Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Bác sĩ chui TQ tung hoành trước mũi thanh tra-Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: Thêm nhiều sai phạm


Bác sĩ chui TQ tung hoành trước mũi thanh tra: Đi kiểm tra chỉ ra chuyện nhỏ!


Duy Tính (Phapluattp) Thanh tra Sở cho rằng thanh tra quản lý quá nhiều nên khó nắm bắt được tất cả. Liệu có sự bảo kê của cán bộ thanh tra cho hoạt động của các phòng khám


Phòng khám đa khoa Đầm Sen vừa bị thanh tra vào chiều 20-6. Ảnh: TRẦN NGỌC
Kiểm tra tại Phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM cho thấy cả thành phố chỉ có 10 người Trung Quốc được cấp chứng chỉ hành nghề (tám người do Sở Y tế cấp, hai người do Bộ Y tế cấp), còn lại đều làm… chui. Điều này cho thấy sự biến tướng ngày càng tinh vi của các phòng khám Trung Quốc đầu tư 100% hoặc phòng khám có người Trung Quốc làm chuyên môn và sự quản lý chưa chặt chẽ của ngành y tế.

Biến tướng nên khó kiểm soát 

Kiểm tra “sơ yếu lý lịch” của Phòng khám y học Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận, BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Ban đầu chỉ có bà Long Bái Vân đăng ký đứng tên phụ trách chuyên môn, sau đó phòng khám này đăng ký thêm bà Châu Bích Châm từ Hà Nội chuyển vào. Như vậy phòng khám này chỉ có hai người đủ chức năng bắt mạch, kê toa… 

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra ngày 18-6 của Thanh tra Sở Y tế, phòng khám có đến bốn, năm người đang hoạt động khám chữa bệnh là Trần Di, Trần Hành, Trần Phú Kiến, Dương Diễm Hồng… Nhưng những cái tên này không hề có trong danh sách đăng ký hành nghề tại TP.HCM. 

Cũng theo BS Hải, TP.HCM chỉ có ba phòng khám người Trung Quốc đầu tư và năm phòng khám có người Trung Quốc làm chuyên môn. Vì sao chỉ có mấy phòng khám Trung Quốc mà ngành y tế quản lý không xuể và để các sai phạm kéo dài? Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM Phạm Kim Bình cho rằng thanh tra đã giám sát đầy đủ, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, một số cơ sở này có nhiều biến tướng, hơn nữa Thanh tra Sở quản lý quá nhiều nên khó nắm bắt được tất cả. 

Chỉ là sai phạm nhỏ nhặt?! 

“Tháng 10-2011, chúng tôi hậu kiểm các phòng khám Trung Quốc và phòng khám có người Trung Quốc làm chuyên môn, sau đó thanh tra đi kiểm tra. Các sai phạm chủ yếu là quảng cáo chưa đúng quy định, kê đơn không có chữ tiếng Việt, biển hiệu không đúng quy định, không sổ sách theo dõi và người hành nghề không có chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, năm 2011, chúng tôi đi hậu kiểm, phát hiện nhiều trang thiết bị không có đăng ký lúc thẩm định cấp phép” - BS Lê Minh Hải cho biết. Còn theo BS Phạm Kim Bình thì sai phạm của các phòng khám này càng về sau càng nhiều hơn trước. 

Cũng theo BS Bình, hiện đã phân cấp quản lý cho phòng y tế các quận/huyện, các nơi này có quyền kiểm tra các phòng khám Trung Quốc, nếu quá tầm sẽ báo cho Thanh tra Sở và chính quyền đến hỗ trợ. Tuy nhiên, các phòng y tế này khi kiểm tra thì phát hiện những sai phạm không nặng nề, chẳng hạn như thuốc men không nhãn mác… “Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát kỹ các phòng khám này trong thời gian tới” - BS Bình cho biết.

Quy trình cấp phép cho phòng khám và người nước ngoài hành nghề:

Theo Thông tư 07 ngày 25-5-2007 của Bộ Y tế, cơ sở muốn đăng ký hoạt động phải có người phụ trách chuyên môn phù hợp, có giấy đăng ký kinh doanh phù hợp với chứng chỉ hành nghề, có cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự phù hợp với quy mô của phòng khám. Cơ sở nộp những giấy tờ chứng nhận này lên Sở Y tế, Sở sẽ xét hồ sơ, nếu đạt thì thẩm định thực tế. Thẩm định là xét tính pháp lý của cơ sở. Khi thẩm định cơ sở đạt thì Sở sẽ cấp giấy chứng nhận y, y học cổ truyền tư nhân.

Đối với người nước ngoài muốn hành nghề, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, bắt buộc họ phải có giấy phép lao động, văn bằng chuyên môn chuyên ngành, thời gian thực hành, có hợp đồng làm việc, biết tiếng Việt… (thực tế hầu hết người hành nghề khám, chữa bệnh tại các phòng khám Trung Quốc đều phải qua phiên dịch, hỏi tiếng Việt họ… lắc đầu, kể cả tiếng Anh cũng không biết - NV).

Trước 10-6-2007, Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 10-2007 đến 31-10-2010 thì do Bộ phân cấp nên Sở Y tế có trách nhiệm cấp cho người nước ngoài hành nghề trên địa bàn phụ trách. Từ khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thì từ ngày 1-1-2011, Bộ Y tế sẽ đảm nhận cấp chứng chỉ này và Sở Y tế địa phương quản lý.

BS LÊ MINH HẢI, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP.HCM



Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: Thêm nhiều sai phạm

TT - Từ thông tin PV Tuổi Trẻ cung cấp, chiều 20-6 thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã thanh tra đột xuất phòng khám đa khoa Đầm Sen (46 Hòa Bình, Q.11, TP.HCM).

>> Phòng khám TQ “giam" người bệnh: Sai đủ kiểu
>> Tất cả phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đều vi phạm

Theo đơn tố cáo của chị Lưu Mỹ Nhung (31 tuổi, Bạc Liêu), do xem quảng cáo trên các đài truyền hình Vĩnh Long, Cà Mau... cuối tháng 10-2011, chị đến phòng khám đa khoa Đầm Sen khám bệnh. Chị được một nhân viên người Trung Quốc khám và kết luận chị bị u nang buồng trứng, kích thước 60mm và khuyên chị nên cắt bỏ khối u với giá 10 triệu đồng. Tổng cộng sau ba ngày điều trị với chiếu đèn, xét nghiệm, truyền mười chai dịch truyền toàn chữ Trung Quốc và một bịch thuốc cũng toàn chữ Trung Quốc mang về uống, chị phải trả 22 triệu đồng.

Sau đó chị Nhung đến Bệnh viện Từ Dũ khám lại thì bác sĩ nói chị bị huyết trắng nhiều là do nhiễm nấm và chị còn bị nhiễm trùng do cắt đốt cổ tử cung không đúng. Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ sau khi xem hình ảnh siêu âm còn nói đó là hình ảnh của tử cung chứ không phải buồng trứng. Và nếu là u nang buồng trứng cũng không thể hết bệnh nhanh trong vòng một tuần.

Từ đơn thư tố cáo này, khi thanh tra Sở Y tế TP kiểm tra đột xuất phòng khám đa khoa Đầm Sen ghi nhận có hai bệnh nhân đang được truyền dịch tại phòng lưu bệnh. Chị Chu Thị Hà Giang (43 tuổi, Q.11) kể chị đã được bác sĩ người Trung Quốc điều trị với chẩn đoán viêm lộ tuyến. Sau năm ngày điều trị tại đây chị tốn gần 13 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khi đoàn thanh tra đến mười phút thì bác sĩ này đã bỏ đi. Còn chị Đỗ Như Quỳnh (20 tuổi, Q.Thủ Đức) kể phòng khám này chẩn đoán chị bị viêm âm đạo, bác sĩ người Trung Quốc cũng cho truyền dịch năm ngày với số tiền gần 4 triệu đồng.

Lúc đoàn thanh tra đến thì phòng trị liệu trên lầu 1 dán thông báo “tạm ngưng hoạt động”. Thấy hơi lạnh xả từ phòng ra, đoàn thanh tra yêu cầu phòng khám mở cửa để kiểm tra. Nhân viên phòng khám cứ bảo mất chìa khóa. Đoàn thanh tra đứng chờ một giờ vì nghi ngờ có người bên trong. Bất ngờ cửa phòng bật mở và một bệnh nhân với một nhân viên mặc áo blouse đi vội ra ngoài (sau đó đoàn thanh tra xác định là điều dưỡng Lưu Ái Ngọc). Cả bệnh nhân và điều dưỡng Ngọc đều nói “không biết” trước các câu hỏi của thanh tra sở và phóng viên. Dù đang điều trị cho bệnh nhân nhưng tất cả máy móc trong phòng đều được dán mảnh giấy “máy móc ngưng hoạt động”.

Dù không được phép nhưng tại phòng khám này thanh tra phát hiện có hồ sơ phá thai nội khoa của bệnh nhân mang thai 5 tuần tuổi... Tại đây có một số loại thuốc Trung Quốc không rõ nguồn gốc, một số thuốc hết hạn sử dụng. Thanh tra đã niêm phong các loại thuốc này để xử lý. Ngoài ra, dịch truyền ở phòng khám này cũng không được bảo quản đúng nhiệt độ (từ 25OC trở xuống), phòng khám quảng cáo không đúng nội dung cho phép.

Thanh tra sở đã lập biên bản và yêu cầu phòng khám chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời mời ngày 26-6 đến làm việc. Được biết đầu năm 2012, phòng khám này từng bị thanh tra Sở Y tế TP xử phạt hơn 15 triệu đồng vì có bác sĩ Trung Quốc hành nghề không có giấy phép.

Sáng 20-6, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định Sở Y tế TP kiên quyết chấn chỉnh sai phạm của các phòng khám Trung Quốc đang hoạt động trên địa bàn TP. Đối với các phòng khám vi phạm nhiều lần sẽ xử phạt nặng, thậm chí đề nghị rút giấy phép hoạt động.

LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét