Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Điện nguyên tử tại Hungary : không có hiệu quả thuyết phục

Nhà máy điện nguyên tử Paks tại Hungary (DR)
Hoàng Nguyễn / Thanh Hà


Nội các Hungary rất cương quyết trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử và mở rộng nhà máy điện nguyên tử hiện đang vận hành tại Paks. Budapest lấy đâu ra kinh phí cho dự án đầu tư khổng lồ ấy ? Việc sử dụng điện hạt nhân - bên cạnh yếu tố môi trường - cũng không thật hiệu quả về kinh tế.


Dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary : Chính phủ Hungary đang chuẩn bị cho dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary. Ngày 30/05/2012 một tuần, một ủy ban trực thuộc Chính phủ đã được thành lập, do đích thân thủ tướng Orbán Viktor giám sát với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia và Bộ trưởng Kinh tế. Nhiệm vụ của ủy ban này là giám sát việc xây dựng một nhà máy điện mới, gồm hai lò phản ứng hạt nhân, cũng như để đưa ra các quyết định chiến lược. 

Thông cáo của ủy ban này cho hay, việc mở rộng Nhà máy điện nguyên tử hiện có tại thành phố Paks là một dự án đầu tư có tầm quan trọng nổi bật đối với nền kinh tế quốc dân, và cần thiết ở mức căn bản xét trên góc độ an toàn năng lượng. Chính phủ Hungary lý giải : 4 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành sẽ ngừng hoạt động trong khoảng thời gian 2032-2037 và như thế, điện năng Hungary sẽ mất đi 2.000 MW điện, tức là bằng 40% lượng điện năng mà nước này sản xuất được. 

Kể từ khi thảm họa xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Fukusima, cả thế giới lo âu với nguồn năng lượng nguyên tử. Một số nước như Nhật, Đức muốn cho ngừng tất cả các nhà máy điện nguyên tử. Tuy nhiên, chính quyền Hungary cho rằng, bằng mọi giá phải xây một nhà máy điện nguyên tử mới - được gọi bằng cái tên nhà máy cơ bản - để bù vào việc bên cạnh 4 lò phản ứng sẽ đóng cửa trong tương lai, thì nhiều nhà máy điện cũ, truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) cũng sẽ bị đóng cửa. 

Dự án xây nhà máy điện nguyên tử mới thực ra đã được Quốc hội Hungary thông qua từ 2 năm nay, trong những ngày cuối cùng của nội các Xã hội. Nghị quyết của Quốc hội về việc chuẩn bị cho quá trình xây dựng đã được thông qua với đa số áp đảo: đại đa số các dân biểu đối lập khi đó cũng tán thành dự án này. Đáng chú ý là quyết định đã được đưa ra mặc dù chính phủ không hề làm sáng tỏ những chi tiết quan trọng nhất, và các dân biểu thì chưa hề nhận được bản nghiên cứu tác động. 

Thay thế nội các Xã hội, chính phủ của Thủ tướng Orbán VBiktor vẫn tiếp tục theo chính sách ưu tiên điện hạt nhân. Năm ngoái, trong một nghị quyết được Quốc hội Hungary mang tên Chiến lược Năng lượng Quốc gia, trong số các khả năng khả dĩ, chính phủ Hung coi việc 4 lò phản ứng hiện tại của nhà máy điện nguyên tử Paks sẽ đương nhiên được phép gia hạn hoạt động thêm 20 năm, đến năm 2032-2037, và Hungary đương nhiên sẽ xây mới thêm 2 lò nữa, nghĩa là năng lượng hạt nhân sẽ chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng năng lượng điện của nước này (4.000 MW). 

Tính khả thi về kinh tế, tài chính 
Với quyết định nói trên, trên nguyên tắc, từ một nước phải nhập điện, Hungary có thể trở thành quốc gia xuất khẩu điện năng : 14% sản lượng điện có thể sẽ được bán cho nước ngoài. Đây có thể là một thương vụ tốt, đặc biệt là vì các nhà máy điện nguyên tử của Đức bị ngừng hoạt động. Tuy nhiên, ngay lập tức, một câu hỏi được đặt ra : Hungary lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy để đầu tư ? 

Năm 2011, nhà nước Hungary bội chi 1.700 tỉ Ft và từ năm 2006 trở lại, đây là mức thâm hụt ngân sách lớn nhất! Tổng nợ công của Hungary là chừng 21.000 tỉ Ft, tính trên đầu người thì mỗi công dân Hung đều phải gánh một khoản nợ 2,1 triệu Ft. Còn nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì hiện tại nợ công đã chiếm chiếm 76,1% tổng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nội địa hàng năm. 

Về mặt tài chính, một nghiên cứu tác động năm 2008 cho hay, để có được các lò phản ứng công suất 2.000-2.400 MW, cần chi hàng ngàn tỉ Ft (theo thời giá 2005), nhưng với tỉ lệ lạm phát và những đòi hỏi nghiêm ngặt hơn về an toàn, giá của nhà máy điện mới ở thời điểm hiện tại được cho là phải 1.500-1.800 tỉ Ft. Con số này bằng 10% ngân sách quốc gia hàng năm của Hungary, nhưng hoàn toàn không có gì đảm bảo là nó sẽ chỉ dừng tại đó. 

Bởi lẽ, theo các kinh nghiệm quốc tế, các nhà máy điện nguyên tử không bao giờ có được giá như tính toán, và không bao giờ hoàn thành được đúng thời hạn theo đề án ban đầu. Trong quá trình xây dựng, bao giờ cũng phát sinh những thiếu sốt trong thiết kế, thi công và quy trình kỹ thuật, khiến công việc bị chậm trễ đáng kể và chi phí ngày càng bị đội lên. Một ví dụ tiêu biểu nhất là việc xây dựng lò phản ứng thứ ba ở Phần Lan, dự tính trong thời gian 2005-2009 với chi phí 2,5 tỉ Euro. Vậy mà theo tình hình hiện tại, phải đến năm 2014 lò mới sản xuất được điện và chi phí sẽ đôi lên gấp đôi! 

Đấy là chưa kể đến những chi phí phụ, chiếm tỉ lệ rất đáng kể, chẳng hạn những khoản đầu tư cần thiết để quy hoạch và nâng cấp hệ thống điện. Về lâu dài, cần giải quyết vấn đề rác thải phóng xạ phát sinh trong nhà máy điện nguyên tử - nhiều khi cũng rất phức tạp, nan giải và tốn kém. 

Nguồn kinh phí đầu tư lấy từ đâu? 
Trả lời câu hỏi trên, cần nói ngay rằng cả Nhà nước Hung lẫn Tập đoàn Điện lực Hungary (MVM Zrt.) đều không đủ tiền và như thế, cần tìm một nhà đầu tư có thể cho Hungary vay khoản tiền lớn này trong một thời gian dài. Nhiều kịch bản đã được đưa ra, trong đó, có khả năng là MVM sẽ phát hành trái phiếu để có được tín dụng, và như thế, sở hữu của nhà nước Hung trong tập đoàn này sẽ giảm xuống chỉ còn 75%, hoặc thậm chí 51%. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy một thương vụ đầu tư như thế sẽ chỉ diễn ra nếu có được sự đảm bảo 100% của nhà nước Hung. Rốt cục, người tiêu dùng sẽ phải trả giá cho sự đầu tư này, bằng cách trả giá điện thường ngày. Để hoàn được vốn, giá điện trong nhà máy điện nguyên tử mới sẽ hoàn toàn không rẻ như hiện tại. Một tính toán cho thấy, giá điện của nhà máy điện nguyên tử Paks sản xuất vào năm ngoái, trung bình là 11,66 Ft cho 1kWh, thì điện của nhà máy điện nguyên tử mới sẽ phải đắt hơn 80% (chừng 20 Ft), hoặc còn có thể cao hơn nữa. 

Như thế, hiệu quả về mặt tài chính của việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử mới, là hoàn toàn chưa thuyết phục và khả năng là những thế hệ sau của Hungary sẽ phải chịu hậu quả của gánh nặng tín dụng mà nhà nước Hung phải vay mượn. Thêm vào đó, cho dù Hungary cho rằng với kinh nghiệm hơn 40 năm vận hành nhà máy điện nguyên tử Paks hiện tại, không cần phải quan ngại về những hiểm họa môi sinh và an toàn lao động, song biến cố tràn bùn đỏ cách đây gần hai năm vẫn phải là một bài học mà lẽ ra, chính phủ Hungary có thể quan tâm đến nó một cách thích đáng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét