Thứ bảy 25/08/2012 05:00
Trung Quốc vừa tiến hành các vụ thử tên lửa để củng cố sức mạnh trên biển, đồng thời cũng đóng những tàu cá trọng tải cực lớn với mục đích xâm phạm ngư trường vùng biển Trường Sa.
Trung Quốc đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Thử tên lửa
Đài Tiếng nói Nước Nga ngày 24.8 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho biết, Trung Quốc đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Tin cho biết cuộc thử nghiệm tên lửa JL-2 tầm bắn 7.400 km trên tàu ngầm mang tên lửa lớp Jin mới nhất của Trung Quốc trong vùng eo biển Bột Hải, phía bắc Hoàng Hải, diễn ra hôm 16.8. Tuy nhiên, đại diện Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ đã từ chối bình luận về cuộc thử nghiệm này.
Trước đó, truyền hình thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc đưa tin rằng chiếc tàu ngầm lớp Jin trang bị tên lửa JL-2 đã ra khơi tuần tra. Sau đó ban quản lý tỉnh Liêu Ninh thông báo rằng vào các ngày 16-17.8 tiến hành diễn tập quân sự tại eo biển Bột Hải và cảnh báo các tàu thuyền không ghé vào khu vực này.
Các nguồn tin quân sự Mỹ khẳng định khu vực này đóng cửa để thực hiện vụ phóng tên lửa JL-2 từ tàu ngầm. Theo Lầu Năm góc, hiện Trung Quốc có hai tàu ngầm lớp Jin và dự kiến sẽ có 8 chiếc tàu mang tên lửa như vậy.
Thông tin này được đưa ra ngay sau khi có tin Mỹ định xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa ở Châu Á. Thông tin này có thể khiến phía Trung Quốc lo ngại, mặc dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định “hệ thống NMD không nhằm chống Trung Quốc, những kế hoạch này phản ánh lo ngại của chúng tôi trước mối đe dọa tên lửa từ Bắc Triều Tiên”.
Tàu cá lớn nhất
Liên quan đến biển Đông, Tân Hoa xã ngày 24.8 dẫn tin từ nhà chức trách tỉnh Hải Nam cho biết, một tàu gia công tiếp tế trọng tải 4.000 tấn, số hiệu “Quỳnh Tam Á F-8138”, hay còn gọi là tàu “Giang Hải 1” đã hoàn tất và được hạ thủy.
Dự kiến, tàu này sẽ dẫn đầu một đoàn tàu cá đến Trường Sa của Việt Nam để tác nghiệp. Tàu “Quỳnh Tam Á F-8138” dài 100,2 mét, rộng 15,2 mét, cao 13,8 mét, có các thiết bị đồng bộ để ướp đông, gia công và làm đá. Đây là tàu ngư nghiệp lớn nhất ở Nam Hải hiện nay được đưa đến Trường Sa sau tàu hậu cần 3.000 tấn đã được điều đến vùng biển này hôm 12.7.
Báo điện tử “Liên hợp Buổi sáng” của Singapore ngày 23.8 đăng bài của nhà nghiên cứu cao cấp Sam Bateman - cựu Đô đốc Hải quân Hoàng gia Australia, đang làm việc cho chương trình An ninh biển thuộc Viện Nghiên cứu Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho rằng, một điều dễ thấy hiện nay là tranh chấp biển Đông ngày càng trở nên quyết liệt.
Ông cho rằng việc xây dựng cơ chế hữu hiệu để xử lý vấn đề biển Đông cũng như tài nguyên biển Đông ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh tài nguyên biển đang gia tăng và lượng vận tải đường biển cũng ngày càng tăng lên.
Nhật yêu cầu Bắc Kinh tránh gây căng thẳng
Liên quan đến biển Hoa Đông, Hạ viện Nhật Bản ngày 24.8 thông qua một nghị quyết lên án vụ việc các nhà hoạt động Hồng Kông (Trung Quốc) đổ bộ lên quần đảo Senkaku tranh chấp (phía Bắc Kinh gọi là quần đảo Điếu Ngư).
Đây là nghị quyết đầu tiên về quần đảo Senkaku, trong đó yêu cầu Chính phủ Nhật Bản hối thúc Bắc Kinh chấm dứt những hành động gây căng thẳng như vậy trong khi cân nhắc tới mọi biện pháp có thể, kể cả tăng cường hoạt động giám sát lãnh thổ, để giải quyết cuộc tranh cãi này.
Cùng ngày, Hạ viện Nhật Bản cũng thông qua nghị quyết phản đối chuyến thăm mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới quần đảo Takeshima/Dokdo đang tranh chấp. Nghị quyết trên kêu gọi Chính phủ Nhật Bản “thể hiện lập trường kiên định” để bảo vệ lãnh thổ “với quyết tâm cao” cũng như “tập trung và đưa ra những giải pháp hiệu quả” để đạt được mục đích.
Nghị quyết thể hiện mong muốn cải thiện các mối quan hệ song phương, nhấn mạnh rằng Chính phủ Nhật Bản “ghi nhận Hàn Quốc là một quốc gia láng giềng quan trọng và tin tưởng rằng hai nước có thể phát triển mối quan hệ gần gũi và thân thiện”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét