Nguyễn Trung
Cách nay 10 ngày, Cộng sản Việt Nam đã thông báo là sẽ xử Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân về tội "âm mưu lật đổ chế độ" theo điều 79 của Luật hình sự, trong phiên tòa tại Sài Gòn vào ngày 22 tháng 1 năm 2013. Nhưng còn 4 ngày đến phiên xử - ngày 18 tháng 1 - CSVN đã đột ngột hủy phiên tòa và không thông báo cho Luật sư cũng như thân nhân của Tiến sĩ Quân. Khi Luật sư của Tiến sĩ Quân hỏi thì tòa án mới nói là phiên tòa bị hoãn nhưng không cho biết chừng nào phiên tòa sẽ mở lại.
Đây không phải là lần đầu tiên CSVN hoãn một phiên tòa. Nó đã diễn ra nhiều lần và không bao giờ CSVN giải thích lý do. Ứng xử tùy tiện này là bản chất của những chế độ độc tài khi điều họ làm chỉ để đáp ứng các mục tiêu chính trị hơn là dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật và công lý như tại các quốc gia dân chủ.
Nếu như CSVN không hoãn thì phiên tòa xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã diễn ra 2 tuần lễ sau khi CSVN kết án nặng nề 14 Thanh niên yêu nước tại Vinh hôm mồng 8 và 9 tháng 1 vừa qua. Có thể nói là dư luận thế giới - từ Liên Hiệp Quốc, chính quyền Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, các tổ chức nhân quyền quốc tế, cho tới các nhà hoạt động nổi tiếng, và nhất là các tổ chức Công giáo - đã đồng loạt lên án CSVN một cách mạnh mẽ về những bản án phi lý và phi nhân dành cho những thanh niên yêu nước. Đặc biệt là truyền thông quốc tế đã không những loan tải rộng rãi, mà còn đưa ra các nhận định cho rằng phiên tòa xét xử phi pháp, và các bản án đều nhằm phục vụ mục tiêu chính trị, vi phạm quyền con người một cách trắng trợn.
Tiến sĩ Allen S. Weiner, Giám đốc chương trình Luật quốc tế và So sánh, thuộc phân khoa Luật, Đại học Stanford, Hoa Kỳ cho rằng phiên tòa diễn ra tại Vinh đã vi phạm quyền tự do phát biểu mà Hiến pháp 1992 của CSVN từng công nhận. Tiến sĩ Allen S. Weiner chỉ ra rằng: "Điều 53 Hiến pháp CSVN nêu rõ rằng công dân 'có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương,' và Điều 69 ghi 'Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí' và 'có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.'" Theo Tiến sĩ Weiner thì: "những điều khoản trong hiến pháp bảo vệ cho tất cả những gì mà 14 Thanh niên công giáo bị buộc tội dựa trên đó."
Ngoài ra, Tiến sĩ Weiner đã đặt vấn đề đối với chính phủ Hoa Kỳ rằng: "Với truyền thống đề cao quyền con người, Hoa Kỳ cần phải phải đánh giá sự tiến bộ của CSVN trong việc tôn trọng nhân quyền như một trong những điều kiện cần thiết nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa hai nước."
Quan điểm của Tiến sĩ Weiner được dư luận Hoa Kỳ quan tâm. Theo tin tức thì một giới chức cao cấp của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã lên đường sang Việt Nam ngay vào lúc CSVN ra lệnh hoãn phiên tòa xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân hôm Thứ Sáu ngày 18 tháng 1.
CSVN đã không lường trước những phản ứng chống đối mạnh mẽ của dư luận thế giới về các phiên tòa kết án nặng nề đối với một số nhà dân chủ như Blogger Điếu Cày, Blogger Tạ Phong Tần, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang trong thời gian qua. Hoa Kỳ đã ngưng không xúc tiến cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đáng lý đã diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2012. Đồng thời Hoa Kỳ cũng đã quyết định trì hoãn một số viện trợ nhân đạo cho CSVN sau khi toà án Vinh đã kết án từ 3 đến 13 năm đối với 14 thanh niên Công giáo, dưới sự quy chụp phi lý của guồng máy an ninh.
Điều trớ trêu của CSVN là một mặt họ muốn chứng tỏ khả năng kiểm soát tình hình và sẵn sàng trấn áp mọi lực lượng phản kháng, để giữ chặt quyền lực độc tôn. Nhưng một mặt khác họ muốn tạo bộ mặt ôn hòa và cởi mở để đến với thế giới bên ngoài, nhất là Hoa Kỳ, hầu thu hút đầu tư cứu sống chế độ. Mặc dù CSVN đang bị Trung Quốc khống chế trên nhiều mặt, nhưng CSVN không thể tự tung tự tác khi mà nền kinh tế xuất khẩu vẫn còn liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ và Tây Âu. Chính vì thế mà việc xét xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân không đơn thuần là một phiên tòa mà bị ràng buộc bởi một số yếu tố chính trị khiến CSVN phải cân nhắc và đi đến quyết định đình hoãn. Các lý do dễ hiểu bao gồm:
Thứ nhất, phiên xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một công dân mang quốc tịch Hoa Kỳ, diễn ra một ngày sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama vào ngày 21 tháng 1, là quyết định rất tệ hại. Dù kết án Tiến sĩ Quân nặng hay nhẹ, CSVN đã đẩy Tổng thống Obama và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ rơi vào thế phải lên tiếng phản đối bản án. Hơn thế nữa, ngày đầu nhận nhiệm vụ Bộ truởng ngoại giao thay thế bà Hillary Clinton, Thượng nghĩ sĩ John Kerry phải đối mặt với một bản án của một công dân Mỹ bị bắt và bị kết án một cách phi lý chẳng khác nào bị một gáo nước lạnh từ các "đồng chí" Việt cộng.
Thứ hai, phiên xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân diễn ra ngay trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên có chuyến công du sang một số nước Âu Châu. Ông Nguyễn Phú Trọng đi thăm Bỉ, Anh, Ý và Liên hiệp Âu Châu từ ngày 16 đến 24 tháng 1 năm 2013. Đây là thời điểm không tốt và có thể đẩy ông Trọng rơi vào thế lúng túng, khó xử vì bị báo chí và chính giới của những quốc gia nói trên chất vấn khi tin tức về phiên tòa xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân loan tải rộng rãi như vụ xét xử 14 thanh niên Công giáo vừa qua.
Thứ ba, đối với các phiên tòa xét xử những vụ án chính trị như trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, bản án đã được lãnh đạo CSVN quyết định từ trước. Từ lúc quyết định bản án cho đến khi công bố bản án trong một phiên tòa được dàn dựng bởi Viện kiểm sát, bản án có thể bị thay đổi hoặc điều chỉnh do những áp lực. Lúc đó CSVN phải quyết định tạm hoãn phiên xử để cân nhắc. Những rối loạn trong nội bộ lãnh đạo hiện nay giữa khuynh hướng muốn đi gần Hoa Kỳ để tân trang vũ khí đề phòng "xâm lược", đối chọi với khuynh hướng đề cao công ơn và vuốt ve Trung Quốc là những lý do khiến cho CSVN lúng túng.
Tóm lại, dù bất cứ lý do gì, việc CSVN đột ngột đình hoãn phiên tòa xét xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân vào ngày 22 tháng 1 năm 2013 cho thấy là lãnh đạo CSVN bị nhiều áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong. Họ muốn chứng tỏ khả năng đè bẹp và khống chế các lực lượng phản kháng; nhưng chính những hành xử phi lý, phi nhân qua các phiên tòa, CSVN đã phơi bày tử huyệt để cho dư luận quốc tế và người dân Việt Nam tấn công mà thôi.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã thắng CSVN ở chỗ là ông đã dùng chính hoàn cảnh bị bắt bớ, tù tội phi lý của mình để tố cáo chế độ trước công luận quốc tế, và đã thay mặt hàng triệu người Việt Nam có tâm huyết tại hải ngoại nói lên thông điệp: "đồng cam cộng khổ" với đồng bào và những nhà dân chủ tại quốc nội.
Nguyễn Trung
Nguồn :CTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét