Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Mạnh Kim - Ung nhọt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc (bài 1)

Mạnh Kim

BÀI 1: BÍ MẬT “CỖ MÁY ĐỎ”

Trước và sau vụ lật đổ Bạc Hy Lai, Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình liên tục lên tiếng về sự cần thiết chỉnh đốn Đảng và bộ máy chính trị. Những phát biểu có vẻ thời sự này thật ra chẳng phải mới. Nó chẳng khác nào là đoạn băng ghi âm được phát lại.


Sự hủ hóa trong Đảng cộng sản Trung Quốc cũng chẳng vì những phát biểu như vậy mà trở nên tử tế hơn, bất chấp nó có thể đe dọa sinh mạng chính trị dẫn đến sự sụp đổ thể chế cai trị.


Trong một phát biểu gần đây, Tập Cận Bình nói rằng “những tệ nạn nảy sinh trong đảng là do thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên”, rằng ngày càng phổ biến hiện tượng nhiều người vào Đảng chẳng phải “để chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho chính nghĩa cộng sản mà để được hưởng đặc quyền đặc lợi”.

Tuy nhiên, cái sự “hư” trong Đảng cộng sản Trung Quốc đã trở thành hệ thống mất rồi; và việc chữa trị những ung nhọt trong cơ thể Đảng thật ra là vô kế khả thi, bởi đơn giản người ta chẳng bao giờ đủ can đảm thọc con dao mổ đến nguồn gốc thật sự của căn bệnh. Nguồn gốc của nó là gì? Thử xem vài cuộc nội soi căn nguyên vấn đề, theo những gì được kể trong The Party: The Secret World of China's Communist Rulers (NXB Penguin 2011) của nhà báo Úc Richard McGregor (cựu chánh văn phòng Bắc Kinh của tờ Financial Times)…

“TIẾNG GỌI” CỦA ĐẢNG

Hãy bắt đầu từ một phần cơ chế hoạt động. Trên bàn làm việc của lãnh đạo khoảng 50 công ty-tập đoàn nhà nước, giữa mớ bừa bộn dây nhợ của dàn vi tính, ảnh gia đình cùng nhiều vật dụng thường gặp trong văn phòng hiện đại của một tổng giám đốc điều hành, người ta thấy có một chiếc điện thoại đỏ. Bất luận lúc nào chiếc điện thoại đỏ reo, những người trong phòng đều như muốn thót tim và lập tức chạy nhào đến nghe.


Bằng mọi giá, cuộc gọi từ chiếc điện thoại đỏ phải được trả lời. Nó không là chiếc điện thoại bình thường. Mỗi chiếc đều chỉ có bốn số bấm. Nó được kết nối với những chiếc tương tự cũng theo “hệ bốn số” nằm trong hệ thống bảo mật tương tự. Tại Trung Quốc, chiếc điện thoại đỏ “bốn số” là một vật được nhiều người thèm thuồng lẫn kinh sợ. Với các vị chủ tịch hoặc tổng giám đốc điều hành tập đoàn nhà nước hàng đầu, dù ai cũng sẵn trong tay thiết bị liên lạc hiện đại, cái “cỗ máy đỏ” – một “thuật từ” khác ám chỉ chiếc điện thoại đặc biệt – là dấu hiệu cho thấy họ đã đến, đã hiện diện, đã bắt đầu có quyền sinh quyền sát, không chỉ đối với ban lãnh đạo tập đoàn mà cả với bộ máy Đảng và chính quyền.
Người được tiếp cận “cỗ máy đỏ” hiển nhiên không là nhân vật xoàng. Nó được dành cho những vị trí tương đương cấp thứ trưởng trở lên. Chiếc điện thoại đỏ có mặt khắp Bắc Kinh, ở những văn phòng viên chức cấp cao; trên bàn các ngài bộ trưởng và thứ trưởng, trong phòng những vị tổng biên tập thuộc hệ thống cơ quan báo chí tuyên truyền, trong góc làm việc của các chủ tịch tập đoàn nhà nước...


Tất cả hệ thống điện thoại và fax thuộc “cỗ máy đỏ” đều được mã hóa bảo mật để không chỉ tránh sự nghe trộm của tình báo nước ngoài mà còn nhằm ngăn cản sự đột nhập của bất kỳ ai ngoài cơ chế-hệ thống Đảng ngay tại Trung Quốc. Việc sở hữu “cỗ máy đỏ” có nghĩa người đó đã hoàn toàn có đủ tư cách thành viên của một hội kín gắn kết cực dính, chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ đất nước Trung Quốc, quản lý một lượng người bằng 1/5 dân số thế giới.


Trong thế giới hiện đại, chẳng thiếu những hệ thống tinh hoa nắm quyền bính hoặc có ảnh hưởng thật sự trong bóng tối hậu trường, chẳng hạn những vị “quí tộc” tốt nghiệp Trường quốc gia hành chính Paris tại Pháp, hay “nhóm Todai” (xuất thân từ khoa luật Đại học Tokyo) tại Nhật, hoặc “câu lạc bộ Gymkhana” gồm những người được ăn học và đỗ đạt bên Anh ở Ấn Độ. Mỹ thì có Hội Ivy (dân tốt nghiệp tại một trong tám viện đại học danh tiếng trong đó có Cornell, Harvard, Princeton, Yale…).
Tuy nhiên chẳng nhóm nào trong các hội trên đủ tư cách “xách dép” cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Với Đảng cộng sản Trung Quốc, hệ thống tổ chức của họ đã được nâng lên một cấp độ hoàn thiện mới, độc đáo hơn, được cụ thể hóa ở hình ảnh chiếc “cỗ máy đỏ”.


Với “cỗ máy đỏ”, Đảng cộng sản Trung Quốc có thể quán xuyến vai trò lãnh đạo và kiểm soát mọi thứ, từ trung ương xuống địa phương, từ văn phòng chính phủ xuống các tập đoàn, từ Trung Nam Hải đến các cơ quan-tổ chức Trung Quốc ở hải ngoại…, với cấp độ hiệu quả đến mức gần như hoàn hảo. Cũng chính bởi yếu tố quyền lực vô hình, chiếc điện thoại đỏ đã biến hóa với nhiều công năng, ngoài chức năng liên lạc và nhận-truyền chỉ thị.


Một thứ trưởng từng cho biết, hơn ½ cuộc gọi nhận được từ chiếc điện thoại đỏ của ông là những yêu cầu từ giới chức cấp cao, với nội dung đại loại “Này, anh có thể xếp được một chỗ cho thằng nhỏ nhà tôi/con nhỏ nhà tôi/thằng bé cháu tôi/thằng bạn của tôi… được không?”. Còn nữa, vào thời trước khi có điện thoại di động, giới chủ ngân hàng đầu tư vốn có nhiều mối hữu hảo rộng nhưng không thể “giao thiệp” được với giới chức lãnh đạo chóp bu đã thường “mượn” chiếc điện thoại đỏ trong văn phòng mà họ đang ghé đến (khi ngài “chưởng quản” trong phòng đi vắng) để gọi trực tiếp đến một khách hàng tiềm năng…

VÀO ĐẢNG ĐỂ LÀM GÌ?

Đảng cộng sản Trung Quốc thế kỷ 21 không như thời khai dựng của Mao Trạch Đông, khi Đảng thâm nhập và cài cắm vào quần chúng. Bây giờ, đủ mọi thành phần đều có thể có mặt trong Đảng. Về hình thức, Đảng đã thay đổi phong cách. Với yêu cầu dân chủ ngày càng cao và điều này thể hiện qua ý kiến của những người trong lẫn ngoài Đảng – theo Chu Thụy Kim (cựu Phó tổng Nhân Dân nhật báo và cựu Tổng biên tập Giải Phóng nhật báo) – cho nên, “thời của cá nhân cai trị đã kết thúc”.


Với vô số thay đổi xã hội trong một thập niên qua, Đảng cũng bắt đầu thay đổi dung nhan. Từng được chiếm đa số với thành phần công nông (gần ½ cho đến cuối năm 1978), Đảng bây giờ có sự hiện diện của lực lượng ưu tú, từ sinh viên đến doanh nhân giàu có. Trong thực tế, đó là nguồn cung cấp nhân lực phát triển nhanh nhất của Đảng, với tỉ lệ gia nhập tăng đến 255% và 113% (theo thứ tự tương ứng), từ năm 2002 đến 2007. Nhiều người háo hức vào Đảng bởi họ thấy rõ những khoản “lãi” mà tư cách đảng viên mang lại. Một sinh viên Đại học Thanh Hoa tên Nghê Hàn Vi nói: “Với nhiều sinh viên như tôi, việc trở thành đảng viên là dấu chỉ của sự xuất sắc.


Hơn nữa, nếu vào Đảng, anh sẽ có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt trong bộ máy nhà nước”. “Bọn nước ngoài cứ ra rả rằng Đảng đã mang lại vô số sai lầm và có lẽ sẽ sụp đổ vài năm nữa nhưng thầy tôi thì nói “Đừng đánh giá thấp sức mạnh của Đảng. Chủ tịch và các vị trong bộ máy chính phủ trung ương thật là vô cùng anh minh. Họ có thể dùng quyền lực và chính sách để kiểm soát toàn bộ đất nước” – nhận xét thêm của Hoàng Hoành Phương, sinh viên Đại học Nhân Dân.
Bất luận thế nào, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang khuyếch trương. Để thu hút doanh nghiệp tư nhân gia nhập, Đảng đã đưa ra những “khích lệ” cụ thể bằng tiền mặt, theo cách như nhiều công ty phương Tây áp dụng hình thức bán hàng đa cấp! Tại Tam Hương trấn thuộc thành phố Trung Sơn (Quảng Đông), đảng ủy địa phương đã đưa ra gói thưởng tổng cộng 5 triệu tệ (khoảng 16,4 tỉ VNĐ) cho các đơn xin vào Đảng – hình thức mà sau đó được áp dụng khắp Trung Quốc.


Có nơi, những dân làng nào lập ra đảng ủy vốn chưa từng hiện diện trong một công ty tư nhân sẽ được thưởng 5.000 tệ (16,4 triệu VNĐ). Khắp Trung Quốc, giờ đây những người như doanh nhân Chu Bồi Côn không ít. Hồi mở công ty bất động sản tại Nam Trung Quốc năm 1994, Chu chẳng bao giờ nghĩ đến việc thành lập cái gọi là tổ chức đảng ủy. Thế rồi, trước sự nghi kỵ ngày càng lan rộng, Chu phải lập ra và phát triển “cơ sở Đảng” bên trong bộ máy quản trị công ty.


Giờ đây, Chu nói về Đảng với sự kính trọng đặc biệt và xem Đảng là yếu tố tối quan trọng cho các mối quan hệ mình cần cũng như cho sự mở rộng và phát triển doanh nghiệp. “Thành công vĩ đại nhất của Đảng là khả năng thích nghi với thay đổi môi trường” – Chu hứng khởi nói – “Tất cả những người giỏi nhất bây giờ đều nhập Đảng”.
Có lẽ “khả năng thích nghi với thay đổi môi trường” như cách nói của Chu Bồi Côn là việc khoác thêm lớp áo truyền thống. Một trong những ví dụ là sự hồi sinh văn hóa Khổng Tử – người từng bị Mao xem là biểu tượng của “phong kiến hủ lậu” bởi những luận điểm “lạc hậu” đại loại “Quân tử sở tính nhân nghĩa lễ trí” (Quân tử phải biết tu thân và hiểu thấu đáo lễ nghĩa).


Có thể nói sự “tiến hóa” của Đảng với khả năng nâng cấp lên những phiên bản mới đã mang lại sức mạnh tập quyền cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Bàng Trữ – một học giả thuộc Viện khoa học-xã hội Trung Quốc, một trong những người cầm ngọn cờ đầu cho cuộc chiến bảo vệ Đảng đến cùng – nói rằng, nếu không có một bộ máy lãnh đạo trung ương mạnh, “nhiều địa phương sẽ đòi độc lập và phong ba sẽ xảy ra”, rằng “bí mật của bộ máy nhà nước Trung Quốc là ông vua luôn kiểm soát tất cả những cái mũ (“sở hữu đích mạo tử do hoàng đế”).


Ông ấy có thể lấy đi hoặc đặt vào. Tôi không nghĩ phần này trong hệ thống sẽ bao giờ thay đổi”…
Mạnh Kim
(còn tiếp)
http://danluan.org/node/12267

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét