Thưa Quý Bà Mary Lowlor,
Chúng tôi là những cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng hàng triệu người dân bị chính quyền cộng sản Việt Nam bần cùng hóa do bị cướp nhà, cướp đất, bị đàn áp. Chúng tôi nhiệt thành tán đồng quan điểm của Quý Bà được diễn trình trước Liên hiệp Âu châu rằng nhân quyền cần được đưa vào trong các thoả thuận giữa Liên hiệp Âu châu với quốc gia thứ ba. Vô cùng đáng tiếc, đàm phán Hiệp nghị Thương mại Tự do Việt Nam – EU đang diễn ra lại đi ngược quan điểm trên, do vậy khiến hàng triệu nông dân/người dân chúng tôi tiếp tục lâm vào cảnh bần cùng do nhà đất bị tước đoạt và các quyền bị vi phạm.
Hàng triệu nông dân/người dân Việt Nam đã và sẽ tiếp tục bị tước đoạt đất đai, nhà cửa và tài sản. Khối đất đai, tài sản có giá trị cao này được tích tụ lại vào tay các doanh nghiệp, cá nhân trong bộ máy chính quyền cộng sản hoặc quan hệ thân cận với chính quyền. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân này có quan hệ thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch với Liên hiệp Âu châu. Thủ phạm đằng sau các vi phạm và tước đoạt này là quan chức cộng sản và Đảng cộng sản cầm quyền độc tài. Đảng này đã và đang sử dụng vũ lực và lực lượng vũ trang để tước đoạt tài sản, đất và nhà của chúng tôi, không cho chúng tôi thực hiện các quyền cơ bản của con người, trong nhiều trường hợp họ đã thực hiện đàn áp và bắt tù chúng tôi chỉ bởi chúng tôi thực hiện quyền cơ bản của con người. Chính Đảng này lại tẩy rửa vết dơ bẩn ấy để bắt tay với Liên hiệp Châu Âu bằng bàn tay gọi là “sạch”.
Thật là một sự xỉ nhục cho một vài nhà tài trợ quốc tế lúc nào cũng tung hô lý tưởng phát triển cao cả để rồi lại bắt tay và lợi dụng thể chế cộng sản tham ô, tạo quan hệ thương mại không lành mạnh, cung ứng cho chúng nguồn vay ODA dồi dào và sử dụng rất phung phí để rồi chính những nạn nhân là người dân chúng tôi lại phải còng lưng trả nợ. Chúng tôi biết rõ đây là quan hệ lợi dụng hai bên cùng có lợi. Kẻ bất lợi là người dân chúng tôi. Sự vô trách nhiệm có tính toán này của một số nhà tài trợ đã khiến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày một xấu, làm gia tăng nạn nghèo đói, bất công, tham nhũng và nguy hiểm nhất là biến ODA, quan hệ thương mại thành công cụ để tham ô, để nô dịch và để biến hàng triệu người thành bần cùng hóa, không những vậy còn giúp củng cố nền thống trị của thể chế độc tài. Việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc đề ra hoàn toàn bị bóp méo nơi đây …
Đây chỉ là những tiếng kêu thống thiết không đầy đủ về hậu họa của việc tách nhân quyền ra khỏi các thoả thuận mà Liên hiệp Âu châu xem xét ký kết.
Vì nhân phẩm và lương tâm của con người, vì sự phát triển bền vững cho nhân loại, một lần nữa, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Quý Bà sử dụng quyền năng và vị thế của mình để nêu vấn đề nhân quyền Việt Nam đối với Liên hiệp Âu châu không những trong ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam mà còn trong mọi thoả thuận khác.
Kính thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét