Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Công luận Trung Quốc chống lại việc Bắc Kinh giúp đỡ tài chính châu Âu

Đức Tâm

Theo AFP, trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Vi Bác và một số tờ báo, công luận Trung Quốc tỏ thái độ phản đối việc chính quyền Bắc Kinh giúp đỡ châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công.

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng giúp châu Âu
đối phó với khủng hoảng
Getty Images/Cristian Baitg
Ở cấp độ Nhà nước, Trung Quốc, hiện có mức dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, hơn 3200 tỷ đô la, dường như sẵn sàng giúp đỡ châu Âu qua việc mua lại một phần các khoản nợ. Nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới có lý do hỗ trợ lục địa già cỗi châu Âu vì đây là đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh.

Thế nhưng, thời điểm hiện nay không thuận lợi chút nào để thuyết phục công luận. Tăng trưởng của Trung Quốc bị giảm và chính quyền đang phải đối mặt với nạn lạm phát cao, gây bất bình trong xã hội. Đa số người dân, vốn có thói quen sống tằn tiện, cảm thấy khó hiểu là tại sao Trung Quốc, một quốc gia đang trỗi dậy, lại phải đi cứu giúp nhóm các nước giầu, chi tiêu và sống vượt quá khả năng của mình.

Trên mạng xã hội Vi Bác, nơi có hàng trăm triệu người sử dụng, cư dân mạng Trung Quốc biểu thị sự chống đối giúp đỡ châu Âu. Một người đặt câu hỏi : « Châu Âu giầu có hơn Trung Quốc rất nhiều. Làm thế nào mà châu Âu lại thiếu tiền ? Đây đúng là một trò lừa đảo ». Một cư dân mạng khác chất vấn chính quyền Bắc Kinh : « Đến khi nào thì các vị mới giúp đỡ người dân Trung Quốc, nuôi nâng những đứa trẻ ở nông thôn, tạo công ăn việc làm cho đội ngũ sinh viên tốt nghiệp hiện bị thất nghiệp, giúp cho đông đảo người dân có thu nhập khiêm tốn, có được nhà ở ? ».

Giới quan sát nhận định, cho dù Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong 3 thập niên qua, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn đang phải tập trung sức lực giảm bớt số lượng nguời nghèo khó và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giầu nghèo hiện đang ở mức nguy hiểm.

Theo ông Michael Pettis, giáo sư tài chính trường Đại học Bắc Kinh, được AFP trích dân, thì sự chống đối của công luận Trung Quốc đối với các dự án giúp đỡ châu Âu thực sự gây lo ngại cho chính quyền, ngay cả trong một nước mà đảng Cộng sản lãnh đạo và không bao giờ tham khảo ý kiến của người dân. Vị giáo sư này nhận định, « người dân sẽ nghĩ rằng Trung Quốc giúp một nhóm những người ngoại quốc giàu có thoát ra khỏi khó khăn. Về mặt chính trị, điều này không hề có lợi ».

Để nâng cao khả năng can thiệp của Quỹ Bình ổn Tài chính, từ 440 tỷ lên 1000 tỷ euro, châu Âu tìm cách thuyết phục Trung Quốc mua thêm các công trái do Quỹ phát hành. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra những tín hiệu cam kết trong khi chờ đợi châu Âu làm rõ một số điểm.

Kinh nghiệm trong quá khứ đã buộc Trung Quốc phải thận trọng. Trước đây, Trung Quốc đã hùn vốn vào ngân hàng thương mại Mỹ Morgan Stanley và quỹ đầu tư Blackstone. Cả hai cơ sở này đều là nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Giáo sư Michael Pettis cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước về điều này và giờ đây, họ muốn tránh lặp lại những sai lầm trước đây.

Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo nổi tiếng có lập trường dân tộc chủ nghĩa, nhận định là ít nhất, Bắc Kinh phải đòi hỏi châu Âu phải có những nhượng bộ đánh đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc, ví dụ mở cửa hơn nữa thị trường châu Âu cho các sản phẩm và đầu tư của Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng nếu muốn được Trung Quốc giúp đỡ, thì châu Âu phải chấm dứt việc chỉ trích và đòi Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ, được đánh giá là thấp so với tỷ giá thực để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo một kinh tế gia Trung Quốc, trước đây làm việc tại ngân hàng Morgan Stanley, thì trong mọi trường hợp, sự đóng góp của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng mà thôi.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét