Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Libya: Những đám mây đen thời kỳ hậu Kadhafi

Anh Vũ

Kết cục bi thảm của nhà độc tài Kadhafi sau 42 năm trị vì đất nước Libya và cuộc giải cứu đồng euro là hai đề tài được các tạp chí tuần này chú ý đặc biệt với nhiều bài viết ở các góc độ khá nhau.

Một chiến binh chống Kadhafi
từ Sirty trở về Misrata,
ngày 28/10/2011
REUTERS
Đề cập đến thời kỳ hậu Kadhafi, tuần báo Le Nouvel Observateur có bài viết “Libya: Những đám mây đen của cuộc cách mạng”.

Theo tờ báo thì cảnh tượng cái chết thảm của bạo chúa Mouammar Kadhafi và việc Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp - CNT - tuyên bố lựa chọn luật Hồi giáo Sharia đang phủ một bóng đen lên đất nước Libya mới.

Theo le Nouvel Observateur, thì “hệ quả tệ hại của một chế độ độc tài dài lâu (như ở Libya) không chỉ ở chỗ cả một dân tộc bị mất tự do. Xa hơn những chuyện đàn áp , tù đày, tra tấn giết hại những người đối kháng, tước đoạt quyền tự do ngôn luận … chế độ độc tài còn gieo rắc độc hại trong tâm hồn của những người dân Libya. Vậy nên khi chế độ bạo chúa bị đánh đổ thì một tuyên bố giải phóng đất nước không đủ để giải phóng được tinh thần của người dân".

Mouammar Kadhafi đã cai trị đất nước này một thời gian khá lâu, đủ chiều dài của một thế hệ. Suốt thời gian đó, thế hệ trẻ của đất nước này, những người nổi dậy hôm nay, đã phải giấu mình trong cuốn sách duy nhất được phép đó là cuốn kinh Coran. Họ không hề được biết gì hơn về dân chủ. Theo tác giả bài viết thì điều này người ta có thể cảm nhận thấy trong suốt 8 tháng trời của cuộc nội chiến. Đặc biệt trong cuộc chiến cuối cùng ở thành phố Syrte khi những người nổi dậy hừng hực khí thế căm thù tiêu diệt đến cùng kẻ bạo chúa và ngay cả khi lãnh đạo cuộc cách mạng tuyên bố long trọng về một kỷ nguyên mới cho đất nước Libya.

Hôm chủ nhật vừa qua, tại Benghazi, ông Moustapha Abdeljalil, chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp đã có một bài diễn văn đầy xúc động được ngắt quãng bởi những câu “ đấng tối cao Allah”. Nội dung chính của bài diễn văn của không đề cập đến dân chủ, tiến bộ, phúc lợi xã hội hay các quyền bình đẳng nam nữ hay quyền được giáo dục của công dân. Lãnh đạo của cuộc cách mạng Libya tuyên bố “Là một nước Hồi giáo, chúng ta coi Sharia như là bộ luật chủ chốt” và mọi luật trái với luật Hồi giáo Sharia đều không được công nhận. Như vậy là chính quyền mới đã khôi phục lại việc cấm ly dị và chế độ đa thê, điều mà chế độ cũ của Kadhafi đã xóa bỏ.

Giới quan sát theo dõi tình hình Libya trong suốt cuộc khủng hoảng này không cảm thấy ngạc nhiên về thông báo chủ trương của CNT khi mà trong suốt những tháng ngày nóng bỏng vừa qua, câu cửa miệng của những người nổi dậy khi phải đối mặt với lực lượng của Kadhafi cũng như trong các trận chiến đấu là câu “ Đấng tối cao Allah”.

Ngay sau tuyên bố giải phóng đất nước của CNT, Paris đã ca ngợi nhân dân Libya là “can đảm, đoàn kết và kiêu hãnh”. Theo Le Nouvel Observateur, “ can đảm” thì không có gì phải bàn cãi. Người dân Libya đã được trả giá xứng đáng cho việc đứng lên lật đổ chế độ độc tài Kadhafi. Còn niềm “kiêu hãnh” thì lại bị vấy bẩn bởi chiến thắng cuối cùng, trong cảnh hỗn loạn trả thù điên cuồng của những người nổi dậy đối với Kadhafi dẫn đến cái chết thảm và không rõ ràng của hai bố con nhà độc tài thất thế.

Nhìn cảnh tượng các chiến binh Misrata hân hoan mang xác của hai cha con kẻ bại trận được quấn trong những chiếc chăn sơ sài bẩn thỉu về trưng bày trong một kho lạnh bảo quản thực phẩm như một chiến lợi phẩm thì khó có thể gọi đây là một chiến thắng đáng kiêu hãnh. Và người ta cũng đặt câu hỏi về số phận của không ít những người trung thành với với Kadhafi bị bắt sống rồi sau đó không biết ra sao.

Còn “đoàn kết” thống nhất ư? Theo tác giả bài báo thì đất nước Libya đang bị chia rẽ giữa các vùng trong việc tranh công chiến thắng. Misrata thành phố trọng điểm của cuộc chiến thì chống lại Benghazi thủ phủ của cuộc nổi dậy, rồi các vùng chống lại chính quyền trung ương, những người chỉ huy chiến trận chống lại lãnh đạo chính trị, những người có đầu óc tự do chống lại những người có tư tưởng Hồi giáo toàn thống… đó là hàng loạt những mâu thuẫn đã và đang nảy sinh trong đất nước Libya thời kỳ hậu Kadhafi.

Le Nouvel Observateur kết luận, “Đúng là Kadhafi đã bị đánh đổ nhưng nhà độc tài này để lại sau mình một đất nước Libya đang bị xé ra từng mảnh. Không ít mây đen đang kéo đến trên bầu trời sa mạc Libya”.

Khủng hoảng nợ công: Châu Âu bất lực

Trong tuần, cuộc giải cứu khẩn cấp khủng hoảng nợ công của châu Âu là tâm điểm thời sự. Hai Hội nghị Thượng đỉnh liên tiếp của các nước trong Liên Hiệp Châu Âu hôm 26 rạng sáng sáng 27 tháng 10 cuối cùng cũng đã đưa ra được một vài giải chống khủng hoảng, ban đầu tạm làm yên tâm thị trường tài chính và các nước trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên, mối lo ngại khủng hoảng lây lan vẫn còn đó.

Đề cập đến chủ đề này, Le Nouvel Observateur chạy hàng tựa khá bi quan “ Euro : cuộc khủng hoảng không hồi kết”.

Le Nouvel Observateur quan sát thấy, kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đe dọa lây lan khắp châu Âu, từ Bruxelles đến Francfurt rồi Berlin, liên tiếp các cuộc gặp Thượng đỉnh đã diễn ra cùng các buổi ăn tối làm việc liên miên giữa lãnh đạo Pháp-Đức, các kế hoạch giải cứu lần lượt được đưa ra nhưng châu Âu vẫn chưa thể ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa làm tan vỡ khu vực đồng euro.

Dù vậy nỗ lực của các nước châu Âu vẫn không có kết quả cụ thể. Do đâu mà cuộc khủng hoảng vẫn cứ dằng dai không tìm ra lối thoát bất chấp các sáng kiến được đưa ra?

Theo Le Nouvel Observateur thì trước hết vẫn là do kinh tế Hy Lạp tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Dù có áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng thế nào đi nữa thì Athens cũng sẽ không trả được hết số nợ 350 tỷ euro. Cần phải xóa 50% nợ cho nước này, nhưng các ngân hàng ban đầu không chịu. Phải đến cuộc họp Thượng đỉnh hôm 27 /10, họ mới chịu chấp nhận đề nghị này cùng điều kiện là các ngân hàng phải được cấp thêm vốn, ít nhất là 110 tỷ euro.

Một điểm bất đồng khác giữa Pháp và Đức khiến các kế hoạch giải cứu lâm vào bế tắc, đó là tổng thống Pháp thì muốn nâng mức Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu FESF lên đến 1000 tỷ, thậm chí 2000 tỷ, thay vì ở mức 440 tỷ như hiện nay, nhưng Đức vẫn nói “không” . Giải thích cho bất đồng quan điểm căn bản của hai nước, một nhà thương thuyết của Pháp ví von rằng “ ở Pháp, khi có hỏa họan người ta gọi ngay lính cứu hỏa đến. Ở Đức người ta lại cho rằng nếu gọi người đến cứu sớm quá thì mọi người sẽ không chịu lo phòng chống hỏa hoạn nhà mình và tiếp tục thói quen bất cẩn…” Trong cuộc khủng hoảng đồng euro, Pháp là nước dễ bị tổn thất nên rất sợ khủng hoảng lây lan. Còn Đức muốn dạy cho các nước bài học về kỷ luật chi tiêu mặc dù bà thủ tướng Đức Angela Merkel hiểu thế nào rồi cũng phải hành động. Trong khi chờ đợi thế giới bắt đầu phẫn nộ với sự chậm trễ của châu Âu mà trong đó nguyên nhân không nhỏ bắt nguồn từ thái độ lưỡng lự giữ lợi ích và trách nhiệm của Đức, nước duy nhất ở phương Tây có khả năng thay thế vai trò đầu tàu kinh tế thế giới của Mỹ đang bị hụt hơi.

Nokia tìm lại thời hoàng kim trong lĩnh vực điện thọai di động

Tiếp tục với đề tài kinh tế, tạp chí L’Express tuần này có lọat bài phóng sự về Nokia. Biểu tượng hàng đầu một thời của lĩnh vực điện thoại di động và là niềm tự hào của Phần Lan đang bị đe dọa bởi thành công của iPhone và sự cạnh tranh khốc liệt tại châu Á. Nokia đang có ý định phục thù với việc chuẩn bị tung ra một loại máy điện thoại thông minh thế hệ mới kết hợp với nền tảng của Microsoft. Sự kiện này đang được người dân Phần Lan hồi hộp đón chờ.

Là một biểu tượng của quốc gia, điện thoại cầm tay Nokia đang phải đối mặt với thách thức lớn ngay tại đất nước Phần Lan trước sự xâm nhập ồ ạt của iPhone. Còn nhớ, trong vòng chưa đầy 10 năm, từ 1990 đến 1998, tập đoàn Nokia đã vươn lên nắm vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực sản xuất máy điện thoại di động. Ít ai biết được Nokia là công ty thành lập từ năm 1865, ban đầu chuyên sản xuất bột giấy sau qua nhiều lĩnh vực và dừng chân ở viễn thông với thành công lớn nhất. Nhưng hào quang của Nokia đã nhanh chóng vụt tắt trước sự xuất hiện của Appel và Samsung trên thị trường điện thoại công nghệ cao. Trong vòng 4 năm Nokia bị mất 20 % thị trường. Dù vậy người khổng lồ Nokia vẫn chiếm lĩnh vị trí số 1 trong lĩnh vực điện thoại di động, chiếm 22,8% thị phần thế giới.

Theo L’Express, năm ngoái, Nokia vẫn bán ra thị trường 450 triệu máy điện thoại di động. Nhưng đến lúc này nhãn hiệu nổi tiếng chỉ bán được có 5000 sản phẩm máy điện thoại di động trên toàn thế giới. Vì sự sống còn của mình, nhà sản xuất này phải làm một cuộc bứt phá bắt tay với Microsoft cho ra đời một thế hệ điện thoại thông minh mới. Hôm 26 tháng 10 vừa qua tại Luân Đôn, Nokia đã giới thiệu một sản phẩm mới có trang bị Windows Phone, một hệ khai thác chưa từng có cho đến giờ. Hai mẫu điện thoại mới này sẽ được tung ra thị trường 6 nước châu Âu trước khi tới Hoa Kỳ thách thức với Apple.

Trong gần 50 năm tồn tại Nokia đã thành công trong việc chuyển từ sản xuất giấy sang lĩnh vực dây cáp điện, rồi chế tạo máy tính, máy thu hình và cuối cùng là lĩnh vực viễn thông. Rất có thể nhà khổng lồ sẽ tìm đuợc nguồn cảm hứng sáng tạo lại cho mình.

New York thành phố có văn hóa và chủng tộc đa đạng nhất thế giới

Tiêu điểm của L’Expresss tuần này là New York với nhiều bài phóng sự nói lên sức sống của thành phố nổi tiếng nhất nước Mỹ vừa xa hoa giàu có, vừa bình dân và đặc biệt đây là một thành phố cởi mở và đa dạng nhất thế giới.

Đáng chú ý là bài viết về cư dân của thành phố New York, tạo nên sự đa dạng về văn hóa mà không nơi nào trên thế giới có được. .

Tờ báo cho biết gần 4/10 dân New York sinh ra ở nước ngoài. Tác giả bài báo cho hay, đến New York nếu bạn gọi số máy 311 để hỏi chỉ dẫn về dịch vụ của thành phố, bạn sẽ phải nghe một loạt các giải đáp bằng tiếng Tây Ban Nha, Trung, Nga, Ả Rập, tiếng TriềuTiên và cả thổ ngữ Haiti. Từ năm 2008, thị trưởng New York ra lệnh tất cả các cơ quan của thành phố đều phải cung cấp cho người dân các loại biểu mẫu văn bản bằng 6 thứ tiếng nói trên. Đối với các thứ tiếng khác thì luôn có phiên dịch theo yêu cầu.

Theo thống kê chính thức, năm 2010, có 3 triệu người nước ngoài sống ở New York, chiếm 36% dân số thành phố và chiếm 43% dân số lao động. Theo quy định của Mỹ, những người nhập cư là những người sinh ra ở nước ngoài đến Mỹ sinh sống, còn con cháu họ sinh ra ở Mỹ không thuộc diện người nhập cư. Tòa thị chính thành phố cho biết, các học sinh ở các trường học công lập của thành phố sử dụng tới 176 ngôn ngữ khác nhau. Ở nhà thì có một nửa người New York nói thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh. Một phần tư dân số thành phố không nói thạo tiếng Anh vì thế đừng nên chê người Mỹ nói tiếng Anh không chuẩn. Giờ đây, cộng đồng người nhập cư đến Mỹ có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, được thành phố đón nhận một một cách cởi mở tạo nên một vẻ đa dạng phong phú về mọi mặt cho New York.

Ngoan ngoãn phục tùng chồng để bảo vệ hạnh phúc gia đình?

Để kết thúc mục điểm tuần báo hôm nay, xin giới thiệu một cách mới để giữ gìn hạnh phúc gia đình của các phụ nữ Malaysia, đăng trên tuần báo Le Monde, đó là ngoan ngoãn phục tùng hoàn toàn. Đó cũng là tôn chỉ mục đích của câu lạc bộ những bà vợ biết nghe lời chồng, viết tắt của tiếng Anh là OWC (obedient Wives’Club). Loại hình câu lạc bộ này được khởi xướng hồi tháng 6 năm nay đến giờ đã thu hút được khỏang 800 thành viên ở khắp Malaysia chủ yếu là theo đạo Hồi, dù câu lạc bộ vẫn mở cửa cho tất cả các phụ nữ không phân biệt tôn giáo.

Tham gia câu lạc bộ, các thành viên được hướng dẫn cách phục tùng nghe lời chồng trong mọi phương diện cuộc sống, để làm sao họ vừa là một bà nội trợ đảm đang vừa là người mẹ hết lòng lo cho con cái và nhất là trở thành người tình lý tưởng của chồng. Theo những người khởi xướng câu lạc bộ để hạn chế việc ly dị và bạo lực gia đình, thì cách tốt nhất là người vợ phục tùng hoàn toàn người chồng, nhất là trong chuyện chăn gối. Mục tiêu câu lạc bộ là giảm tỷ lệ ly dị mà trong khoảng từ năm 2005 đến 2009 đã tăng 55%, và đấu tranh với tình trạng ngoại tình và chấm dứt bạo lực gia đình đang phát triển trong xã hội Malaysia.

Mặc dù mục đích đề ra như vậy nhưng việc ra đời của “Câu lạc bộ các bà vợ phục tùng chồng” đã gây phản ứng phẫn nộ cho nhiều công dân và tổ chức xã hội ở Malaysia. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề phụ nữ và gia đình Malaysia coi đây là một bước lùi trong phong trào giải phóng phụ nữ. Thế nhưng, câu lạc bộ vẫn tiếp tục cho mở các chi nhánh ở Jordani, Indonesia và Singapore. Những người khởi xướng câu lạc bộ còn dự tính từ nay đến cuối năm sẽ phát triển loại hình câu lạc bộ này sang nhiều nước Tây Âu.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét