Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng loan báo sẽ đưa ra xét xử, "chậm nhất là tháng Sáu", các vụ án liên quan vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
Xung quanh tội danh "giết người và chống người thi hành công vụ”, ông Đoàn Văn Vươn cùng bảy người trong gia đình sẽ bị đưa ra xử.
Ông Vươn, cùng các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái bị khởi tố về tội giết người, còn bà Phạm Thị Báu (vợ ông Đoàn Văn Quý) và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ.
Công an Hải Phòng cho biết ông Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái đã bỏ trốn và hiện bị truy nã.
Trong vụ án thứ hai liên quan việc phá dỡ hủy hoại ngôi nhà coi đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, công an Hải Phòng nói còn đang "tiếp tục điều tra củng cố chứng cứ".
Thành phố xử lý
Trước đó, Ủy ban nhân dân Hải Phòng đã ra thông cáo báo chí thông báo kết quả thực hiện kết luận của thủ tướng về vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng.
Nhưng một số người quan tâm vụ việc lại cho rằng việc thực hiện của Hải Phòng là chưa thỏa đáng.
Toàn văn thông cáo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng vào tối hôm thứ Ba ngày 3/4, tức là quá ba ngày so với thời hạn mà thủ tướng yêu cầu Hải Phòng phải báo cáo.
Theo đó, Hải Phòng cho biết họ đã thực hiện được 7 công việc: thu hồi các quyết định thu hồi cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn, xử lý vi phạm sử dụng đất của ông Vươn, điều tra khởi tố vụ phá nhà ông Vươn, điều tra và khởi tố vụ án ‘giết người và chống người thi hành công vụ’ của gia đình ông Vươn, xử lý kỷ luật các cán bộ và tổ chức có liên quan và cuối cùng là ổn định chính trị, tư tưởng nhân dân.
Thông cáo cho biết Ủy ban nhân dân Hải Phòng đã ban hành kế hoạch cụ thể để giải quyết vụ Tiên Lãng chỉ hai ngày sau khi có kết luận của thủ tướng và thành lập một Tổ công tác chuyên trách do phó Chủ tịch thường trực Đan Đức Hiệp đứng đầu để thực hiện các công việc trên.
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP Hồ Chí Minh, cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần thể hiện trách nhiệm trong quá trình xử lý vụ việc.
“Thủ tướng khi ra kết luận thì phải theo dõi để có ý kiến chỉ đạo,” ông nói. “Từ ý kiến của bí thư Hải Phòng phát biểu cho đến việc làm của ban xử lý, thủ tướng cũng không có ý kiến gì, điều chỉnh gì để cảnh báo Hải Phòng làm đúng kết luận của thủ tướng."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét