Tờ báo mạng Asia Times vừa đăng bài của Jens Kastner, một cây bút ở Đài Loan, cho rằng cái giá cho cuộc chiến của Trung Quốc để tranh giành chủ quyền trên Biển Đông là ‘không lớn lắm’.
Theo tác giả, đã xuất hiện những dấu hiệu rộng rãi từ phía Trung Quốc rằng nước này có thể khởi động các cuộc tấn công quy mô nhỏ ở những vùng biển có tranh chấp vốn được tin rằng có trữ lượng dầu mỏ lớn.
Hậu quả của các cuộc phiêu lưu quân sự như thế đối với Bắc Kinh là có thể chấp nhận được, ông Jens Kastner viết.
Thế bí Malacca
Chỉ tính riêng trong tháng Ba (năm 2012), Bắc Kinh đã khẩu chiến với Seoul về một đảo đá ngầm, với Manila về kế hoạch của nước này xây dựng một cầu cảng và với Hà Nội về động thái xây dựng các giếng dầu khí của Trung Quốc.
Cuộc chiến không chỉ dừng lại ở ngôn từ. Tàu cá của Việt Nam cũng đã bị Trung Quốc bắt và ngư dân trên tàu bị giam giữ.
Điểm chung của tất cả các vùng biển, quần đảo và đá ngầm xảy ra tranh chấp này là chúng nằm gần bờ biển của các nước tranh chấp khác hơn là gần bờ biển Trung Quốc.
Khi các nhà chiến lược nhắc đến ‘Thế bí Malacca’, ý của họ là các tuyến đường thông thương trên biển của Trung Quốc rất dễ bị tổn thương. Nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc, thì nguồn cung dầu thô cần thiết để giúp nền kinh tế nước này vận hành có thể bị gián đoạn một cách tương đối dễ dàng ở eo biển Malacca vốn nối từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.
Theo ước lượng của Trung Quốc thì trữ lượng dầu khí ở tây Thái Bình Dương có thể đáp ứng nhu cầu của nước này trong hơn 60 năm.
Với việc nước này loan báo chi tiêu quân sự chính thức của họ trong năm 2012 là 100 tỷ đôla và ngân sách thật sự của họ trên thực tế cao hơn nhiều, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc dường như đang trên đường xây dựng sức mạnh cần thiết để đảm bảo công cuộc tìm kiếm an ninh năng lượng của họ diễn ra suôn sẻ.
Các tên lửa đạn đạo chống tàu chiến của họ sẽ khiến cho Washington phải cân nhắc kỹ trước khi đưa lực lượng của họ vào khu vực để cứu nguy cho đồng minh, cũng như các máy bay chiến thuật trên đất liền ngày càng tăng về số lượng và các tên lửa hành trình chứ chưa nói gì tới hạm đội đông đảo các tàu chiến và tàu ngầm phóng tên lửa của họ.
Nếu Bắc Kinh tự tin rằng Washington không muốn can thiệp thì quân đội các nước tranh chấp với họ trong khu vực sẽ phải đối phó với máy bay chiến đấu J-15 được đặt trên tàu sân bay đầu tiên của họ, hạm đội tàu hộ tống đang giă tăng nhanh chóng về số lượng cũng như các tàu đổ bộ lưỡng cư hoàn toàn mới và các tàu chở trực thăng có thể nhanh chóng đưa hàng ngàn lính thủy đánh bộ đến các đảo đang tranh chấp.
Ý chí chính trị
Ý chí chính trị cho các kế hoạch quân sự như thế đã được báo hiệu ít nhất một lần. Trong các bài xã luận trên truyền thông nhà nước của Trung Quốc, nhất là trên tờ Hoàn cầu thời báo, khái niệm về ‘tiểu chiến’ đã được tuyên truyền ngày càng nhiều kể từ năm 2011.
Hồi đầu tháng Ba, thủ tướng nước này Ôn Gia Bảo phát biểu trong cuộc họp Quốc hội rằng Quân đội giải phóng nhân dân nên chuẩn bị sẵn sàng cho các ‘cuộc chiến cục bộ’.
"Mặc dù Trung Quốc hiển nhiên không thể dễ dàng thắng Việt Nam và dù một cuộc chiến như thế sẽ gây xáo trộn rất lớn cho khu vực Đông Nam Á và phần còn lại của Đông Á, nó vẫn có thể kiểm soát được."
Steve Tsang, giám đốc Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham
Các chuyên gia mà tờ Asia Times phỏng vấn cho rằng Trung Quốc có thể đạt được các mục tiêu tương lai với các cuộc tấn công quân sự hạn chế.
Ông Steve Tsang, giám đốc Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham, nhận định rằng điều này tùy thuộc phần lớn vào việc cuộc tiểu chiến đó là nhằm mục đích gì, nó được tiến hành như thế nào và chống lại quốc gia nào.
Ông Tsang tin rằng Hàn Quốc sẽ không là mục tiêu tấn công bất chấp các cuộc khẩu chiến bùng nổ gần đây giữa hai nước sau khi người đứng đầu Cục hải dương Trung Quốc cho rằng đảo san hô Leodo, một đảo ngầm ngoài khơi hòn đảo du lịch Jeju của Hàn Quốc, gần như chắc chắn nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
“Việc Trung Quốc khởi động một chiến dịch quân sự thậm chí ở mức độ hạn chế nhằm vào Hàn Quốc sẽ là một hành vi hết sức nghiêm trọng mà không ai có thể dung thứ,” ông Tsang nói.
“Hoa Kỳ sẽ phải có lập trường mạnh mẽ và có hành động ngay lập tức tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc để áp đặt một lệnh ngừng bắn,” ông nói thêm.
"Tuy nhiên, một cuộc đối đầu quân sự nhỏ đối với Việt Nam hay Philippines để giành chủ quyền các đảo san hô ở Biển Đông là một vấn đề hoàn toàn khác," ông Tsang lập luận.
‘Có thể kiểm soát’
"Bắc Kinh có thể cố gắng làm cho các cuộc tiểu chiến đó ở quy mô càng nhỏ và càng ít được chú ý càng tốt."
James Holmes, giáo sư chiến lược tại Trường Hải chiến Hoa Kỳ
“Mặc dù Trung Quốc hiển nhiên không thể dễ dàng thắng Việt Nam và dù một cuộc chiến như thế sẽ gây xáo trộn rất lớn cho khu vực Đông Nam Á và phần còn lại của Đông Á, nó vẫn có thể kiểm soát được,” ông nói.
“Nếu cuộc xung đột này không kéo dài và ở mức độ hạn chế thì tác động tức thời sẽ không lớn lắm.”
Tuy nhiên, ông Tsang cũng cảnh báo rằng việc Trung Quốc tấn công Việt Nam hay Philippines sẽ càng làm cho các nước Đông Nam Á mong muốn hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.
“Nhưng về cơ bản những nước này không thể làm được gì nhiều để chống lại một Trung Quốc đang khẳng định mình,” ông nói.
Ông cũng nhận định hiệp ước phòng vệ lẫn nhau giữa Philippines và Hoa Kỳ có thể cũng không giúp cho nước này ‘miễn nhiễm’ trước một hành động quân sự chớp nhoáng của Trung Quốc.
“Chúng ta cần phải xem các điều khoản trong hiệp ước này. Chính phủ Mỹ cần phải xem xét rằng một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Philippines có phải là một vấn đề an ninh nghiêm trọng mà nước này cần phải đáp trả hay không và họ cũng cần thời gian để quyết định cách đáp trả phù hợp,” ông phân tích.
“Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu chiến sự xong xuôi trước khi vấn đề được đưa ra Quốc hội (Hoa Kỳ) để bàn thảo,” ông nói.
James Holmes, một học giả về chiến lược tại Trường Hải chiến Hoa Kỳ, nhận xét Bắc Kinh có thể dễ dàng không gặp vấn đề gì nếu họ tấn công Philippines hay Việt Nam.
“Bắc Kinh có thể cố gắng làm cho các cuộc tiểu chiến đó ở quy mô càng nhỏ và càng ít được chú ý càng tốt,” ông phân tích.
“Ưu thế của hạm đội của họ so sánh với hải quân các nước Đông Nam Á và việc trang bị các vũ khí mới đặt dọc theo bờ biển như tên lửa đạn đạo chống tàu chiến giúp cho Trung Quốc có khả năng răn đe mạnh mẽ nếu xảy ra xung đột,” ông nói.
Tác động kinh tế
Ông phân tích rằng Trung Quốc sẽ để dành chứ không triển khai các vũ khí chiến đấu chính của nước này mà chỉ dùng các tàu được trang bị tương đối ít vũ trang và tương đối tầm thường trong lực lượng hải giám của họ.
“Hải quân các nước Đông Nam Á có thể sẽ đối đầu với các tàu chiến này, nhưng họ cũng biết rõ rằng quân đội Trung Quốc sẽ triển khai các sức mạnh hải quân có ưu thế vượt trội nếu họ dám đối đầu,” ông nói.
Mặt khác, các nhà kinh tế cũng không thấy có trở ng̣ại gì lắm trong một cuộc tiểu chiến của Trung Quốc để giành năng lượng với các quốc gia Đông Nam Á.
"Tuy nhiên việc này (cuộc chiến trên BIển Đông) chỉ có tác động rất nhỏ đối với chỉ số lạm phát, thất nghiệp hay sản lượng công nghiệp của bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ chính nước bị Trung Quốc tấn công."
Ronald A Edwards, chuyên gia kinh tế chính trị Trung Quốc ở Đại học Tamkang, Đài Loan
“Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới sẽ phản ứng mạnh mẽ trong ngắn hạn – tức là chỉ vài ngày,” ông Ronald A. Edwards, một chuyên gia kinh tế chính trị Trung Quốc ở Đại học Tamkang, Đài Loan, cho biết.
“Tuy nhiên việc này chỉ có tác động rất nhỏ đối với chỉ số lạm phát, thất nghiệp hay sản lượng công nghiệp của bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ chính nước bị Trung Quốc tấn công."
Ông Edwards lập luận rằng kết quả của cuộc chiến chớp nhoáng kéo dài 9 ngày giữa Nga và Georgia năm 2008 mà khi đó Nga đã dùng sức mạnh quân sự vượt trội để đẩy Gruzia ra khỏi Nam Ossetia – một hành động bị phương Tây lên án – có thể được tham khảo để tính toán xem liệu kinh tế Trung Quốc có phải trả giá đắt cho một chiến dịch phiêu lưu quân sự hay không.
“Cuộc chiến chớp nhoáng của Nga với Gruzia là một ví dụ so sánh rất hay,” ông Edwards nói.
“Trong khi tin tức về cuộc chiến này trở thành tít ở mọi nơi trong vài tuần thì không có tác động gì đáng kể về mặt kinh tế ở các quốc gia ngoại trừ Georgia vào tháng 8 năm 2008 và sau đó,” ông nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét