Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

HRW kêu gọi Úc thúc đẩy VN tôn trọng nhân quyền


2012-04-26
Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) kêu gọi chính phủ Úc tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Photo courtesy of XuanDienBlog
Công an tham gia cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4/2012.

Nhân dịp đối thoai song phương về nhân quyền Việt nam Úc diễn ra vào ngày 26 và 27 tháng 4, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đã gửi một bản ghi nhớ đến chính phủ Úc, kêu gọi nước này tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Việt Hà có bài phỏng vấn ông Phil Robertson về bản ghi nhớ này.

Xâm phạm quyền con người


Trước hết ông Phil Robertson nói về bản ghi nhớ lần này như sau:

Các nước có đối thoại nhân quyền với VN phải chuyển được thông điệp của họ đến những người cầm quyền ở Hà Nội rằng những vi phạm nhân quyền tại VN cần phải chấm dứt.
Ô. Phil Robertson

Phil Robertson: Chúng tôi đã có trao đổi với phía Úc từ trước, cho họ biết những quan ngại của chúng tôi về vấn đề quyền con người tại Việt Nam. Tôi có thể nói lần này là lần đầy đủ nhất mà chúng tôi gửi tới chính phủ Úc. Trong quá khứ chúng tôi đã gửi nhiều thư đến chính phủ Úc về đối thoại nhân quyền hai nước, nhưng lần này chúng tôi muốn họ có một báo cáo đầy đủ hơn từ phía chúng tôi vì chúng tôi thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang xuống dốc. Và vì vậy điều quan trọng là chính phủ các nước có đối thoại nhân quyền với Việt Nam phải chuyển được thông điệp của họ đến những người cầm quyền ở Hà Nội rằng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cần phải chấm dứt.

Việt Hà: 
Vậy phản hồi từ phía chính phủ Úc đối với các đề nghị của các ông ra sao?

Phil Robertson:
 Họ luôn cảm ơn chúng tôi vì những thông tin mà chúng tôi gửi tới họ đôi khi họ cũng hỏi thêm các chi tiết. Nói chung là họ luôn cảm ơn chúng tôi và họ hứa sẽ đưa vấn đề này ra với chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên rất khó để cho chúng tôi có được thông tin quay lại từ phía họ (Úc) về những gì đã xảy ra trong phòng đối thoại hai nước.

000_Hkg3749673-200.jpg
Ông Phil Robertson tại một cuộc họp báo ở Indonesia, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.
Vấn đề về những đối thoại này nằm ở chỗ họ đưa ra các vấn đề quan trọng, nhưng sau 2 hay 3 ngày đối thoại thì các vấn đề vẫn thế và hai bên đồng ý với những điểm không đồng ý. Và thật khó có thể làm gì để thay đổi các đối thoại song phương kiểu này vì đó bản chất của đối thoại này, nó không phải là đàm phán. Chúng tôi chỉ muốn phía Úc phải có thêm sức ép lên chính phủ Việt Nam. Không chỉ nói về nhân quyền trong dịp này mà còn tiếp tục nói về nhân quyền trong cả năm. Và nhân quyền phải là một phần không thể thiếu trong chính sách ngoại giao của Úc với Việt Nam.

Việt Hà:
 Các ông có hài lòng với những gì mà chính phủ Úc đã làm liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Việt nam?
Phil Robertson: 
Chúng tôi muốn họ làm hơn nữa, chúng tôi đã nêu vấn đề này ra không chỉ trong bản ghi nhớ mà chúng tôi gửi tới chính phủ Úc mà cả trong một bức thư dài gửi tới ngoại trưởng Úc. Trong lá thư này chúng tôi tiếp tục thúc giục ông cho ông ta thấy nhân quyền cần phải được các nhà ngoại giao Úc tại Hà Nội đề cập đến thường xuyên và cả khi các đoàn quan chức Việt Nam đến thăm Úc.

Tạo sức ép như thế nào?


Việt Hà: 
Thường thì chúng ta hay nói Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách CPC tức là các nước phải theo dõi đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo, vậy Úc có thể tạo sức ép thế nào lên Việt nam trong vấn đề nhân quyền?

Sức ép phải là một tổng hợp các nỗ lực của không chỉ Úc, Mỹ, Newzealand mà con của các nước thuộc khối EU. Họ cần phải đưa vấn đề này ra thường xuyên với chính phủ VN.
Ô. Phil Robertson

Phil Robertson: Úc là một đối tác thương mại quan trọng với Việt Nam, họ là một đối tác phát triển quan trọng, họ cung cấp nhiều trợ giúp phát triển cho Việt Nam. Cho nên không nói là Úc không có gì trên bàn cân để tạo sức ép đối với Việt Nam, tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có thể có sức ép mạnh lên Hà Nội. Sức ép phải là một tổng hợp các nỗ lực của không chỉ Úc, Mỹ, Newzealand mà con của các nước thuộc khối EU. Họ cần phải đưa vấn đề này ra thường xuyên với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực của các đại sứ quán đã quan tâm đến vấn đề này tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm 4 nước gọi là G4 vẫn luôn đưa vấn đề nhân quyền với Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng là nhân quyền cần phải được đề cập đến ở khắp nơi, bao gồm nhiều vấn đề như việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến, tạm giữ bất hợp pháp, tăng cường kiểm duyệt ví dụ như một quy định mới được thảo gần đây về internet. Tất cả những vấn đề này rất quan trọng và cộng đồng quốc tế cần phải lưu tâm. Nó không chỉ là vấn đề về nhân quyền, nó phản ánh một chính phủ điều hành có tốt hay không.

VGiang13-danlambao-250.jpg
Công an tham gia cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4/2012. Citizen photo.
Việt Hà: 
Chúng ta thấy là hiện nay Việt Nam có quan hệ thương mại, quốc phòng với nhiều nước phương tây trong đó có Úc và Mỹ, người ta nói rằng vì mối lợi từ các quan hệ thương mại, quốc phòng và giáo dục, các nước phương Tây có thể bỏ qua vấn đề nhân quỳen tại Việt Nam, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Phil Robertson: Chúng ta nên tập trung vào việc ai là người vi phạm nhân quyền trước, đây là chính phủ Việt Nam, họ đàn áp nhân quyền trên nhiều mặt. Nó liên quan đến nhiều vấn đề. Cộng đồng quốc tế nên làm nhiều hơn nữa, và chúng ta phải tập trung vào chính phủ Việt Nam.

Điều mà chúng ta đang thấy là họ cảm thấy bị đe dọa bởi luồng thông tin tự do trên internet. Họ lo lắng vì những phản đối ngày một gia tăng của người dân về đất đai, bởi một phần là do đảng cộng sản vẫn chưa thể giải quyêt được tham nhũng từ địa phương, những quan chức địa phương tiếp tục làm giàu vì đất đai. Chúng tôi thấy chính phủ Việt nam lo lắng vì người dân có suy nghĩ độc lập hơn về tôn giáo, họ đàn áp các nhóm tôn giáo không đăng ký với chính phủ. Cho nên vấn đề bắt đầu từ chính phủ Việt Nam được thể hiện qua cái gọi là an ninh quốc gia. Cộng đồng quốc tế và các nhà ngoại giao phương Tây tại Hà nội phải thấy vấn đề này, hiểu là việt Nam đang đi sai đường trong vấn đề nhân quyền.

Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải mạnh mẽ nói với chính phủ Việt Nam rằng các ông muốn là thành viên của hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc thì các ông phải làm một số điều để có thể có được cái ghế đó. Một số điểm chính phủ Việt Nam cần cam kết và thực hiện nghiêm túc. Họ phải cho cộng đồng quốc tế thấy là họ có thể làm được điều này. Và nếu họ không làm được thì chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao Việt nam có thể có một ghế trong hội đồng nhân quyền, sao chúng ta có thể tin được những gì mà chính phủ Việt Nam nói là họ có nhà nước pháp quyền, trong khi luật mà họ viết ra thì rất không rõ ràng để có thể đàn áp những người muốn bày tỏ ý kiến.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét