Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Dân số thế giới đạt 7 tỷ người, áp lực gia tăng lên Trái đất

Thanh Phương

(Ảnh: www.un.org)
Trong tương lai, con người sẽ phải tìm thêm một hành tinh khác để sống vì Trái đất của chúng ta không còn đủ để nuôi dân số thế giới nữa ? Đây là kịch bản hoàn toàn xảy ra, vào lúc mà dân số toàn cầu, vào ngày mai, sẽ chính thức lên đến 7 tỷ người và theo dự báo có thể đạt 15 tỷ người vào cuối thế kỷ 21 này.

Vào năm 1798, kinh tế gia người Anh Thomas Malthus đã từng cảnh báo là khả năng sinh sản của con người sẽ vượt quá khả năng sản xuất lương thực. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ của nông nghiệp và cách mạng công nghiệp mà lời tiên đoán đó đã không trở thành hiện thực, cho dù dân số thế giới đã tăng gấp đôi.

Nhưng kịch bản của ông Malthus vẫn hoàn toàn có thể xảy ra khi mà ngày mai, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố tại Luân Đôn thứ tư vừa qua, dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người, tức là chỉ trong vòng chưa tới 25 năm, đã tăng thêm 2 tỷ người. Hiện giờ, mỗi năm dân số thế giới tăng thêm khoảng 80 triệu người, tức là bằng với dân số của nước Đức.

Theo dự báo, dân số thế giới đến cuối thế kỷ 21 này có thể ổn định ở mức 9 hoặc 10 tỷ người, nhưng cũng có thể lên tới 15 tỷ, tuỳ theo tình hình ở các nước đang phát triển mà hiện có mức tăng dân dân số cao nhất.

Nhưng dù dân số tăng ở mức thấp nhất, thì những nguồn tài nguyên của Trái đất ngày càng khó thỏa mãn nhu cầu của thế giới. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Trái đất cần phải có đến 18 tháng để tái tạo những nguồn tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ trong 1 năm. Nguy cơ lớn nhất hiện nay, đó là thiếu nguồn nước. Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo là từ đây đến năm 2030, các nguồn nước hiện có chỉ có thể đáp ứng được 40% nhu cầu của nhân loại.

Theo tính toán của tổ chức Global Footprint Network, cứ theo đà này thì đến năm 2030 phải cần có thêm một hành tinh khác để đáp ứng nhu cầu của nhân loại và hấp thụ những chất thải từ Trái đất chúng ta.

Ông Brice Lalonde, người Pháp, điều phối viên hội nghị sắp tới của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững Rio+20 ( 20 năm sau Hội nghị Trái đất năm 1992 ), xác nhận : « Đến năm 2030, với thêm 1 tỷ người trên Trái đất, vấn đề đặt ra sẽ là bảo đảm an ninh lương thực và các dịch vụ thiết yếu cho 1 tỷ người này mà không tiêu tốn thêm đất đai, năng lượng và nguồn nước ».

Theo lời ông Brice Lalonde, Hội nghị Rio+20 sẽ bàn về phương cách tạo ra những thành phố bền vững, thúc đẩy việc khai thác các năng lượng tái sinh, sử dụng tốt hơn nguồn nước, quản lý các đại dương một cách bền vững và phát triển một nền nông nghiệp có năng suất cao mà không cần đến các thuốc trừ sâu, diệt cỏ bằng hoá chất.

Nhưng vấn đề bức thiết hiện nay đối với nhân loại là phải làm sao kềm chế tỷ lệ sinh sản, vì chỉ có làm như thế mới ổn định được dân số thế gìới ở mức 8 tỷ người, đồng thời giúp các nước nghèo thoát khỏi cảnh khốn cùng, giảm bớt căng thẳng về nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ con người khỏi các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo cái nhìn của trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson của Mỹ, để hạn chế sinh đẻ, không có cách nào khác hơn là dùng các biện pháp ngừa thai. Đơn cử trường hợp của Somalia, một trong những nước nghèo nhất thế giới, mà lại đang bị nội chiến. Chính vì phụ nữ ở nước này không được tiếp cận các phương tiện tránh thai mà tính trung bình mỗi gia đình ở Somalia hiện có đến 7 con ! Cứ theo đà này thì dân số của Somalia từ 10 triệu hiện nay sẽ lên tới 22,6 triệu người vào năm 2050, theo nhiều dự báo khác nhau.

Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế, giải pháp cho vấn đề dân số trước hết phải bằng xóa đói giảm nghèo và giáo dục, đặc biệt là cho phụ nữ. Theo một nghiên cứu năm 2010, sở dĩ tỷ lệ sinh sản ở Colombia đã giảm đi chủ yếu là nhờ mức sống của người dân được nâng cao, chứ còn yếu tố kế hoạch hóa gia đình chỉ chiếm 10%.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét