Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Vì sao có chuyện nông dân pha gạo xấu vào gạo tốt?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2012-06-13
Mới đây thương nhân Trung Quốc mua gạo xuất khẩu Việt Nam với một số lượng lớn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã đưa những yêu sách khó chấp nhận nhằm dìm giá gạo xuất khẩu trong hợp đồng.

AFP photo
Bán gạo lẻ tại một chợ nhỏ ở Hội An

Hơn nữa họ còn dùng những mánh khóe như đề nghị nông dân trộn gạo xấu vào gạo tốt và mua với giá gạo loại 1 với mục đích bêu xấu gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Mặc Lâm phỏng vấn bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế nguyên cố vấn cho văn phòng Thủ tướng.

Ai đứng sau TQ?

Mặc Lâm : Thưa bà, là người theo dõi rất kỹ việc thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam kinh doanh từ nhiều năm qua, theo bà thì việc mua bán của họ có giúp gì được cho sự tiêu thụ sản phẩm của người nông dân hay không?
Bà Phạm Chi Lan : Thực tế làm ăn với Trung Quốc mấy năm vừa qua cho thấy đã không ít trường hợp người Trung Quốc vào Việt Nam mua các sản phẩm khác nhau, ví dụ như họ mua móng trâu bò, họ mua rễ của các loại cây không phải là loại rễ trồng để phát triển, thế thì sau một thời gian họ mua làm cho một số người do lòng tham của mình mà đem tháo móng trâu bò ra để bán hoặc là đào cả cây lên để lấy rễ bán và kết quả là cây chết thì cả một loạt các loại cây đó khó có thể tăng trưởng được, và bản thân người Trung Quốc họ sẽ dừng lại.
Đến lúc đó những người nào đã trót tham gia vào mua bán đó rồi thì sẽ bị hụt hẫng và họ không thể nào có thể bán được nữa, trong khi những cây để nó sống lâu dài thì nó có thể mang lại những giá trị thương mại khác cho họ. Hay là con trâu con bò cũng vậy, vừa dùng làm phương tiện giúp cho người nông trong việc cày bừa mà đồng thời cũng có thể mang lại những lợi ích khác cho họ như là trong ngành chăn nuôi.
Những câu chuyện khác như khoai lang chẳng hạn chỉ mới xảy ra gần đây thôi, trong năm 2011 ở Vĩnh Long khi người ta ào ào vào mua khoai lang và thậm chí còn thuê nông dân trồng khoai ở các vùng khác nhau cho họ, nhưng mà sau khi họ đưa giá lên cao trong một thời gian vài tháng rồi thì họ đánh giá thấp xuống. Và cũng đã có nhiều ý kiến nghi ngờ là việc họ mua khoai đó không phải là họ mang về Trung Quốc mà chẳng qua họ mua bán lòng vòng thôi.
Họ mua khoai và để ngay tại Việt Nam và họ mang đi bán ở Việt Nam, trong lúc giá khoai tăng thì họ bán đi, thì như vậy là họ mua bán ngay trên đất nước Việt Nam bằng cái kiểu lòng vòng đó, bằng thủ đoạn lường gạt nông dân đó mang lại lợi cho họ, và sau đó đến lúc họ bỏ bất chợt một cái thì những nông dân đang trồng khoai lang lại chưng hửng vì trồng ra quá nhiều mà không bán được nữa, giá xuống một cách thảm hại.
Thực ra nếu như phía Việt Nam mà không có ai đó đứng ra giúp cho người ta làm thì có lẽ cũng khó lòng người Trung Quốc có thể mở rộng mạng lưới của họ ở Việt Nam theo kiểu đó.
Bà Phạm Chi Lan
Thậm chí những lô hàng sau một vài lần mua trả tiền sòng phẳng thì người Trung Quốc nói cứ giao hàng cho họ, họ trả tiền sau, nhưng họ trốn luôn, họ không trả tiền nữa.
Mặc Lâm : Theo như nhiều người cho biết thì những thương nhân Trung Quốc đã được giúp sức bởi những thương nhân bất chính người Việt, bà có đồng ý với những ghi nhận này hay không, thưa bà ?
Bà Phạm Chi Lan : Ở đây thì cũng lại là vì lòng tham của một số người Việt Nam, kể cả những người tham gia vào thương mại với Trung Quốc theo cái cách đó. Thực ra nếu như phía Việt Nam mà không có ai đó đứng ra giúp cho người ta làm thì có lẽ cũng khó lòng người Trung Quốc có thể mở rộng mạng lưới của họ ở Việt Nam theo kiểu đó. Tại lòng tham của những người liên quan khác, ví dụ như những người nông dân khi bán hàng cho họ.

Âm mưu của TQ


000_Hkg647479-250.jpg

Vận chuyển gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Philippines. AFP photo
Mặc Lâm : Thưa bà, sau khi phá hoại bằng những mánh khóe như vậy thì dù sao hậu quả cũng chỉ vài trăm nông dân chịu thiệt hại mà thôi, tuy nhiên mới đây doanh nhân Trung Quốc đã thâm nhập rất sâu vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo báo chí cho biết, họ mua gạo giá cao và số lượng rất nhiều nhưng bất ngờ ngưng không mua để đòi giảm giá. Việc làm này cho thấy một âm mưu rất lớn phá hoại thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bà nghĩ sao về điều này?
Bà Phạm Chi Lan : Chuyện lúa gạo thì tôi rất lo bởi vì câu chuyện như củ khoai lang thì dù sao nó cũng ở trong phạm vi hạn hẹp hơn, hoặc những mặt hàng khác không phải là quá lớn, nhưng  lúa gạo là mặt hàng hết sức quan trọng của Việt Nam mang tính cách chiến lược, kể cả cho an ninh lượng thực trong nước cũng như cho xuất khẩu, bởi vì về mặt xuất khẩu thì Việt nam có những thị trường quan trọng, mà nếu như, ví dụ Trung Quốc họ ào ạt mua và họ có thể chào hàng với cái giá cao hơn trước thì có thể các doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ những bạn hàng lâu dài của mình mà bán cho Trung Quốc thì đến lúc muốn lấy lại thị trường mình đã quan hệ lâu nay là không dễ dàng.
Trong khi đó thì cạnh tranh để xuất khẩu lúa gạo trên thế giới, nhất là khu vực này đang tăng lên rất mạnh với sự tham gia của Ấn Độ và một số nước khác đang vươn lên nữa, thì đối với Việt Nam việc xuất khẩu lúa gạo trong tương lai hoàn toàn không phải dễ dàng gì chút nào. Thế mà vốn dĩ đã không dễ dàng rồi, bây giờ lại thêm sự phá phách của Trung Quốc theo kiểu này thì sẽ còn vất vả hơn rất nhiều.
Mặc Lâm : Và một điều nữa có vẻ nghiêm trọng hơn khiến cho người ta lo ngại, đó là Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa báo động là thương nhân Trung Quốc tỏa ra các khu vực đồng bằng sông Cửu Long xúi giục người nông dân trộn gạo xấu vào gạo tốt để bán cho họ với giá khá cao. Bà có cho rằng đây là hành động bất chính khác mà Trung Quốc muốn rêu rao với thế giới về chất lượng gạo của Việt Nam hay không?
Cạnh tranh để xuất khẩu lúa gạo trên thế giới vốn dĩ đã không dễ dàng rồi, bây giờ lại thêm sự phá phách của Trung Quốc theo kiểu này thì sẽ còn vất vả hơn rất nhiều.
Bà Phạm Chi Lan 
Bà Phạm Chi Lan : Đúng vậy ạ. Chuyện đó cũng đúng như chuyện xảy ra đối với trà. Họ mua trà của Việt Nam cũng là theo cách đó. Họ cũng yêu cầu trộn vào, họ cũng xúi quẩy những người bán chè cho họ là trộn những chất khác nhau vào để cho làm cho tăng trọng lượng của trà lên, sau đó đến lúc họ mang trà về Trung Quốc thì họ tung ra trên thị trường và trên mạng để mà nói xấu mặt hàng trà của Việt Nam. Khi mà mặt hàng trà đang bắt đầu phát triển khá hơn được so với trước đây trong những năm rất trầy trật thì bắt đầu phát triển lên được thì họ chơi theo phương cách đó. Bây giờ câu chuyện y như vậy đang diễn ra trong ngành lúa gạo. Đây là một điều rất đáng ngại.
Mặc Lâm : Việt Nam không thể cấm thương nhân Trung Quốc vào trong nước để buôn bán theo quy định của WTO. Theo bà thì những quy định ấy cần phải hiểu như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan : Đối với các thương nhân nước ngoài tham gia vào thị trường gạo ở Việt Nam thì cũng có một đòi hỏi theo cam kết với WTO thì Việt Nam cho phép doanh nhân nước ngoài có thể tham gia vào việc mua bán hàng hóa để xuất khẩu ở Việt Nam, nhưng mà tất cả những việc mua bán đó phải có đăng ký và cũng phải chịu trách nhiệm nộp thuế nếu trong trường hợp những mặt hàng đó Việt Nam có thu thuế, cũng như chịu những sự kiểm soát nhất định về giao dịch để đảm bảo những giao dịch đó không có sự gian lận, không có sự cạnh tranh không lành mạnh và từ đó gây phương hại cho doanh nghiệp cũng như cho những người tham gia vào quá trình mua bán đó của phía Việt Nam.

Chính quyền phải làm gì?


034_910035-200.jpg

Một nông dân đang tưới hoa màu. RFA photo
Mặc Lâm : Sau vụ gạo này thì vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải có những hành động cụ thể như thế nào, thưa bà ?
Bà Phạm Chi Lan : Tôi cho là khi Hiệp Hội Lương Thực đã biết như vậy thì Hiệp Hội Lương Thực rất cần tăng vai trò của mình trong việc cảnh báo các doanh nghiệp thành viên liên quan, cảnh báo tất cả hệ thống mua bán gạo. Việc này chắc Hiệp Hội Lượng Thực nắm được rõ và hệ thống mua bán gạo của Việt Nam thì nó có những tầng của các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, và các doanh nghiệp họ thường tham gia vào khâu mua gạo của nông dân hoặc là đưa đến nhà máy để đóng gói, v.v. thì qua cá khâu khác nhau trong chuỗi làm mặt hàng gạo thì người ta có cả hệ thống rồi thì hoàn toàn có thể cảnh báo lẫn nhau được, và dứt khoát là từ chối khách hàng đó, hoặc là đối với những người tham gia vào cách làm không lành mạnh như vậy thì thậm chí cần thiết có thể trừng phạt họ nữa.
Mặc Lâm : Còn về phía chính quyền thì sao? Cho tới nay quá nhiều vụ phá hoại nghiêm trọng kinh tế của người nông dân mà chính quyền vẫn tỏ ra không có một động thái nào cứng rắn đối với những thương nhân bất chính người Trung Quốc này. Theo bà thì lý do lớn nhất là gì?
Bà Phạm Chi Lan : Tôi rất tiếc là ở Việt Nam, một là về phía chính quyền thì sự kiểm soát còn rất là lỏng lẻo đối với những thương lái Trung Quốc theo kiểu đó. Câu chuyện diễn ra ở Bắc Giang từ mấy năm nay và tôi đã có dịp đề cập đến thì nó vẫn tiếp tục diễn ra ở Bắc Giang năm này sang năm khác mỗi khi mùa vải thiều đến. Thế rồi còn câu chuyện đó bây giờ nó lan sang các vùng khác ở Việt Nam cho các mặt hàng khác nhau ở Việt Nam mà chính quyền cũng chưa có cách nào để ngăn chận hữu hiệu.
Hiệp Hội Lương Thực rất cần tăng vai trò của mình trong việc cảnh báo các doanh nghiệp thành viên liên quan, cảnh báo tất cả hệ thống mua bán gạo. 
Bà Phạm Chi Lan
Ở các địa phương thì phải nói là sự kiểm soát vô cũng lỏng lẻo và yếu ớt. Ngay như câu chuyện vừa rồi, người Trung Quốc vào nuôi cả bè cá, bè tôm ở Vịnh Cam Ranh, mà cảng Cam Ranh là nơi hết sức quan trọng mang tính chất chiến lược của Việt Nam. Rồi đến lúc phát hiện ra chưa kịp trừng phạt thì người ra trốn đi mất, trốn đi đâu thì bây giờ cũng không ai biết.
Những biện pháp như vậy là vô cùng lỏng lẻo, vô cùng kém của phía Việt Nam. Các cơ quan liên quan về thương mại thì không chịu quan tâm để phổ biến dặn dò cho những người nông dân để họ biết cái lợi cái hại khi làm ăn theo kiểu như mấy người Trung Quốc như vậy để người ta có một sự cảnh giác, nhất định không rơi vào bẫy của người Trung Quốc, mà rốt cuộc người ta lại là những người lãnh đủ mọi thiệt hại như vậy. Nhưng mà cũng chưa có những lời cảnh báo tốt đến với người nông dân để cho người ta  có thể tỉnh táo hơn trong chuyện kinh doanh.
Mặc Lâm : Xin một lần nữa cám ơn bà Phạm Chi Lan đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét