Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Marcel Nguyễn giành 2 huy chương bạc thể dục dụng cụ về cho Ðức

Marcel Nguyễn, VÐV người Ðức gốc Việt, đoạt 2 huy chương bạc, một ở nội dung toàn năng cá nhân nam, và một ở nội dung xà kép, tại Olympic London 2012 về cho Ðức (1/8/2012) - REUTERS/Dylan Martinez
CỠ CHỮ 
Vận động viên thể dục dụng cụ mang họ Nguyễn trên áo thi đấu đã xuất sắc đoạt chiếc huy chương Olympic nội dung toàn năng cá nhân nam lần đầu tiên cho nước Ðức sau 76 năm.
Nói chuyện với ban Việt ngữ đài VOA về thành tích vẻ vang này, ông Nguyễn Văn Lạc, thân phụ của Marcel Nguyễn, nói dòng máu Việt trong vận động viên có mẹ là người Ðức này chính là thể hình rất lý tưởng cho môn thể dục dụng cụ.

VÐV Nguyễn giành 2 HC bạc thể dục dụng cụ về cho Ðức

VOA: Xin chào ông Lạc, trước hết xin chúc mừng thành tích hai chiếc huy chương bạc và Marcel Nguyễn, con trai của ông, vừa xuất sắc giành được ở nội dung toàn năng cá nhân nam, và xà kép. Thưa ông là cái tên “Nguyen” trên áo của vận động viên thi đấu dưới màu cờ của Ðức đã làm cho hầu như mọi người hâm mộ Việt Nam theo dõi cuộc tranh tài hết sức phấn khởi, và mọi người lại càng vui mừng, xúc động khi Marcel Nguyễn xuất sắc giành được huy chương bạc nội dung toàn năng cá nhân, và tiếp đến là huy chương bạc nội dung xà kép. Xin ông chia sẻ cảm xúc của ông khi chứng kiến và đón nhận thành tích này của cậu Marcel Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Lạc: Trong một cuộc tranh tài thì ai cũng hy vọng mình đạt được cái mức mà trong khả năng của mình có thể làm được. Còn cái kết quả thì còn tùy thuộc vào những người tranh tài khác nữa, nếu họ giỏi hơn thì mình phải công nhận, trong thể thao là như thế.

Trong đội của Ðức thì có 3 vận động viên giỏi nhất, là con trai tôi và 2 vận động viên khác nữa. Hai vận động viên kia thì về thành tích quốc gia và quốc tế cho đến bây giờ thì tương đối cao hơn Marcel. Thành ra sự hy vọng giành về được huy chương từ người hâm mộ đặt vào vận động viên số một. Trên báo chí nói như vậy, nhưng trong nội bộ đội tuyển thì điều đó không được nói ra, các vận động viên đều giống nhau, không có người ngày hơn người kia, cách làm việc là như thế.

Do đó thành tích đó rất là bất ngờ và lẽ dĩ nhiên là [gia đình] rất là vui mừng.

Xin được nói thêm nhân thành tích huy chương bạc ở nội dung toàn năng cá nhân nam – nước Ðức 76 năm qua chưa bao giờ giành được bất cứ huy chương nào (vàng, bạc hay đồng) ở nội dung này. Do đó thành tích này đối với nước Ðức cũng rất là quan trọng, người Ðức rất là mừng, vì 76 năm rồi chưa đạt được.

VOA: Xin phép được hỏi ông đã đến Ðức khi nào và Marcel sinh ra ở Việt Nam hay ở Ðức?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Tôi đi qua Ðức năm 1964, đi du học. Hồi đó thì ở đây không có người Việt Nam, ít lắm. Sau rồi làm quen với vợ rồi cưới nhau, rồi ở đây luôn.

VOA: Như vậy bà nhà ông, mẹ của Marcel là người Ðức?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Dạ [đúng].

VOA: Môn thể dục dụng cụ thường phải xuất phát từ những nước có truyền thống, chẳng hạn như Romania, Nga, Mỹ, Nhật Bản và gần đây là Trung Quốc. Trong gia đình của ông có yếu tố di truyền hay một yếu tố nào để tạo ra một nhân tài như thế, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Người ta nói “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh.” Năng khiếu đó của Marcel thật tình ra là trời cho. Vợ tôi khi còn trẻ tương đối giỏi về điền kinh, nhưng không phải là nhà nghề - chỉ là đi học và chỉ giỏi về môn đó thôi. Tôi thì cũng chơi một tí thể thao nhưng không có gì là đặc biệt cả.

VOA: Thưa ông, dòng máu Việt Nam có đóng góp gì trong môn thể thao này của Marcel không?

Marcel Nguyễn xuất sắc giành được huy chương bạc nội dung toàn năng cá nhân, và huy chương bạc nội dung xà kép
​​Ông Nguyễn Văn Lạc: Cái mà có dòng máu Việt Nam trong đó là người Marcel không cao lắm, chỉ gần 1,7 mét thôi, khoảng 1,68 mét, và không nặng lắm, chỉ khoảng 54 kilôgram. So với người Ðức khoảng lứa của Marcel thì đều nặng hơn 3, 4, 5 kilô. Trong môn thể dục này, càng cao to bao nhiêu thì càng khó khăn bấy nhiêu. Như chúng ta biết là những người giỏi nhất về môn thể dục dụng cụ là người Trung Quốc và người Nhật Bản. Những người mà giỏi đó không có người nào cao to lắm. Do đó ông huấn luyện viên quốc gia của Ðức nói rằng Marcel có những ưu thế về thể hình, người nhẹ dễ tập luyện môn này hơn.

VOA: Thưa ông, duyên cớ nào đã đưa Marcel vào môn thể dục dụng cụ này? Và Marcel đã bắt đầu môn này từ lúc mấy tuổi?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Bắt đầu 4 tuổi, theo truyền thống ở bên Ðức này, thì lúc bé mẹ dẫn vào cái hội gọi là câu lạc bộ gần nơi cư ngụ. Vào đó thì có nhiều môn thể dục thể thao, và Marcel thích cái môn thể dục này.

Nói 4 tuổi thì nói hơi quá, lúc đó là con nít vào đó chơi với nhau chứ không phải tập một cách có phương pháp hoặc là tập nhiều. Sau rồi lúc lên 7 tuổi trở đi thì mới vào tập dượt có ngăn nắp và thứ tự, và Marcel được tuyển chọn vào cái nhóm được tập dược nhiều hơn và có phương pháp hơn.

VOA: Gần đây báo chí thế giới nói về tập luyện môn này ở Trung Quốc, phải gọi là khổ luyện, và trẻ em thường là bị cách ly với gia đình để đi vào “trung tâm khổ luyện đó,” ở Ðức thì sao?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Hoàn toàn khác hẳn. Phương pháp huấn luyện thể dục thể thao trước đây ở những nước xã hội chủ nghĩa như Nga, Romania, Ðông Ðức, Bulgaria, thì họ cũng có phương pháp gần giống nhau, gần giống như của Tàu bây giờ -- đó là tuyển chọn ngày từ lúc còn bé. Khi mới vào mẫu giáo đã chọn ra rồi và ép, huấn luyện, tập dượt cho thật nhiều. Còn ở bên Ðức thì ai thích và có khả năng muốn tiếp tục thì tiếp tục, còn không thì thôi.

VOA: Về tốn kém, chi phí có cao không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Khi còn bé, mỗi tuần phải đưa con đi tập 5, 6 lần, đưa đi, đón về. Tốn kém thì thực tình không tốn kém, nhưng tốn thời gian.

VOA: Việc tập luyện này ảnh hưởng như thế nào đến việc học hành?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Cháu phải học trường chuyên môn về sport. Ở đó người ta có chuyên môn để phân bổ thời giờ lúc nào đi tập dượt, thi đấu, lúc nào học. Chứ nếu đi học trường bình thường thì không thể theo được.

VOA: Hôm nay đoạt được huy chương bạc rồi thì nhận được nhiều sự tung hô, chúc tụng tấm huy chương đó, thế nhưng bề trái của tấm huy chương đó như thế nào -- Marcel Nguyễn và gia đình đã gặp những khó khăn gì từ lúc nhỏ tập luyện cho đến bây giờ, có khi nào bị chấn thương nặng, hoặc gặp những khó khăn đến mức có thể bỏ môn thể thao này hay không?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Nói chung là cái lúc mà khó khăn nhất là vào cái tuổi dậy thì, 13, 14, 15, 16 tuổi, lúc đó là lúc khó nhất. Nhiều đứa trẻ đến lúc đó nói không chịu theo những môn đó. Còn Marcel -- ở trong gia đình khi nào tôi thấy cháu còn thích, còn theo thì gia đình cố gắng ủng hộ, còn nó không thích thì thôi, chứ không thể nào ép được.

Về khó khăn, thì vào tháng 9 năm 2010, trong một lần thi đấu lúc đó Marcel rất gắng sức và bị gãy chân. Cả một thời gian hơn một năm thì chân vẫn đau và không thể thi đấu ở mức phong độ cao nhất.

VOA: Tiếp theo sau thành tích cao nhất này mà Marcel Nguyễn mang về cho nước Ðức, trong trao đổi với gia đình, Marcel có cho biết hướng sắp tới -- sẽ tiếp tục môn này để tranh các giải thế giới và Olympic kỳ sắp tới; sẽ chuyển sang làm huấn luyện, hoặc sẽ thôi?

Ông Nguyễn Văn Lạc: Theo tôi thì đạt được kết quả tốt này sẽ là một sự khuyến khích, là một sự tự tin nhiều hơn, có thể là một sự khuyến khích cho mình làm tiếp, nhưng cũng có thể trong 2, 3 năm nữa mình cảm thấy không thích nữa, thì đó là tương lại mà không ai biết được. Và điều đó là do Marcel quyết định chứ không phải người khác quyết định.

VOA: Xin cám ơn ông đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn này và xin gởi lời chúc mừng đến Marcel, đến gia đình ông và đến nước Ðức.

http://www.voatiengviet.com/content/marcel-nguyen-hai-huy-chuong-bac-cho-duc/1484539.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét