay trở vào một lúc thì bị cắt điện, trong khi bốn bề điện vẫn sáng choang. Trưởng cộng đoàn vào nói với tôi họ có hai phương án: một là giải tán ngay, hai là bị cắt điện; sau đó ít phút họ cắt điện."
Tại sao?
"Tôi thấy phẫn nộ. Tôi thấy như vậy là không được, là không công bằng. Mỗi một người Việt Nam chúng ta hãy nhìn lại chúng ta đã công bằng với các tôn giáo chưa. Ngay trong trái tim của nhiều người Việt Nam không hiểu họ, hãy gần họ hơn. Hãy hiểu họ và đừng có sự kỳ thị. Và đương nhiên chính quyền phải đảm bảo việc đó, hãy đảm bảo cho sự công bằng, hãy đảm bảo cho mọi công dân trên đất Việt Nam này được đối xử công bằng. Không thể có những hành động như vậy được.
Trong khi những nhà hàng ở Việt Nam họ có thể hằng ngày tiếp hằng bao nhiêu cuộc đám cưới, mỗi một cuộc đám cưới như thế có cả ngàn người. Chưa kể họ tiếp hằng trăm khách trong một lúc; trong đó có nhiều thực khách còn uống rượu say, nhiều thực khách còn văng tục, chửi bậy, đánh nhau thì lại không sao! Tại sao người ta tập hợp lại hát thánh ca trong sự thân thiện như vậy thì lại có những cử chỉ ngăn cản như vậy, có hành động tắt đèn như vậy, hành động ngăn cản và đuổi họ ra khỏi nhà hàng như vậy. Tôi không biết ai đứng đằng sau sự việc đó; nhưng ấy là sự kinh khủng, xâm phạm luật cũng như hiến pháp về quyền con người."
Tại sao người ta tập hợp lại hát thánh ca trong sự thân thiện như vậy thì lại có những cử chỉ ngăn cản như vậy, có hành động tắt đèn như vậy, hành động ngăn cản và đuổi họ ra khỏi nhà hàng như vậy.
Nhà văn Võ Thị Hảo
Nhà Văn Võ Thị Hảo cũng nói lên thái độ và quan điểm của bà đối với vấn đề có tín ngưỡng, niềm tin và không có tín ngưỡng tại một đất nước do Đảng Cộng sản cai trị như ở Việt Nam:
"Niềm tin là quyền lựa chọn của mỗi con người. Chúng ta hãy tôn trọng những niềm tin khác nhau, không được xâm phạm. Tất nhiên chúng ta không đồng ý việc lợi dụng mê tín dị đoan để làm những việc xấu ảnh hưởng đến mọi người. Nhưng chúng ta phải tôn trọng các niềm tin. Có những niềm tin khác nhau như vậy mới tạo nên thế giới loài người, và niềm tin này có thể tạo ra nguồn sáng tạo này, niềm tin kia sáng tạo ra nguồn sáng tạo kia và một hệ giá trị. Đừng bao giờ bắt phải tin duy nhất một thứ - tôi tin điều này và đừng bắt người khác cũng phải tin như thế.
Có thể những người Công giáo, những người theo đạo Phật, những đạo gì nữa như đạo Hồi… họ không coi Đảng và Nhà Nước là tuyệt vời nhất trên đời, đó là quyền của họ. Nhưng họ phải tôn trọng xã hội, thực hiện đúng hiến pháp, pháp luật; tức là chính quyền chỉ quản lý điều đó thôi. Nếu họ làm trái hiến pháp và pháp luật thì lúc đó hãy hỏi đến họ; còn khi họ làm đúng hiến pháp và pháp luật thì chúng ta phải bảo vệ những niềm tin tôn giáo."
Những người trong cuộc và cả người chứng kiến sự việc diễn ra tại nhà hàng ở số 40 Phạm Hùng, thành phố Hà Nội hồi tối ngày 22 tháng 12 vừa qua đều có chung một thắc mắc là trong khi nhan nhản hằng ngày bao nhiêu cuộc tập trung chè chén, say sưa tại biết bao nhà hàng khắp mọi nơi ở Việt Nam với nhiều hệ lụy bất ổn xã hội đều không bị công an gây khó dễ, tại sao một nhóm thanh niên, sinh viên tổ chức tiệc, hát múa những bài Thánh Ca trong tinh thần hết sức hòa bình thì lại bị cấm cản bất minh như thế?
Nguồn :RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét