Một bài báo hiếm gặp trên truyền thông Việt Nam đã bị gỡ bỏ, với nội dung khen ngợi tiến trình đi lên con đường đa đảng, dân chủ ở các nước Ả rập và Miến Điện.
Bài “Mùa xuân Ả rập và mùa xuân Myanmar’ của tác giả Hồng Ngọc, nhìn lại đổi thay chính trị trong thế giới Ả rập và tại Miến Điện, đã “biến mất” khỏi trang BấmVietNamNet và phụ san của trang này, BấmTuần Việt Nam.
Chủ đề liên quan
Tác giả bài viết được nói là một người làm việc tại tòa soạn của VietNamNet.
Những người quản lý truyền thông tại Việt Nam luôn khẳng định không có chủ trương kiểm duyệt báo chí.
Nhưng dường như nội dung bài viết trên VietNamNet đã bị xem là ngầm ủng hộ đa nguyên, đa đảng, một chủ đề cấm kỵ, mặc dù bài viết không trực tiếp nhắc đến Việt Nam.
"Một loạt chế độ tại Ả rập - từng ưỡn ngực với sự 'đặc thù' của văn hóa Hồi giáo mà từ chối nền dân chủ - đã đồng loạt đi đến hồi kết. Tất cả được châm mồi với chỉ một đốm lửa ở Tunisia hai năm trước," bài báo viết.
"Những cuộc nổi dậy của "Mùa xuân Ả rập" đã lột tả bản chất của sự "tín nhiệm cao" chính là sự sợ hãi của dân chúng, chứ không phải vì đó là chính quyền của nhân dân như các nhà độc tài vẫn tự xưng."
"Nhưng sự cai trị bằng nỗi sợ hãi của dân chúng cũng tạo ra sự căm phẫn âm ỉ, và nó sẽ bùng lên khi tích tụ đủ mạnh và có một mồi lửa ném vào."
Hậu quả của một chế độ độc tài, theo tác giả, không chỉ dừng lại ở "sự kiệt quệ của người dân do sự bòn rút của họ (chính quyền)", mà còn gây nên "sự hèn đụt và tính thụ động của dân chúng do sự đe dọa của họ" và sự "khủng hoảng lòng tin và đạo đức của dân chúng"
Tác giả cũng cho rằng những cuộc nổi dậy như một "vết thương được làm loét thêm, do tâm lý trả thù không chỉ nhằm vào nhà độc tài mà còn hướng cả vào những người từng tham gia hệ thống ấy, và những người được lợi nhờ hệ thống ấy, tạo ra một xã hội bị chia rẽ."
Tuy nhiên báo chí chính thống của Việt Nam lại có vẻ như có một cái nhìn khác về 'Mùa xuân Ả rập'.
Sự ủng hộ phe đối lập trong cuộc chiến ở Libya, theo Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài viết ngày 04/11/2011, là sự tấn công của Mỹ và các nước đồng minh vào "quốc gia có chủ quyền", bằng cách "núp bóng nghị quyết Liên hiệp quốc".
Tờ báo điện tử của Đảng Cộng sản cũng lên án sự can thiệp của Phương Tây vào Libya đã "khiến hàng nghìn người thiệt mạng; hàng chục nghìn người bị thương; hàng trăm nghìn người mất nhà cửa phải đi tha phương cầu thực, đồng thời kêu gọi "loài người phải tỉnh táo, không thể mơ hồ trước sự giả nhân, giả nghĩa của những thế lực hiếu chiến."
Mùa xuân Miến Điện
Miến Điện, cũng là một nước bị cai trị nhiều năm dưới chính quyền quân sự từ năm 1962, với các lãnh đạo quân sự nắm lượng lớn số ghế trong Quốc hội.
Tác giả bài viết trên VietNamNet gọi đây là chế độ 'độc tài nhóm', một "hình thức tinh vi hơn của độc tài cá nhân," với điểm giống nhau là "dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước."
Miến Điện đã phải chịu trừng phạt kinh tế từ nhiều chính phủ trên thế giới và bị nhiều tổ chức khác liên tục tố cáo sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có hệ thống của nước này, trong đó có ám sát, hãm hiếp , buôn người, bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Nhưng từ 2011, sau khi Tổng thống Thein Sein nhậm chức, Miến Điện đã có nhiều thay đổi như công nhận đảng đối lập, trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí.
Từ đó đến nay, nước này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ quốc tế, trong đó có việc tháo gỡ cấm vận và chuyến thăm của tổng thống Mỹ Obama năm ngoái.
Tác giả bài đầu năm trên VietnamNet cho rằng lãnh đạo Miến Điện đã có những thay đổi "kịp thời" và "ngoạn mục" khi phải "đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc vào 'cường quốc láng giềng'", mặc dù không chỉ rõ là nước nào.
Quá trình dân chủ của Miến Điện, theo tác giả, là giải pháp cho nhiều vấn đề, bởi đó là "lối thoát duy nhất cho một quốc gia muốn phát triển", và "cũng là lối thoát duy nhất cho nhà độc tài để tránh bị xét xử hay bị giết hại khi dân chúng nổi dậy và trả thù, như đã diễn ra với Mùa xuân Ả rập".
Việt Nam và 'diễn biến hòa bình'
"Trong lúc Miến Điện đang trong giai đoạn đi lên, Việt Nam lại ngày càng lún sau vào vũng lầy, về cả kinh tế và nhân quyền"
Phil Robertson, phó giám đốc Human Rights Watch khu vực Châu Á
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm Miến Điện hồi năm 2010 đã kêu gọi nước này triển khai hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định để phát triển đất nước.
Tuy nhiên chính tại Việt Nam, quá trình xóa bỏ chế độ độc đảng bằng con đường phi bạo lực, hay còn gọi là 'diễn biến hòa bình' ở nước này thường bị coi là âm mưu chống lại chính quyền nhân dân, gây mất đoàn kết dân tộc, làm rối loạn trật tự xã hội.
Phó giám đốc Human Rights Watch tại Châu Á, ông Phil Robertson, trong bài viết đăng trên trang web của tổ chức này vào tháng 11 năm ngoái nhận xét Miến Điện và Việt Nam đang đi theo hai hướng khác nhau, ám chỉ sự tiến triển của Miến Điện và tụt hậu của Việt Nam về nhân quyền.
"Trong lúc Miến Điện đang trong giai đoạn đi lên, Việt Nam lại ngày càng lún sau vào vũng lầy, về cả kinh tế và nhân quyền", ông Robertson viết.
Tại một hội thảo cuối tháng 12/2012 ở Hà Nội, ông Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng cho rằng đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’ có mối liên hệ với đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu.
Ông Phúc cũng cảnh báo về việc các "thành phần nội bộ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp" đang có nguy cơ rơi vào trong tình trạng ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng, lối sống.
Trước đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng có bài đăng trên tạp chí Quốc phòng Toàn dân, lên án ‘diễn biến hòa bình’ và cho rằng đây là "hoạt động tạo cơ hội cho nước nào đó từ bên ngoài phát động chiến tranh chống lại Việt Nam."
Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia xếp hạng thấp nhất thế giới về nhân quyền cũng như tự do báo chí, tự do ngôn luận, qua đánh giá của nhiều tổ chức cố vấn của Liên Hiệp Quốc như Human Rights Watch và Phóng viên không biên giới.
Nhiều năm trở lại đây, các tổ chức này đã nhiều lần cáo buộc việc chính phủ bỏ tù hàng loạt các nhân vật bất đồng chính kiến, bloggers với lý do vi phạm Điều 88 Bộ Luật hình sự là nỗ lực 'bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận', vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hiến pháp về nhân quyền mà Việt Nam đã ký.
Trong năm 2012, Phóng viên không biên giới đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước 'thù địch với Internet' và xếp thứ ba trong danh sách các nước bắt bớ nhiều bloggers và bất đồng chính kiến nhất, chỉ sau Trung Quốc và Iran.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét