Hàn Phi (VNExpress) - Mặc dù báo lãi sau thuế hơn 127 tỷ đồng trong quý II, nhưng lũy kế 6 tháng, Vinaconex vẫn lỗ tới 757 tỷ đồng. Trong khi đó, cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng dân dụng đang nợ các ngân hàng hơn nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG), đơn vị đang vay và nợ các ngân hàng hơn 1.112 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn khoảng 400 tỷ, còn nợ dài hạn đến hạn trả khoảng 712 tỷ đồng.
Với khoản nợ dài hạn tới hạn trả, Vinaconex đang vay ngân hàng nước ngoài hơn một nửa (khoảng 467,4 tỷ đồng), còn vay ngân hàng và quỹ trong nước gần 246 tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Để giải quyết khó khăn trong hoạt động kinh doanh của đơn vị và có tiền trả các ngân hàng, theo báo cáo tình hình quản trị kinh doanh của Vinaconex, 6 tháng, HĐQT công ty đã họp tới 9 cuộc và ra 26 quyết định. Trong đó, có rất nhiều quyết định liên quan tới Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, và thoái vốn tại các đơn vị thành viên.
Cụ thể, liên tục các Nghị quyết của Vinaconex ngày 28/2, 31/3, 9/4. 14/4, 4/5, HĐQT công ty đã thông qua việc tăng vốn điều lệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo lãnh vốn vay cả năm cho Xi măng Cẩm Phả...
Cùng với đó, HĐQT Vinaconex cũng quyết định thoái vốn tại hàng loạt công ty, dự án như Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel, Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh, Công ty Vinaconex Xuân Mai, Công ty Vinaconex Thanh Hóa. Công ty cũng đã quyết định thoái vốn và tài sản thuê tại Chợ Mơ, Dung Quất, tòa nhà Thời trang, Vinaconex Hoàng Thành, Vinasanwa, Sài Gòn Tây Bắc; chuyển nhượng cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành; phê duyệt giải thể ban quản lý nước Sông Đà, phê duyệt phương án chuyển nhượng cô phần của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Vinaconex Dung Quất, Công ty cổ phần Vinaconex VCN...
Hiện, chưa có báo cáo cụ thể của Vinaconex về tiến độ thực hiện các nghị quyết của HĐQT. Nhưng theo báo cáo 6 tháng của chính đơn vị này, kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan. Theo đó, quý II, mặc dù VCG báo lãi gần 127,5 tỷ, tuy nhiên 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này vẫn âm tới 757 tỷ đồng. Doanh thu và giá vốn hàng bán 6 tháng tương đương nhau, ở mức trên 1.500 tỷ đồng.
Lãi cơ bản trên một cổ phiếu, quý II là 628 đồng, 6 tháng âm 1.919 đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ mặc dù giảm mạnh so với 6 tháng năm ngoái nhưng vẫn âm hơn 59 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền khoảng 221,63 tỷ, trong khi hàng tồn kho gần 880 tỷ đồng...
Đơn vị: Tỷ đồng.
Hiện, có thông tin liên quan đến việc Vinaconex muốn bán Xi măng Cẩm Phả cho Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), nhưng thương vụ này chưa được bên nào chính thức xác nhận. Trong khi đó, trong Báo cáo kết quả chào bán 200.000 cổ phiếu ra công chúng ngày 13/3, Vinaconex đã "bật mí" hai cổ đông lớn đang đầu tư vào đơn vị này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Trong đó, Viettel nắm 21,28% cổ phần (tương đương hơn 94 triệu cổ phiếu) của Vinaconex, còn SCIC nắm 57,59% cổ phần (tương đương hơn 255 triệu cổ phiếu). Chưa biết khoàn đầu tư trước đó của 2 đơn vị này vào Vinaconex là bao nhiêu, nhưng với giá cổ phiếu hiện tại (14/8) của VCG là 10.500 đồng, thì SCIC đang "đọng vốn" khoảng 2.680 tỷ đồng, còn Viettel gần 990 tỷ đồng tại Vinaconex.
Các số liệu trên cho thấy khủng hoảng thật sự đang diễn ra ở Vinaconex, và không thấy cách giải quyết nào sáng sủa ngoại trừ lại lấy tiến nhà nước - tức tiền thuế của dân để trang trải. Tập đoàn VINA nào sờ đến cũng đang ở tình trạng tương tự
Trả lờiXóa