Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Việt Nam lại 'chọc giận' Trung Quốc?


Thứ hai, 10 tháng 10, 2011

Ngay trước thềm chuyến thăm chính thức Ấn Độ (11/10-13/10), Chủ tịch Trương Tấn Sang nói Việt Nam hoan nghênh Ấn Độ và các nước khác hợp tác thăm dò dầu khí trong vùng chủ quyền của Việt Nam.


Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ thăm Ấn Độ từ 11/10-13/10


Tuyên bố của ông chủ tịch, theo báo chí Ấn Độ, có thể lại gây phản ứng giận dữ từ Trung Quốc, đòi chủ quyền 80% diện tích Biển Đông và đã nhiều lần phản đối Việt Nam cho nước ngoài thăm dò dầu ở khu vực này.

Hãng thông tấn Ấn Độ PTI dẫn lời ông Trương Tấn Sang nói tại Hà Nội, rằng Việt Nam hài lòng nhận thấy "quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, kể cả an ninh-quốc phòng".

PTI nhận xét phát biểu của ông Sang về thăm dò dầu khí có thể ví như "sờ răng cọp', vì Bắc Kinh đã từng phản ứng gay gắt trước thông tin đưa ra hồi tháng Chín về việc tập đoàn ONGC Videsh của Ấn Độ đang thảo luận với đối tác PetroVietnam để thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Hãng thông tấn có uy tín của Ấn Độ cũng nói chuyến đi New Delhi lần này của ông chủ tịch Việt Nam chắc "sẽ được Bắc Kinh theo dõi kỹ", vì xảy ra trong thời điểm cả Việt Nam và Ấn Độ đang gặp khó khăn riêng với Trung Quốc.

Ông Trương Tấn Sang, trong bài phỏng vấn với PTI, một lần nữa lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hợp tác dầu khí có thể được tiến hành vào năm tới giữa ONGC và PertroVietnam.

Ông được dẫn lời nói: “Tất cả các dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam và đối tác nước ngoài, trong đó có ONGC, đều nằm trên thềm lục địa thuộc vùng kinh tế đặc quyền, thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982".

ONGC và PetroVietnam cho biết vị trí thăm dò dầu khí chung nằm trong bể trầm tích Phú Khánh, hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và rất gần bờ biển.

Cản trở các dự án dầu khí

Trung Quốc đã nhiều lần cản trở, thậm chí đe dọa các tập đoàn dầu khí nước ngoài, trong đó có BP (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) trong các dự án làm ăn ngoài khơi Việt Nam.

Ông Trương Tấn Sang trong khi đó khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài làm việc với đối tác Việt Nam trong các dự án dầu khí tại thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam theo luật pháp Việt Nam".

Trước đó Ấn Độ cũng đã tuyên bố rõ rằng tập đoàn nhà nước ONGC sẽ tiếp tục thăm dò tại Biển Đông.

Ông Sang nói Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam nhưng không nói rõ bằng cách nào.

Ông cũng nói Việt Nam hy vọng rằng sự phát triển của Trung Quốc, với tư cách một quốc gia đang có vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn, "sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Trương Tấn Sang đang gây bàn luận sôi nổi trên báo chí Trung Quốc.


Tàu Trung Quốc ngoài khơi Phú Yên: tranh chấp Biển Đông thu hút sự chú ý của dư luận nhiều nước trong vùng

Mới tối Chủ nhật 09/10, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV-4 vừa có chương trình 'Trọng tâm Hôm nay' bằng tiếng Hoa kéo dài 30 phút thảo luận về chiến lược của Delhi trong việc gia tăng quan hệ đối tác kể cả về kinh tế và quân sự với các quốc gia Đông Nam Á.

Chương trình này bắt đầu bằng hình ảnh các cuộc tập trận của Ấn Độ với đối tác nước ngoài, với thống kê rằng Delhi thực hiện ít nhất 16 cuộc mỗi năm.

Bình luận viên Diệp Hải Lâm từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói Ấn Độ đang chuẩn bị cho vai trò một cường quốc, nhưng "không giống như Trung Quốc, Ấn Độ chưa bao giờ tuyên bố rằng đây sẽ là một sự trỗi dậy hòa bình".

Ông Diệp cho rằng: "Ấn Độ chưa bao giờ ngần ngại sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực".

Khi nói về chuyến thăm Ấn Độ của ông chủ tịch Việt Nam, ông Diệp Hải Lâm cho rằng Ấn Độ đang ráo riết thúc đẩy ký kết dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi với Việt Nam vì Delhi "không cần đếm xỉa tới yếu tố chính trị" của việc này.

"Ký hay không ký [dự án hợp tác với Ấn Độ] hoàn toàn phụ thuộc vào cân nhắc của Việt Nam trước các hậu quả chính trị."

Giới bình luận Trung Quốc không ít lần chỉ trích Ấn Độ "khuấy động hiềm khích" ở Biển Đông nhằm phá vỡ trật tự địa chính trị trong khu vực và "cản trở sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

Cùng thời gian Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Ấn Đ̣ô, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét