Việt Nam vừa truy tố một nhóm 22 người bị bắt từ hồi tháng 2/2012 ở tỉnh Phú Yên thuộc tổ chức "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" (hay còn gọi là vụ "công án Bia Sơn") với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền."
Tờ báo điện tử Phú Yên Online, thuộc đảng bộ Tỉnh Phú Yên đưa tin hôm thứ Bảy 06/10/2012 nói Viện Kiểm sát Nhân dân của tỉnh này đã ký cáo trạng truy tố ông Phan Văn Thu sinh năm 1948, được cho là người đứng đầu tổ chức, cùng 21 bị can khác trong vụ án theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng được tờ báo của công an Hà Nội trích thuật, trong thời gian trên, tại Khu du lịch sinh thái Đá Bia, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, ông Phan Văn Thu cùng với 21 bị can đã thành lập tổ chức chính trị có tên gọi "Hội đồng công luật công án Bia Sơn".
"Tổ chức này núp bóng doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái để xây dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia thành căn cứ địa làm trung tâm chỉ huy hoạt động của tổ chức," tờ An Ninh Thủ đô nói thêm.
Tờ Phú Yên Online hôm thứ Bảy gọi tổ chức của ông Thu là "phản động" và cho hay hôm 5/2/2012, Cơ quan an ninh của Công an tỉnh Phú Yên trong một chuyên án được xây dựng từ trước, đã "bất ngờ đột nhập vào sào huyệt của "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" ở Khu du lịch sinh thái Đá Bia và phá tan bộ máy trung ương của tổ chức phản động này."
Chung thân hoặc tử hình
Điều 79 Bộ luật hình sự
- Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
- Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
- Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
"Tổ chức lập thành 12 ban, 26 pháp hội và 4 nhóm chưa đặt tên ở các địa phương. Sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vu khống, nói xấu chế độ hiện tại, ca ngợi chủ thuyết công bản để tuyên truyền mê hoặc một bộ phận quần chúng nhân dân, dần dần loại bỏ tư tưởng cách mạng, ý thức hệ XHCN ra khỏi đời sống xã hội, làm phai nhạt niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, lo lắng, hoài nghi đối với chế độ hiện nay. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, Cương lĩnh hành động để định hướng cho hoạt động của tổ chức, các pháp hội địa phương," theo cáo trạng.
Bên cạnh đó, vẫn theo cáo trạng của cơ quan pháp luật tỉnh Phú Yên "Tổ chức này tuyên truyền, lôi kéo quần chúng nhân dân vào tổ chức để đóng góp của cải vật chất, công sức đồng thời là lực lượng chính trị của tổ chức ở các địa phương. Dự kiến tên nước, Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh, bộ máy chính quyền trung ương, địa phương, sắc phong 72 tướng lĩnh."
"Thời gian hành động bắt đầu từ năm 2013, Phan Văn Thu lãnh đạo cùng các đồng phạm trong "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" và các đệ tử, bào tộc thực hiện việc đấu tranh lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam thành lập Nhà nước Đại Nam Kinh Châu."
Nếu bị kết án theo khung hình phạt quy định ở điều 79 của bộ luật Hình sự, thì ông Thu có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm tù, hoặc nặng hơn bị phạt chung thân hoặc tử hình. Trong khi đó, một số bị can khác được cho là đồng phạm có thể bị phạt tù từ 5 - 10 năm, vẫn theo quy định tại điều này.
'Bắt bớ nhiều'
Trong một vụ án xử các bloggers gần đây nhất, ba bị can là ông Nguyễn Văn Hải (tức Blogger Điếu Cày), bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải bị xử tổng cộng 26 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống nhà nước, một mức án đã bị dư luận cho là rất nặng nề.
Một loạt các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều chính phủ trong đó có Hoa Kỳ, và các tổ chức theo dõi về dân chủ và nhân quyền như Phóng viên Không biên giới (Reporters Sans Frontiers), tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng lên tiếng quan ngại về các vụ xử án.
"Công an thường tra tấn can phạm để ép nhận tội và, trong một số vụ việc, đã sử dụng vũ lực quá mức "
Human Rights Watch
"Các nhà văn, blogger và các nhà vận động nhân quyền độc lập – những người lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, phát hiện quan chức tham nhũng hoặc kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng bằng các giải pháp dân chủ thường xuyên bị công an sách nhiễu, theo dõi gắt gao, bị giam giữ biệt lập trong thời gian dài đồng thời không được tiếp cận với các nguồn trợ giúp pháp lý, và bị xử với các mức án ngày càng nặng hơn với các tội danh mơ hồ về xâm phạm an ninh quốc gia."
Còn riêng ngoái, năm được cho là cao điểm với nhiều vụ án có yếu tố chính trị, chỉ riêng 10 tháng đầu năm, theo các tổ chức theo dõi nhân quyền, ở Việt Nam đã có ít nhất 24 nhà vận động nhân quyền bị đưa vào trại giam, trong đó, đa số bị truy tố về các tội "tuyên truyền chống nhà nước" (điều 88 bộ luật hình sự), "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" (điều 87), hoặc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" (điều 79).
Nguồn :HTVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét