Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Lần đầu tiên, dân làng Ô Khảm tự do bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo - Dân Hồng Kông biểu tình đòi bầu trực tiếp Trưởng đặc khu

Lần đầu tiên, dân làng Ô Khảm tự do bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo

Chủ tịch Ủy ban bầu cử (giữa) là một cư dân làng Ô Khảm (RFI /Stéphane Lagarde)
Thanh Phương


Vốn đã nổi tiếng với cuộc nổi dậy chống những cán bộ tham nhũng, làng Ô Khảm hôm nay 03/03/2012 cũng sẽ đi vào lịch sử Trung Quốc với một cuộc bầu cử thật sự dân chủ tại địa phương này.

Khoảng 13 ngàn dân làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, đã nổi dậy vào tháng 12 năm ngoái, vì quá bất mãn trước những vụ trưng thu đất đai từ nhiều thập niên qua. 
Dân làng Ô Khảm đã đánh đuổi những cán bộ bị tố cáo là cướp đất của dân bán cho các nhà kinh doanh địa ốc. Chính quyền đã đán áp dữ dội, phong tỏa làng này và bắt giữ những người cầm đầu cuộc nổi dậy.

Mặc dù báo chí bị kiểm duyệt chặt chẽ, thông tin về cuộc nổi dậy ở Ô Khảm đã nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet và ngôi làng này đã trở thành biểu tượng của khát vọng dân chủ tại Trung Quốc, quốc gia vẫn sống dưới sự cai trị hà khắc của Đảng Cộng sản từ 6 thập niên qua.

Nhưng cuối cùng, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã bất ngờ nhân nhượng, chấp nhận cho dân làng Ô Khảm được tự do bầu chọn ban lãnh đạo mới. Giai đoạn đầu tiên của cuộc bầu cử có một không hai này ở Trung Quốc đã diễn ra ngày 11/2 vừa qua.

Ngày hôm đó, dân làng Ô Khảm đã bầu khoảng 100 đại diện và những đại diện này sau đó đã đề nghị các ứng cử viên, để hôm nay bầu ra 7 ủy viên của ủy ban sẽ lãnh đạo làng. Một trong những người cầm đầu cuộc nổi dậy đã được bổ nhiệm làm bí thư đảng Ô Khảm, thay thế cho nhà doanh nghiệp tham nhũng thối nát đã nắm giữ chức vụ này từ 42 năm qua.

Tại Trung Quốc cho tới nay các lãnh đạo không phải trực tiếp do người dân bầu lên. Dân ở các làng chỉ có thể bầu các ủy viên ủy ban lãnh đạo địa phương và thường các ứng cử viên là do Đảng chỉ định, chứ không có ứng cử viên đối lập. Hôm nay, dân làng Ô Khảm được quyền bỏ phiếu một cách dân chủ hơn rất nhiều, vì họ có thể trực tiếp chọn 7 ủy viên trên tổng số 21 ứng cử viên.

Theo mô tả của hãng tin AFP, không khí làng Ô Khảm hôm nay vui như ngày lễ hội. Các bà mẹ bế con trên tay đi bỏ phiếu. Những người già cũng không muốn bỏ qua cơ hội bầu cử tự do này. Cử tri xếp hàng dài ở các phòng phiếu.

Để trấn an dân làng về tính hợp lệ của cuộc bỏ phiếu, trước khi bắt đầu bầu cử; những người tổ chức trưng ra những thùng phiếu trống không và luôn miệng nói vào loa phóng thanh, bảo đảm là cuộc bầu cử sẽ diễn ra “công bằng và công khai”.

Cũng theo AFP, trên các trang tiểu blog, người dân Trung Quốc rất quan tâm đến cuộc bầu cử hôm nay ở Ô Khảm. Một cư dân mạng cho rằng “ Ô Khảm đã viết trang đầu tiên của lịch sử hậu cận đại của Trung Quốc”, khẳng định đây là một “ tiến bộ lịch sử”.


Dân Hồng Kông biểu tình đòi bầu trực tiếp Trưởng đặc khu 



Dân Hồng Kông xuống đường đòi bầu trực tiếp Trưởng đặc khu (Reuters 路透社)
Trọng Thành


Hôm nay 03/03/2012, hàng nghìn người Hồng Kông xuống đường để yêu cầu chính quyền thiết lập thể thức cử tri bầu trực tiếp chức vụ người đứng đầu thành phố này.

Theo cảnh sát, có khoảng 3.000 người tham gia biểu tình, còn theo ban tổ chức, có đến 5.000 người.

Những người biểu tình đã tuần hành ở trung tâm thành phố cho đến trụ sở của chính quyền, giương các biểu ngữ yêu cầu xóa bỏ thể thức bầu cử hiện tại, vốn chỉ do một nhóm nhỏ quyết định, để thay thế bằng phương thức bầu cử trực tiếp.

Theo dự kiến, cuộc bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ diễn ra vào ngày 25/03. 1.200 đại diện thuộc Ủy ban bầu cử, trong đó tuyệt đại đa số là những người thân Bắc Kinh, sẽ bầu người kế nhiệm ông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang) sắp mãn nhiệm chức Trưởng đặc khu vào tháng Sáu tới.

Những người biểu tình đặc biệt phản đối ông Đường Anh Niên (Henry Tang), ứng cử viên được Bắc Kinh ủng hộ. Trong những tháng gần đây, nhân vật đứng hàng thứ hai trong chính quyền Hồng Kông này liên tục có các bê bối.

Đặc biệt là tuần này, báo chí địa phương loan tin cặp vợ chồng Đường Anh Niên đã bí mật cho thực hiện các công trình nội thất sang trọng tại một trong các nơi ở của gia đình họ. Tin này gây chấn động Hồng Kông, là nơi mà chỗ ở là một vấn đề hết sức gai góc, giá thuê nhà hết sức cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét