Một góc chợ Đồng Xuân, Hà Nội, ngày 21/12/2012
REUTERS
Theo tác giả bài báo, trong những năm 1990, nhiều chuyên gia đã lạc quan về một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam với những dự báo như là đất nước này sẽ trở thành một « con hổ » mới của khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, những con số chính thức công bố hôm 24 /12 vừa rồi đã thừa nhận, trong năm 2012, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức thấp nhất từ 13 năm trở lại đây, chỉ đạt mức 5,3%, không đạt chỉ tiêu chính phủ đặt ra và còn thấp hơn mức 5,9% của năm 2011. Tờ báo trích dẫn đánh giá của ông Vũ Đình Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Tài chính Việt Nam : « Tăng trưởng sụt giảm mạnh. Không phải là suy thoái, nhưng các chỉ số như vậy là quá thấp ».
Trong tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam, các lãnh đạo cao cấp nhất đã phải thừa nhận có nhiều sai lầm trong quản lý kinh tế. Tiếp đó, đầu tháng 11, trước Quốc Hội, đến lượt thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải công khai nhận rằng « tình hình kinh tế vĩ mô không tốt, lạm phát tiếp tục leo thang, nợ xấu ngân hàng chồng chất ».
Tác giả bài viết nhận định, về mặt chính trị, vị thế của người đứng đầu chính phủ hiện đang rất yếu. Ông đang phải hứng chịu công kích trong nội bộ Đảng, vấp phải sự đối kháng của chủ tịch nước Trương Tấn San và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước tình hình như vậy, chính phủ đang phải cố gắng tìm mọi cách giải cứu các doanh nghiệp, khởi động lại nền kinh tế. Động thái mới nhất là thông báo hạ lãi suất chỉ đạo xuống 9%, trong lúc lạm phát vẫn tăng ở mức 7,8%.
Le Monde cũng ghi nhận những vụ bê bối tài chính nổ ra ngay tại những tập đoàn công nghiệp lớn, con cưng của nền kinh tế, đã khiến Hà Nội phải đưa ra những chương trình cải cách mang tính sống còn trong năm 2011. Sau vụ Vinashin, chính quyền Việt Nam đang cố lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Bằng chứng là một bộ luật trong lĩnh vực này vừa được thông qua với hy vọng có được minh bạch tài chính trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
Le Monde cho rằng, đường lối đổi mới của Việt Nam được khởi xướng từ giữa những năm 1980 thực chất là việc áp dụng mở cửa kinh tế thị trường sao chép theo mô hình Trung Quốc.
Tuy nhiên, để kết luận, tác giả bài viết trích dẫn đánh giá của một chuyên gia thuộc tập đoàn tài chính quốc tế Morgan Stanley Investment Management : « Các lãnh đạo Việt Nam không có được tầm mức chuẩn bị cũng như năng lực để đối mặt với nguồn vốn khổng lồ từ nước ngoài đổ vào Việt Nam trong thập kỷ vừa qua ».
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121226-buc-tranh-kinh-te-am-dam-cua-kinh-te-va-nang-luc-cua-lanh-dao-viet-nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét