Diễn biến mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN
Biểu tình tại Hà Nội ngày 19/06/2011 chống các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Reuters
Ngày 11/10/2011, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chuyến công du Trung Quốc. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh chính quyền hai nước, nhất là Việt Nam, đang cố gắng làm dịu tình hình sau khi quan hệ Việt – Trung đã trải qua nhiều tháng căng thẳng trên vấn đề Biển Đông : Bắc Kinh đã tiến hành một loạt những vụ gây hấn tạo ra các phản ứng gay gắt từ phía Hà Nội.
Trong bài tham luận tại Hội nghị khoa học quốc tế về các vấn đề pháp lý và chính sách tại Biển Đông, tổ chức tại Đài Loan trong hai ngày 07 và 08/10 vừa qua, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) đã phân tích những diễn biến chính trị và quân sự quan trọng liên quan đến Biển Đông, đặc biệt là trong mối tương quan giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và khối ASEAN.
Trong tạp chí hôm nay, RFI sẽ điểm lại các nhận định của giáo sư Thayer về các sức ép của Trung Quốc trên Việt Nam, trong vòng gần một năm nay, cũng như cách ứng phó của Hà Nội trước các hành động càng lúc càng quyết đoán của Bắc Kinh nhằm buộc Việt Nam và các nước tôn trọng các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nhận xét chung của giáo sư Thayer là một loạt những hành động hung hăng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2011, nổi bật là ba vụ nhắm vào các tàu thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đã khiến cho tình hình khu vực căng thẳng hẳn lên và tạo ra các phản ứng cứng rắn từ phia Việt Nam, mà theo giáo sư Thayer đã “phô trương một cách có tính toán” quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên, từ tháng Bẩy đến nay, tình hình căng thẳng trên Biển Đông bắt đầu dịu bớt. Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN rốt cuộc đã đồng ý được trên một bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, trong lúc các hoạt động ngoại giao được tăng cường đáng kể mà đỉnh cao có lẽ là chuyến công du Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ 11/10 – 15/10/2011. Trước đó, hai bên đã tổ chức một loạt các cuộc tiếp xúc giữa các phái đoàn cấp cao.
Vấn đề đặt ra, theo giáo sư Thayer, là thái độ càng lúc càng quyết đoán của Bắc Kinh trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ bên trong đường “lưỡi bò” do chính họ vẽ ra đã trở thành một vấn đề quốc tế, đòi hỏi một giải pháp đa phương chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi song phương mà Trung Quốc chủ trương.
- Trung Quốc quyết liệt hơn đối với Việt Nam trong nửa đầu năm 2011
Trong phần phân tích về các hành động quyết đoán của Trung Quốc đối với Việt Nam trong nửa đầu năm 2011, điều được giáo sư Thayer nêu bật là tính chất quyết liệt hơn Bắc Kinh. Ngoài việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, lần đầu tiên Trung Quốc đã cho tàu vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để cản trở hoạt động thương mại của các tàu thăm dò dầu khí Việt Nam.
Về vấn đề Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh cá đơn phương tại Biển Đông, từ ngày 16/05 đến ngày 01/08, giáo sư Thayer đặc biệt chú ý đến sự kiện có thể được coi là lệnh này chỉ nhắm vào ngư dân Việt Nam mà thôi. Ông ghi nhận một số lời than phiền của chính quyền địa phương miền Trung Việt Nam, theo đó tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện đông đảo rất nhiều trong vùng mà ngư dân Việt Nam thường đánh bắt.
Các chính quyền địa phương Việt Nam cho biết là tàu thuyền đánh cá xuất hiện nhiều hơn tại các vùng biển của Việt Nam với quá khứ. Theo báo Thanh Niên ngày 29/05, lãnh đạo lưc lượng biên phòng tỉnh Phú Yên ghi nhận là "mỗi ngày có khoảng từ 120 đến 150 tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển từ Đà Nẵng đến quần đảo Trường Sa... Trước đây các tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc thường vi phạm vùng biển của Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên có nhiều tàu thuyền như vậy.
Trên một số trường hợp, khối lượng tàu các Trung Quốc đã tăng lên thành 200. Ngư dân Việt Nam đã phải hình thành các nhóm gồm từ 5 đến 10 chiếc tàu thuyền để tự vệ chống lại tàu Trung Quốc thường lớn hơn, và đôi khi sẵn sàng dùng vũ khí để đe dọa ngư dân Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam hiện đang xem xét một đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây dựng khoảng mười chiếc tàu tuần tra ngư nghiệp với tổng chi phí ước tính lên đến 102 triệu đô la.”
Mặc dù ngư dân Việt Nam tuyên bố sẽ thách thức lệnh cấm của Trung Quốc, báo chí Việt Nam đã không loan tin về bất kỳ sự cố lớn nào liên quan đến việc tàu cá Việt Nam bị quấy rối hoặc ngư dân bị bắt giữ.
Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ. Ngày 01/06, tàu hải quân Trung Quốc đe dọa sử bắn vào một chiếc tàu Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển gần Trường Sa. Một vụ việc nghiêm trọng hơn xẩy ra ngày 05/07 khi lính hải quân Trung Quốc bị cho là đã đánh đập thuyền trưởng một tàu cá Việt Nam, đe dọa thủy thủ đoàn, và sau đó buộc chiếc tàu rời khỏi vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa.
- Sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí Việt Nam
Tuy nhiên, đối với giáo sư Thayer, sự cố nghiêm trọng nhất là vụ ba chiếc tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/05, đã áp sát tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam, hoạt động tại lô 148, trong ba tiếng đồng hồ. Chiếc tàu hải giám Trung Quốc số 84 đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Một hôm sau, Việt Nam đã chính thức phản đối với đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam là tàu hải giám Trung Quốc vi phạm luật quốc tế và chủ quyền Việt Nam. Hà Nội cũng đòi Bắc Kinh bồi thường thiệt hại. Tàu Bình Minh 02 sau đó đã trở về cảng để sửa chữa rồi tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí, lần này được tám chiếc tàu đi theo hộ vệ.
Đối với giáo sư Thayer, đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc như vậy xẩy ra, nhưng lần này sự cố trở thành nghiêm trọng khác thường.
“Một số phương tiện truyền thông đã loan tin sai lạc rằng đây là lần đầu tiên mà tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò Việt Nam. Theo ông Đỗ Văn Hậu, một quan chức cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thì các vụ sách nhiễu đã từng xẩy ra. Báo Financial Times ngày 27/05 đã trích ghi nhận của ông Hậu như sau : "Khi chúng tôi tiến hành khảo sát địa chấn và các hoạt động khoan dò, [Trung Quốc] cho phi cơ bay bên trên để theo dõi các hoạt động của chúng tôi, họ dùng tàu sách nhiễu chúng tôi, và trong một số trường hợp nghiêm trọng, họ đã cắt [thăm dò của chúng tôi ]."
Vào đầu tháng 6, báo chí Việt Nam cũng tiết lộ sự kiện là vào năm 2008, khi Việt Nam tiến hành khảo sát thềm lục địa của mình, tàu của Trung Quốc cũng đã cắt cáp khảo sát của tầu thăm dò Việt Nam... và tiếp tục cản trở Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí ở Biển Đông ..."
Theo giáo sư Thayer, một nguồn tin từ Việt Nam đã giải thích với ông rằng sở dĩ Việt Nam không phản đối sự cố năm 2008, đó là vì khi ấy, tàu khảo sát Việt Nam đang hoạt động bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc trả lời phản đối của Việt Nam với tuyên bố như sau : "Điều mà cơ quan chức năng của Trung Quốc đã làm hoàn toàn là công việc giám sát và thực thi luật biển bình thường trong khu vực thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc".
Việt Nam đã phản bác lại ngày 29/05 : “Khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp”.
Trung Quốc đáp lại như sau : "Hoạt động thực thi pháp luật của các tàu hải giám Trung Quốc đối với tàu Việt Nam hoạt động bất hợp pháp hoàn toàn hợp lý. Chúng tôi kêu gọi Việt Nam ngừng ngay lập tức các hoạt động vi phạm và tránh gây thêm rắc rối".
Đến ngày 9 tháng 6, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, một sự cố thứ hai đã xẩy ra với tàu khảo sát địa chấn Viking II hoạt động tại lô 136-03 trong vùng lân cận bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở Trường Sa, cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp. Vụ này đã bị bộ ngoại giao Việt Nam coi là “hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng”. Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam coi đó là một hành vi "có tính hệ thống của phía Trung Quốc, nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, thực hiện mục tiêu biến yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc thành hiện thực”…
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Việt Nam, và tố cáo ngược lại rằng chính tàu vũ trang Việt Nam đã đuổi theo tàu cá của Trung Quốc trong khu vực, và một trong những chiếc tàu Trung Quốc đã vướng vào dây cáp của tàu Viking II.
Cũng theo giáo sư Thayer, còn có tin về một sự cố cắt cáp thứ ba xảy ra vào tháng Sáu nhưng Việt Nam đã quyết định không công khai hóa vụ việc.
- Phản ứng của Việt Nam trước các động thái quyết đoán của Trung Quốc
Trong sáu tháng đầu năm 2011, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức bốn cuộc họp cấp cao. Hai cuộc họp đầu xảy ra trước khi Trung Quốc có những hành động quyết đoán mới tại Biển Đông. Hai cuộc họp sau diễn ra trong không khí căng thẳng gia tăng.
Trong số 4 cuộc họp cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm, giáo sư Thayer đã chú ý đến cuộc gặp thứ tư (04/06) tại Singapore, bên lề cuộc Đối thoại Shangri-la, giữa bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh với đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt, vài ngày sau sự cố tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp.
Ông Thanh đã bày tỏ mối quan ngại của Việt Nam và tỏ ý hòa dịu khi hy vọng rằng “các sự cố tương tự không tái diễn”. Tướng Lương Quang Liệt cũng khẳng định là Trung Quốc không hề muốn điều tương tự xảy ra trong tương lai, và lưu ý rằng quân đội Trung Quốc không hề can dự vào vụ tàu Bình Minh 02. Tuy nhiên, bốn ngày sau, một vụ cáp cắt thứ hai đã xảy ra.
Về cuộc gặp này, giáo sư Thayer trích dẫn Tân Hoa Xã ngày 04/06, để ghi nhận là các phương tiện truyền thông của Trung Quốc bóp méo phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi cho rằng ông Thanh đã đồng ý "giải quyết khác biệt trên Biển Đông thông qua các nỗ lực song phương, và không có bên thứ ba được phép can thiệp vào những nỗ lực đó hoặc sử dụng vấn đề đó để gây tổn hại cho quan hệ song phương”.
Theo giáo sư Thayer, hành động quyết đoán của Bắc Kinh đã thúc đẩy giới lãnh đạo Việt Nam, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lên tiếng công khai tuyên bố lập trường kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước dưới sức ép của công luận trong đó có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của sinh viên và các trí thức tên tuổi.
- Tập trận bắn đạn thật
Trong tháng 6, Việt Nam cũng đã phản ứng trước các động thái của Trung Quốc bằng cuộc tập trận bắng đạn thật ngày 13/06 gần đảo Hòn Ông cách bờ biển tỉnh Quảng Nam ở miền trung Việt Nam 40 cây số. Các nguồn tin quân sự Việt Nam cho biết là tên lửa chống hạm cũng đã được bắn đi từ chiến đấu cơ Sukhoi.
Giáo sư Thayer ghi nhận là Bộ Ngoại giao Việt Nam xác định đây là một cuộc tập trận bình thường của hải quân Việt Nam, nhưng tờ Global Times, của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa Việt Nam ngay lập tức.
- Tinh thần dân tộc chống Trung Quốc trỗi dậy ở Việt Nam
Các hành động quyết đoán mới của Trung Quốc đã khơi dậy phản ứng yêu nước trong sinh viên và một các tầng rộng lớn hơn trong cộng đồng người Việt Nam. Qua Facebook và các trang mạng xã hội khác, họ thực hiện một loạt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào ngày chủ nhật trong khoảng thời gian mười hai tuần. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 05/06 với khoảng 300 người tụ tập gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Cùng ngày, một đám đông ước tính từ “gần 1.000” cho đến “hàng ngàn” người tập hợp tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuần lễ sau đó cũng có cả trăm người xuống đường ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các khẩu hiệu như "Đả đảo Trung Quốc", "Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam". Từ chủ nhật 19/06, biểu tình chỉ diễn ra ở Hà Nội, còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, cảnh sát đã can thiệp để ngăn chặn…
- Đặc sứ Việt Nam được cử qua Trung Quốc
Vào giữa năm 2011, đã có những dấu hiệu ngoại giao cho thấy Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu tìm cách giảm căng thẳng phát sinh từ tranh chấp Biển Đông. Ví dụ, hải quân hai nước vẫn tiến hành cuộc tuần tra chung lần thứ 11 ở Vịnh Bắc Bộ vào ngày 19-20/06, và sau cuộc tuần tra tàu Việt Nam đã đến cảng Trạm Giang, Quảng Đông, trong một chuyến ghé cảng Trung Quốc thứ hai từ trước đến nay của hải quân Việt Nam.
Việt Nam cũng đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đến Bắc Kinh để đàm phán về Biển Đông với đồng nhiệm Trung Quốc. Đáng chú ý là ông Sơn đã được Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc tiếp kiến.
Theo thông cáo báo chí chung do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 25/06, hai bên cam kết giải quyết tranh chấp trên biển một cahcs hòa bình, thông qua đàm phán, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải định hướng dư luận và đồng ý dẩy nhanh tiến độ thương thuyết để sớm ký một "Hiệp định về nguyên tắc cơ bản hướng dẫn việc giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc", và thúc đẩy việc thực hiện bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.
- Thông qua bản hướng dẫn thực hiện DOC
Theo nhận xét của giáo sư Thayer, ý tưởng về bản hướng dẫn này đã có từ năm 2004, nhưng công việc đúc kết đã không thực hiện được do việc Trung Quốc không chấp nhận cho các nước ASEAN hội ý trước với nhau trước các cuộc họp với Trung Quốc. Đó là nội dung ghi trong điều 2 trong bản dự thảo : “ASEAN sẽ duy trì thông lệ tham khảo ý kiến với nhau trước khi họp với Trung Quốc”.
Bắc Kinh đã phản đối điều này và nhấn mạnh rằng các tranh chấp nên được giải quyết bằng cách tham vấn giữa “các bên có liên can” chứ không phải là với ASEAN. Từ sau cuộc họp đầu tiên vào năm 2005, tiểu ban hỗn hợp ASEAN – Trung Quốc nhằm thảo ra bản hướng dẫn đã không tiến được bước nào trong vòng 6 năm sau đó.
Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong việc áp đặt chủ quyền của họ tại Biển Đông trong hai năm 2009 và 2010 đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía quốc tế, và Biển Đông trở thành chủ đề quan trọng tại Diễn đàn khu vực ASEAN vào giữa năm 2010, và tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ vào tháng 10 cùng năm.
Chính vì bị lép vế trên mặt trận ngoại giao mà Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ tổn thất và làm sống lại nhóm làm việc hỗn hợp trên bản hướng dẫn thực thi DOC. Hai cuộc họp đã được tổ chức ở Côn Minh (Trung Quốc) vào tháng 12/2011, và Medan (Indonesia) vào tháng 04/2011.
Ở cả hai cuộc họp nói trên, theo ông Thayer, mọi người đều thấy rõ là chính đòi hỏi đàm phán song phương của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp Biển Đông là nguyên do là cho bản hướng dẫn không thông qua được. Trung Quốc đặc biệt phản đối điều khoản trong dự thảo cho phép ASEAN hội ý trước khi họp với Trung Quốc.
Qua tháng 7 năm 2011, chuyên viên cao cấp ASEAN tham gia đàm phán đã lặng lẽ bỏ điều khoản gây tranh cãi và đề xuất một bản dự thảo được sửa đổi một cách đáng kể. Ngày 20/07, các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc cuối cùng đã đạt thỏa thuận về bản hướng dẫn thực hiện DOC, một văn kiện hoàn toàn không có tính chất ràng buộc.
Giáo sư Thayer ghi nhận : Ngay sau khi bản hướng dẫn đã được thông qua, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã tỏ ý hoài nghi về hiệu năng thực thụ của bản hướng dẫn. Quan điểm này cũng được bình luận gia kỳ cựu Barry Wain thừa nhận : “Các chiến lược gia sừng sỏ ở Đông Nam Á đều biết rằng việc áp dụng các hướng dẫn không hề cản được các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều duy nhất có thể thực sự hạn chế Trung Quốc là sự hiện diện của Hải quân Mỹ và quan hệ Mỹ-Trung ổn định”.
- Biển Đông là một vấn đề quốc tế đòi hỏi giải pháp đa phương
Trong phần kết luận, giáo sư Carl Thayer ghi nhận là thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế phải được giải quyết một cách đa phương giữa tất cả các bên có liên can.
Theo ông, chính áp lực ngoại giao quốc tế đã dẫn đến việc thông qua bản Hướng dẫn thực hiện DOC. Mặc
dù ASEAN đã phải lùi bước so với yêu cầu ban đầu, nhưng văn kiện này đã cho phép mọi người lạc quan thận trọng rằng những căng thẳng trong vùng sẽ giảm đi nếu các bên áp dụng các biện pháp đề nghị…
Do việc các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc vẫn còn chưa rõ ràng, và không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, giáo sư Thayer cho rằng ASEAN và cộng đồng quốc tế, phải tiếp tục gây sức ép về ngoại giao để Trung Quốc giảm bớt các hành động quyết đoán nhằm áp đặt chủ quyền của họ tại Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét