Hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên

    Bắc Triều Tiên bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu hạt nhân vào thập niên 1960, khi nhận được một lò phản ứng cỡ nhỏ của Liên bang Xô Viết cũ, và bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào thập niên 1980. 
    Sau đây là trình tự theo thời gian về các diễn biến đáng kể nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. 
    1985: Tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) sau khi phát hiện một lò phản ứng tái chế biến hạt nhân ở Yongbyon.
    1994: Ký Khung Thỏa thuận với Hoa Kỳ, theo đó đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và nhận các nhà máy năng lượng hạt nhân nước nhẹ. 
    2002: Tái khởi động các sinh hoạt tại Yongbyon và trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA sau khi bị đối đầu về một chương trình bí mật tinh chế uranium. 
    2003: Cùng với 5 nước khác ở Bắc Kinh tham dự 3 vòng đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của họ. 
    2005: Ký một thông cáo chung tái khẳng định Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và đồng ý từ bỏ mọi chương trình hạt nhân hiện hữu. 
    2006: Loan báo thử nghiệm thành công một thiết bị nổ hạt nhân. 
    2007: Đóng cửa cơ sở hạt nhân ở Yonbyon và cho phép thanh sát viên IAEA trở lại. 
    2009: Phóng phi đạn tầm xa qua không phận Biển Nhật Bản, bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khuyến cáo. 
    2009: Rút ra khỏi các cuộc Đàm phán 6 bên và vài tuần sau loan báo thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ nhì. 
    2012: Đồng ý với lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân và đình chỉ hoạt động tinh chế uranium ở Yongbyon, và ngưng phóng các phi đạn tầm xa. 
    2012: Loan báo kế hoạch phóng một vệ tinh thời tiết trong một hành động bị giới chỉ trích coi là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.
Các nhà khoa học Bắc Triều Tiên đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến cho hỏa tiễn tầm xa được phô trương rầm rộ của họ đã đâm xuống biển không lâu sau khi được phóng ngày hôm nay, làm bẽ mặt tân lãnh đạo Kim Jong Un.
Truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên thừa nhận rằng hỏa tiễn ba tầng Unha-3 đã tách rời chỉ một phút sau khi được phóng và rơi xuống Hoàng Hải ngoài khơi bờ biển Nam Triều Tiên mà không gây nguy hại gì.

Trong khi Bình Nhưỡng không giải thích nguyên nhân, Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ, cơ quan đã theo dõi sát vụ phóng, nói rằng hai tầng cuối của hỏa tiễn dường như đã thất bại, khiến cho phi đạn lao thẳng xuống biển.

Morris Jones, một phân tích gia không gian độc lập, người theo dõi các chương trình hỏa tiễn ở châu Á, nói với đài VOA rằng sự thất bại dường như đã xảy ra khi tầng đầu của hỏa tiễn cố tách ra khỏi hai tầng cuối.

Ông nói rằng theo ông sự giải thích có phần chắc chắn nhất là đã có trục trặc khi họ tìm cách tách tầng đầu khỏi tầng thứ hai của rocket. Tầng đầu dường như đã hoạt động khá tốt, nếu không thì hỏa tiễn sẽ không thể bay xa như vậy được.

Các giới chức Nhật Bản, đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao vì khả năng các mảnh vỡ của hỏa tiễn rơi xuống, nói rằng hỏa tiễn này đã bay lên không trung khoảng 1 phút, đạt tới độ cao 120km, trước khi tách thành 4 mảnh.

Ông Jones nói rằng nếu những số liệu này là đúng, thì phi đạn này về mặt kỹ thuật đã đạt được đến tầm “vũ trụ.” Nhưng ông nói rằng tầng đầu của hỏa tiễn dường như không cung cấp đủ động lượng để nó bay vào quĩ đạo.

Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng hiện họ đang tìm kiếm các mảnh vỡ của hỏa tiễn đã rơi xuống cách bờ biển Seoul khoảng 165km. Ông Jones nói rằng có phần chắc Hoa Kỳ cũng sẽ đưa các tàu ngầm tới để trục vớt các bộ phận của rocket.

Những lần phóng vệ tinh trước đó của Bắc Triều Tiên vào năm 1998 và 2009 bị nhiều người coi là thất bại. Lần phóng gần đây nhất chỉ bay lên không trung được 40 giây.

Tuy nhiên Bắc Triều Tiên nhất mực cho rằng họ đã phóng thành công ít nhất một vệ tinh vào quĩ đạo, và rằng vệ tinh đó đang phát đi các bản nhạc ái quốc.

Ông Jones nói rằng ông đã “hơi ngạc nhiên” khi Bắc Triều Tiên thừa nhận thất bại trong lần phóng này, xét về tinh thần quốc gia quyết liệt trong bộ máy tuyên truyền của Bắc Triều Tiên.

Mặc dù vậy, ông nói rằng vụ phóng không thành công được coi là một trở ngại đáng kể cho chương trình phi đạn của Bắc Triều Tiên và là một sự bẽ mặt lớn đối với ông Kim Jong Un.

Ông Jones nói rằng Bắc Triều Tiên có thể đã cảm thấy áp lực buộc phải thừa nhận thất bại một phần vì sự hiện diện đông đảo và chưa từng có của báo chí nước ngoài được mời đến để chứng kiến vụ phóng này tận mắt.