Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Sau Vinashin, Vinalines, còn 'Vina' nào nữa?

- Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (7/6), không dưới ba lần, các đại biểu nêu câu hỏi sau Vinashin, Vinalines, sẽ còn những Vina nào nữa chịu chung số phận.
Ông Lê Như Tiến: Tham nhũng, hối lộ thường qua con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình
Công tử sinh hư
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, vừa qua, chúng ta đã phải trả “học phí” quá lớn trong chuyện “làm kinh tế, đổ vỡ, mất cán bộ”.
Nhiều đại biểu dẫn ra thực tế các tổng công ty, DNNN đang làm ăn thất thoát, lãng phí lớn. 
Dẫn lại trường hợp Vinashin, Vinalines vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến (ĐB Quảng Trị) gọi đó là những “công tử” được Nhà nước nuông chiều, sinh hư. 
“Chúng ta sẵn sàng giao tiền của mà chưa xem xét năng lực của các DN này. Mỗi khi DN gặp nạn, Nhà nước sẵn sàng ném tiền cứu, dẫn tới ỷ lại. DN không muốn cổ phần, cứ muốn bao cấp dài”, ông Tiến phân tích.
“Hết Vinashin đến Vinalines. Cử tri đang thấp thỏm chờ xem còn Vina nào nữa”, ông Tiến nói.
Đó cũng là câu hỏi được ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đặt ra tại Hội trường sáng nay.
ĐB Nguyễn Thành Tâm cho rằng “phải chấn chỉnh việc sử dụng vốn tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”. Theo ông Tâm, vấn đề ở chỗ chúng ta “chưa có các quy định cụ thể, chưa được luật hóa về việc sử dụng vốn”.
“Trong thời gian chờ các chính sách thì phải giám sát thường xuyên, đề xuất kịp thời các các giải pháp”, ông Tâm nhấn mạnh.
Tham nhũng 'tiểu ngạch'
Đại biểu bày tỏ lo lắng về thất thoát, lãng phí và đặc biệt là tham nhũng. 
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) lo ngại “bây giờ tham nhũng không còn e dè nữa”. “Chúng ta đã bị mất một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên”.
ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đơn cử bây giờ người dân sợ phải vào bệnh viện vì còn phải xếp hàng, có sự phân biệt, nạn phong bì.

Ông Nguyễn Văn Tiên: Dân sợ vào bệnh viện vì nạn phong bì
“Bây giờ phải có những quân binh chủng hợp thành chống tham nhũng”, ĐB Nam kêu gọi. 
Đại biểu Lê Như Tiến phân tích “Tham nhũng, hối lộ thường qua con đường "tiểu ngạch" là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình... Và bằng rất nhiều mỹ từ thân thiện lọt tai: quà biếu, quà cảm ơn, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, tặng thẻ tín dụng hàng chục nghìn đô, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài, thậm chí là mừng cả căn hộ, cả ô tô khi lên chức”, ĐB Tiến chỉ ra.
“Ở đâu có quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh lộng quyền, chuyên quyền. Biểu hiện của tham nhũng càng khó khăn, tinh vi thì bộ máy chống tham nhũng càng phải có năng lực”.  
Dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri, rằng tham nhũng chúng ta đã có thuốc, đã bắt đúng bệnh nhưng quan trọng là có chịu uống thuốc hay không, ĐB Tiến nhấn mạnh, vấn đề là ai uống thuốc, uống liều như thế nào?
Trách nhiệm “cưỡng chế” uống thuốc thuộc về người đứng đầu các cơ quan, ông Tiến nói.  Đã là trọng bệnh phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da.
Hơn nữa, “chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu”, ông Tiến dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh yêu cầu “có giải pháp quyết liệt với cán bộ, công chức, những người có đạo đức, thái độ kém thì phải thay thế”.
“Nhân dân đang chờ đợi”, ông Nghĩa lưu ý.
Nhóm lợi ích ráo riết mọi cửa
Bên cạnh thực trạng bê bối của các DNNN, thực trạng nợ xấu trong các ngân hàng và nghi vấn về nhóm lợi ích trong các ngân hàng cũng được nhiều đại biểu nêu tại phiên thảo luận. 
ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nêu hiện nay đang có tiến thoái lưỡng nan giữa người đi vay và cho vay. Nay ngân hàng có tiền nhưng không dám cho vay, sợ lỗ. Doanh nghiệp thì hàng tồn kho, có tâm lý chờ lãi suất giảm tiếp nên không muốn vay. Các ngân hàng nhà nước cần công bố sàn lãi suất cho vay thấp nhất có thể, không để tâm lý chờ lãi suất tiếp tục giảm nữa.
ĐB này cũng không loại trừ khả năng tác động của nhóm lợi ích nào đó đang muốn trục lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch quan ngại: "Dường như tái cấu trúc ngân hàng đang có nhóm lợi ích nào đó đục nước béo cò, nếu vậy tôi kiến nghị phải giải quyết dứt khoát, vì lợi ích quốc gia".
“Các nhóm lợi ích đang ráo riết tác động từ mọi cửa”, ĐB Đáng lưu ý.
“Khi các nhóm lợi ích tác động, chi phối, ảnh hưởng đến lợi ích của đại bộ phận nhân dân thì vô cùng nguy hiểm”. Đời sống nhân dân đang khó khăn. Bức xúc xã hội nhiều. Ổn định xã hội cũng chính là ổn định của toàn bộ hệ thống chính trị, ông Đáng lưu ý.
Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/75494/sau-vinashin--vinalines--con--vina--nao-nua-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét