Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Khỏa thân để giữ đất toàn tập

Khỏa thân để giữ đất (phần I)
2012-06-07
Câu chuyện dân oan lại một lần nữa làm dư luận xôn xao qua hình ảnh trần truồng của hai phụ nữ bị kéo lê trên nền đất.

Photo courtesy of dantri.com
Cảnh lôi kéo bà Lài gây bất bình trong dân chúng
Đó là câu chuyện của hai mẹ con bà Phạm thị Lài cởi quần áo để phản đối đội cưỡng chế đến cướp đất gia đình bà ở quận Cái răng, thành phố Cần Thơ.
Hình ảnh hai người phụ nữ trần truồng bị kéo lê trên nền đất đã gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận. Đó là hai mẹ con bà Phạm thị Lài và cô con gái tên Hồ Nguyên Thủy.

Ngược dòng thời gian

Để tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi mời quý vị ngược dòng thời gian, bắt đầu từ năm 1992, khi vợ chồng ông Hồ văn Tư và bà Phạm thị Lài mua 3008 m² đất vườn khu vực 6 phường Hưng Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ cũ, nay là khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận cái Răng, thành phố Cần Thơ. Năm 1994, bà cất nhà cấp 4, diện tích 100 m².
Tháng 11-2002, UBND xã Hưng Thạnh (thành phố Cần Thơ cũ) thông báo triển khai việc quy hoạch và thu hồi đất để làm dự án lô 49 khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ (do Cty Xây dựng số 8 – gọi tắt là  CIC8 làm chủ đầu tư).
Đầu năm 2003, công ty xây dựng số 8 phát bảng giá bồi thường là 44.000 đ/ m² cho đất vườn và 40.530đ/m² cho đất ruộng. Cả nhà và vườn chỉ được bồi thường 197 triệu đ. Lúc đó giá đất ngoài thị trường trên 3000.000 đ/m².
Gia đình không đồng ý, đến ngày 8/2/2003 gia đình nhận được quyết định cưỡng chế do phó chủ tịch tp Cần thơ là ông Võ văn Đời ký. Nội dung là bác đơn khiếu nại của gia đình, nhưng thực ra khi đó các hộ dân chưa ai nộp đơn khiếu nại cả.
Suốt 6 tháng sau, gia đình không hề biết chuyện gì xảy ra giữa UBND tp Cần thơ và công ty xây dựng số 8. Bất ngờ, đến ngày 8/1/2003, gia đình nhận được quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính, thi hành quyết định 2702/QĐCTUB ký ngày 13/6/2003 đối với ông Hồ văn Tư, trong khi đó cả nhà chưa hề nghe nói đến quyết định 2702 này.
Ngày 4/7/2003, gia đình nộp đơn khiếu nại lần 1 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính nói trên. Đơn bị ông Võ văn Đời bác và giữ y quyết định 118/QĐ-CT.UB. Trong khi đó gia đình cũng không hề biết quyết định 118 này là gì ?
Sau đó ngày 1/9/2003, gia đình gửi đơn khiếu nại lần 2. Nội dung 44.000/m² là quá thấp so với thực tế và đòi cứ 1000 m² thu hồi phải bố trí tái định cư 100 m², công ty 8 chỉ bố trí 60 m² cho 1 hộ 8 người là bất hợp lý. Điều kỳ lạ là khi nhận đơn khiếu nại, bà Hồ Thị Thanh Hà – Cán bộ Phòng tiếp dân của UBND Tỉnh Cần Thơ (cũ) buộc gia đình bà Lài phải viết cam kết (và ký tên): “Không gửi đơn khiếu nại đến Tòa án”.
Ngày 10 tháng 03 năm 2011, Đoàn cưỡng chế của UBND Quận Cái Răng đã tiến hành đập căn nhà cấp 4, đốn hạ toàn bộ cây cối hoa màu, cho xe công trình vào san lấp cát toàn bộ diện tích hơn 3.006,8m2 đất . Họ cũng không giao bất cứ văn bản hay quyết định nào cho gia đình mà lập tức vào cưỡng chế.
Gia đình bà Lài buộc lòng phải di chuyển về phần đất 705m² do ông bà để lại, thuộc khu vực 2 Phường Hưng Thạnh (cũng quận Cái Răng) để cất nhà ở tạm. Nhưng, khu đất này lại tiếp tục bị quy hoạch cho dự án Khu Dân cư đô thị mới của công ty Nam Long. Tại đây, họ bị ép nhận mức giá chỉ 420.000 đồng/m2, trong lúc đó giá thị trường là hơn 3 triệu/m².
Ngày 15/3/2011, công ty Nam Long tiếp tục cưỡng chế khu đất ông bà mà gia đình bà Lài gồm 8 nhân khẩu đang sinh sống.
Trong khi giá cả chưa được thỏa thuận thì công ty đã đuổi gia đình bà Lài ra khỏi căn nhà đang ở, công ty 8 và công ty Nam Long rào hàng rào chung quanh 2 khu đất để tiến hành thi công, họ mướn cho gia đình bà Lài một căn hộ khác trong vòng 6 tháng. Sau đó, thời hạn 6 tháng đã qua mà công ty vẫn chưa giải quyết nên chủ nhà nghe theo quyết định của công ty 8 đuổi gia đình bà Lài.

Quá phẫn uất

khoa_than_7-250.jpg
Phụ nữ khỏa thân để phản đối việc cưỡng chế đất. Courtesy of dantri
Bà Lài tóm tắt lý do tại sao bà có hai ngôi nhà gạch mà sau đó phải cất chòi mà ở và bây giờ phải đi ở nhà mướn như sau:
“Trong khi nhà bên Nam Long thì đang ở, nhà có 8 nhân khẩu. Nhà đang ở, đang sinh sống thì chính quyền quận Cái Răng kéo lực lượng tới lấy kéo cắt nhà (chòi), cắt cửa sắt rồi dọn nhà đi xuống khu 586 vậy hà! Trong khi đó vợ chồng tôi không có ở nhà tại vì trong vòng 56 ngày mà nó đập 2 cái nhà thì không còn tinh thần nào nữa mà ở nhà , hai vợ chồng bị lên máu mới đi nằm bệnh viện, bỏ nhà cho con cháu, rồi tự động chính quyền với chủ đầu tư dọn đồ đi xuống mướn nhà dưới 586 vậy đó! 
Rồi 6 tháng hết hạn hợp đồng mướn nhà, chủ nhà mới hỏi công ty còn mướn hay không, công ty nói không mướn nữa. Bên Nam Long nói cho thời hạn 3 ngày sẽ trả lời mà nó cũng không trả lời luôn. 15 ngày sau, chủ nhà nói không dọn thì người ta liệng đồ ra sân. Chủ đầu tư kêu liệng đi, nó trả tiền chi phí cho. Chủ nhà cho 3 ngày để dọn, nếu không họ sẽ liệng đồ ra sân tức là tôi phải đi mướn tôi ở. Cho đến ngày nay tôi ở cái nhà nhỏ xíu, mướn 1 triệu rưởi, tôi ở cho tới bây giờ đó!”
Ông Nguyễn Hữu Xuân nói là ở đây không giải quyết gì hết, tôi giận quá nói không nên lời tôi mới trở về bưng chai thuốc rầy uống cho chết cho rồi đi để tài sản cho tụi nó cướp hết.
Ông Hồ văn Tư
Ngày 09 tháng 12 năm 2011, khoảng 7 giờ sáng, một đoàn cán bộ khoảng gần 20 người, gồm Công an, các ban ngành Đoàn thể… vào nhà bà Lài để vận động di dời. bà Lài yêu cầu gặp chủ đầu tư để thương lượng, sau đó sẽ chấp hành việc di dời. Đoàn cán bộ yêu cầu gia đình rời khỏi nhà và ra phía trước cổng (nơi Đoàn cưỡng chế đóng trú) để gặp Chủ đầu tư. Tưởng được đáp ứng yêu cầu chính đáng, ông Tư và bà Lài ra phía trước để gặp chủ đầu tư thương lượng. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Xuân (trưởng phòng quản lý đô thị quận Cái răng)  phát loa, lớn tiếng khẳng định: “Đoàn cưỡng chế đến đây rồi, không cần gặp chủ đầu tư nữa...”.
Uất ức trước sự tráo trở của những cán bộ này, ông Hồ Văn Tư đã chạy vào phía sau nhà, lấy chai thuốc trừ sâu đang dùng cho rẫy cải, uống hết để tự tử. Ông Tư được khiêng lên xe cứu thương, trong khi đó, hơn 50 người gồm Công an, Bảo vệ Cty 8, cán bộ Phường… xông vào giật sập căn chòi của 2 ông bà. Ông Hồ văn Tư nhớ lại như chuyện mới hôm qua:
“Nó vô chòi rồi nó kêu qua gặp chủ đầu tư, rồi qua gặp trưởng văn phòng quản lý đô thị. Ông Nguyễn Hữu Xuân nói là ở đây không giải quyết gì hết, tôi mới giận quá, tôi nói không nên lời tôi mới trở về bưng chai thuốc uống luôn, uống cho chết cho rồi đi để tài sản cho tụi nó cướp hết.”
Đó là câu chuyện thương tâm của ông Hồ văn Tư, người đã phải dùng mạng sống của mình để giữ lại mảnh đất mà gia đình ông đã khổ công gầy dựng. Trước hành động bạo ngược của những kẻ có thế, có tiền. Vợ con ông đã phải quên cả sự xấu hổ, dùng phương tiện chẳng đặng đừng để bày tỏ sự phẫn uất của mình. Chúng tôi sẽ trình bày trong phần 2 của loạt bài này. Kính mời quý vị theo dõi.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/undress-keep-land-part1-ta-06072012134101.html

Khỏa thân để giữ đất (phần II)

2012-06-07
Sau khi ông Hồ văn Tư, chồng bà Phạm thị Lài đã phải uống thuốc rầy để phản đối hành động ngang ngược của nhà cầm quyền địa phương thì câu chuyện vẫn chưa chấm dứt.
RFA files
Các cuộc biểu tình đòi đất diễn ra khắp nước Việt Nam ngày càng nhiều.

Con giun xéo mãi cũng oằn

Kể từ năm 2002, khi đoàn đo đạt của tp Cần thơ đến đo đất các hộ gia đình của khu quy hoạch cho đến nay, thì sóng gió đã ập xuống 8 nhân khẩu trong gia đình bà Lài. Suốt 10 năm ròng rã, vợ chồng bà đã viết hơn 20 lá đơn, nhận trên dưới 30 công văn, quyết định, thông báo…v.v.. từ chính quyền địa phương, nhưng không một lá thư nào giải quyết vấn đề một cách minh bạch và công bằng.
Phần lớn những công văn đó là chỉ để bác đơn kiện của bà Lài với lập luận mơ hồ là “Bác đơn khiếu nại vì không có cơ sở xem xét” (công văn ngày 8/10/2003 CT UB ND tp CT) rồi khẳng định một chiều “đây là quyết định giải quyết cuối cùng của UB ND tỉnh Cần Thơ » bất chấp sự phản đối của người trong cuộc. Đó chính là giọt nước làm tràn ly , đưa đến sự phẩn uất tột cùng để bà Lài và con gái không còn giải pháp nào hơn là phải khỏa thân để giữ đất :
"Sau khi bị công ty 8 cưỡng chế, vợ chồng tôi có trở vào công ty 8 cất chòi để ở, ở 6-7 tháng trời, rồi đến tháng 12, chính quyền huyện Cái răng tiếp tục cưỡng chế lần nữa là 3 lần, công ty 8 cưỡng chế 3 lần. Sau đó tôi tiếp tục gửi đơn hoài mà không thấy ai trả lời gì hết trơn , rồi đến nay công ty 8 nó càng ngày càng rào đất lại hết trơn hà! Nó đem xe vô đóng cọc, cất nhà . 
Ông chồng thì đã uống thuốc tự vận lúc bị cưỡng chế lần ba, ổng uống thuốc tự vận, ổng đi nhà thương rồi, bây giờ không biết làm gì. Mẹ con tôi thì sức yếu thế cô, chỉ muốn lột quần, lột áo ra để cho mấy thằng vệ sĩ, mấy thằng thanh niên nó mắc cỡ nó bỏ đi thôi, nó không lôi, không kéo mình mà ai dè đâu nó cũng lôi, cũng kéo mình . 
Cũng nhiều lần lắm, nó vô là nó khiêng tôi mấy lần chứ không phải 1 lần này đâu. Có lần tôi cũng lột quần thôi, có khi tôi không lột áo. Mấy lần đầu chỉ có mình tôi chứ không có con gái. Lần sau nó vô 8-9 người đông quá, nhỏ con gái thấy vậy nó mới tràn vô, nó thấy quá trời đông rồi! làm không lại nên nó mới lột quần lột áo theo tôi chứ mấy lần trước có mình tôi thôi, không có con gái.”

Đơn thư không ai giải quyết

image011-250.jpg
Dân oan trong một lần biểu tình đòi đất
Trong khi mọi việc đang chờ giải quyết của các cơ quan chức năng thì ông Nguyễn Thái Bảo, trưởng phòng Tài Nguyên Môi trường ký thông báo số 61/TB-PTNMT yêu cầu gia đình bà Lài “giao nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, trong vòng 20 ngày, nếu không giao thì họ sẽ hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng bà Lài.
Thế cùng, phải tự lột trần truồng để phản đối. Vậy mà mẹ con bà Lài lại bị cáo buộc ngược trở lại là hành hung vệ sĩ:
“Thì vệ sĩ nó tràn vô nó lôi, nó kéo nó xóc hai cánh tay tôi nó lôi trên cát, cát với đá xẻ hai bàn đít tôi chảy máu, còn con gái cũng vậy, 4-5 đưa nó xúm lại nó lôi. Vậy mà ông Cử trả lời tờ báo Thanh Niên, Tuổi trẻ , ổng nói là Mẹ con tôi đem sắt nhọn vô đâm mấy thằng vệ sĩ. Sự thật là Mẹ con không có quần áo, tay đâu mà cầm sắt cầm gì để mà đâm đâu mà ông Cử ổng nói như vậy.”
Ngày 22 tháng 9 năm 2011, ông Phạm Chánh Nhân – Cán bộ Phòng TN&MT quận Cái Răng, cùng ông Lê Minh Trí – Cán bộ Địa chính phường Hưng Thạnh, ông Trần Văn Thử - Trưởng Khu vực 2 Phường Hưng Thạnh đến nhà bà Lài tự rào đất xung quanh nhà, ghi chép rồi đo vẽ…
Những người này cho biết hộ của bà lấn chiếm đất của Công ty Đầu tư Xây dựng số 8 và Cty CP Nam Long.  Câu chuyện trở thành ngược đời khi những người bị cướp đất bị kiện lại thành những người đi cướp đất.
"Nó nói hộ của ông là vô cất chòi chiếm rồi nó làm đơn thưa mình nói là mình chiếm đất của nó nữa, tại vì mình vô mình cất chòi để ở nó nói mình chiếm đất của nó nên nó cưỡng chế lần 3 đó! , cưỡng chế lại lần 3 dỡ chòi nên ổng tức quá ổng mới uống thuốc tự vận ổng chết đó, chứ có phải khi không mà ổng uống thuốc tự vận đâu. Ông Nguyễn Thái Bảo, trưởng phòng Tài nguyên môi trường quận Cái răng đòi hủy quyền sử dụng đất của gia đình tôi nữa. Nó thấy gia đình tôi ngu dốt rồi nó gài nó ăn hiếp đủ thứ hết trơn, khổ dữ lắm luôn!”
Đơn của họ gửi khắp các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương mà không ai giải quyết, không ai xem xét lại vụ việc để bảo vệ quyền lợi và sự công bằng cho dân. Điều này cho thấy Chính quyền đã đứng bên ngoài, thậm chí cố ý nghiêng hẳn về phía lợi ích của Doanh nghiệp - Họ lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để  xâm phạm lợi ích của người dân một cách trắng trợn. Ông Tư chỉ biết than:
“Mình là dân dốt, không ai biết làm hơn cái gì bây giờ, quyền lực mà, bây giờ chỉ làm đơn yêu cầu  giải quyết thôi.”

Lâm cảnh túng quẫn

IMG_2334-250.jpg
Người dân An Giang biểu tình đòi đất.
Năm 2004, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Công văn 1701, yêu cầu "nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi về giá bồi hoàn...". Nhưng, vào năm 2003 và 2004, Chính quyền lại ra Quyết định thu hồi đất của dân (toàn bộ khu vực này) để giao cho chủ đầu tư bất chấp người dân có quyền "thương lượng về giá cả". Nói cách khác: Chính quyền đã tiếp tay chủ đầu tư, tướt đoạt quyền thỏa thuận về giá bồi hoàn của người dân với chủ đầu tư.
Bao nhiêu phong bì đã được chuyền tay để chính quyền cấu kết với doanh nhân đưa người dân đến bước đường cùng này. Sau bao nhiêu năm vất vả chỉ vì muốn giữ lại mảnh đất đã thấm mồ hôi của mình, bà Lài chỉ mong:
“Nói chung là từ hồi cưỡng chế đến nay đã 1 năm rồi, tiền thì không có, không làm gì ra tiền, vợ chồng bây giờ sức khỏe cũng yếu lắm. Bây giờ không làm gì ra tiền, cũng mong chính quyền ở đây giải quyết cho tôi cho rồi mà sao không thấy ai giải quyết cho tôi sống. Yêu cầu chính quyền trả lại công bằng, lẽ phải cho tôi thôi, mười mấy tháng qua là tôi quá trời vất vả rồi. Tôi có nhà có đất mà để cho tôi ở nhà mướn như vậy tôi bức xúc dữ lắm luôn đó, thật là bức xúc luôn đó.”
Đất là nền tảng của gia đình, là khúc ruột của dân, dù có gì đi chăng nữa, người dân cũng phải bám đất để sống, miếng đất mà họ đã tạo nên bằng mồ hôi, bằng chiếc lưng còng chứ không phải dễ dàng có được qua con đường tham nhũng, hối lộ. Vì vậy, bà Lài cương quyết:
“Bây giờ nếu vợ chồng tôi có chết thì bỏ chứ không bỏ miếng đất.”
Thái Hà, Tiên Lãng, Hưng Yên, Cần Thơ ….và sẽ còn những địa danh nào nữa sẽ là nạn nhân dưới bàn chân của đòan cưỡng chế để trở thành những cái tên mỹ miều “ khu đô thị mới” hay “làng sinh thái”?
Danh từ “đoàn cưỡng chế" và những hành động đàn áp thô bạo, cách cư xử bất nhân khiến người ta không khỏi liên tưởng đến sự tàn ác của các đoàn cải cách ruộng đất vào thập niên 40-50.  Nhưng, thế kỷ 21 không phải là thế kỷ 20 nữa và sự phẫn uất của những người dân oan mất đất bị dồn nén như một nồi áp suất đang sôi sục chỉ chờ ngày bùng nổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét