Trang mạng Boxitvietnam đã đăng một bài viết được cho là ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cảnh báo giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đừng để Trung Quốc thao túng chính trị nội bộ.
Bài viết có tiêu đề ‘Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, không cho phép nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta’ sau đó cũng được một số trang mạng khác đăng tải lại.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Tướng Vĩnh từng là đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh nên đã nhiều năm theo dõi và nắm rõ nội tình quan hệ của hai nước.
Gặp để làm gì?
Khi được liên hệ, ông xác nhận với BBC rằng chính ông là tác giả bài viết nói trên để nêu quan điểm cá nhân của ông nhân dịp Trung ương Đảng đang nhóm họp hội nghị lần thứ sáu.
Ông cũng cho biết là ông không hề gửi bài viết này đến các vị lãnh đạo trong Bộ chính trị hay Ban bí thư mà chỉ gửi đăng trên trang mạng.
Khi được hỏi lý do tại sao ông có ý kiến như thế, Tướng Vĩnh trả lời với kinh nghiệm của ông từ trước đến giờ thì ‘có nhiều việc Trung Quốc đã can thiệp rồi’.
Với lại, ông cũng cho biết ông đang nghi ngại về một diễn biến mới đây là khi đến tham dự hội chợ đầu tư thương mại giữa Trung Quốc và các nước Asean tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã có cuộc gặp với lãnh đạo tương lai của Trung Quốc là phó Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Cái Trung Quốc không bằng lòng thì không dám làm, vậy thì còn gì là độc lập tự chủ?"
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Cuộc gặp này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam mà theo nhiều nguồn tin sẽ xem xét và kiểm điểm các sai phạm của Thủ tướng Dũng.
Theo lời Tướng Vĩnh thì ông nghi ngại liệu cuộc gặp này có ảnh hưởng đến ‘cuộc đấu tranh nội bộ hiện nay’ của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không.
“Việc đó không xác định được, nhưng tôi chỉ muốn nhắc mình phải có tinh thần độc lập tự chủ,” ông nói, “Việc mình mình cứ làm. Họ có ý kiến gì thì mặc kệ.”
Trước đó, hôm mùng 2/10, tức là chỉ một ngày sau khi Hội nghị trung ương 6 khai mạc, Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu có đến gặp phó Thủ tướng thường trực kiêm Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Xuân Phúc.
Báo chí Việt Nam không hề đưa bất cứ chi tiết gì dù là nhỏ nhất về cuộc gặp này như gặp để làm gì.
Theo thông lệ, các vị đại sứ khi đến nhận nhiệm sở hoặc khi chấm dứt nhiệm kỳ đều có đến chào xã giao lãnh đạo nước sở tại.
Tuy nhiên, cuộc gặp của Đại sứ Khổng và phó Thủ tướng Phúc lại không nhằm các mục đích này.
Khi được hỏi về vấn đề này, Tướng Vĩnh phán đoán rằng ‘có khi ông ấy (Đại sứ Khổng) có ý kiến của lãnh đạo (Trung Quốc) muốn truyền đạt (đến lãnh đạo Việt Nam)’.
“Khi tôi làm đại sứ ở Trung Quốc cũng có khi tôi đề nghị gặp lãnh đạo của họ (Trung Quốc) để truyền đạt ý kiến của ta,” ông cho biết.
‘Muốn gì được nấy’
"Nếu không kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề Nguyễn Tấn Dũng trong thời điểm hiện nay để mắc mưu ông ta thoát khỏi bị xử lý ngay trong hội nghị trung ương kỳ này và kỳ họp Quốc hội tháng 11 tới thì vô cùng nguy hại."
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Trong bài viết đăng trên Boxitvietnam, ông Nguyễn Trọng Vĩnh đã nêu lên một thực tế ở Việt Nam rằng ‘cái gì Trung Quốc muốn cũng được, cái gì cũng nghe theo ý kiến Trung Quốc’.
“Cái Trung Quốc không bằng lòng thì không dám làm, vậy thì còn gì là độc lập tự chủ?,” ông đặt vấn đề.
Ông cũng đưa ra một số dẫn chứng cho lập luận trên.
Thứ nhất, trong cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ hai nước ở Thành Đô vào năm 1991, phái đoàn lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đã chấp nhận yêu sách của phía Trung Quốc là ‘gạt bỏ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch’ và ‘không được nhắc đến trận chiến năm 1979’.
Ông Vĩnh mô tả Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người bị Đại hội 6 của Đảng cho ra rìa ngay sau đó, là ‘một nhà ngoại giao yêu nước, đầy tài năng và rất cảnh giác với bành trướng, bá quyền Trung Quốc’.
Còn về cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, ông đưa ra dẫn chứng là mỗi khi đến kỳ kỷ niệm thì ‘không dám có phái đoàn lên thắp hương tượng trưng cho đồng bào chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc’.
Ông cũng bày tỏ bất bình khi có lần phía Việt Nam đã mở tiệc chiêu đãi đại sứ Trung Quốc chỉ vào trước ngày kỷ niệm 30 năm cuộc chiến biên giới chỉ có một ngày.
“Ta đâu có phải là bại trận mà trong đàm phán phải đi nước dưới,” ông chỉ trích kết quả tại hội nghị Thành Đô.
Tuy nhiên, theo ông Vĩnh thì Trung Quốc ngày càng dễ thao túng chính trường Việt Nam ‘kể từ nhiệm kỳ của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh’.
Ông trưng ra một loạt ví dụ như Trung Quốc muốn khai thác bô-xít và chiếm lĩnh cao nguyên Trung phần chiến lược thì ‘tổng bí thư (Nông Đức Mạnh) chấp nhận ngay dù chưa có ý kiến Bộ chính trị’.
"Mỗi lần Bộ chính trị phía ta chuẩn bị dự kiến nhân sự cho nhiệm kỳ tới, thì thế nào cũng có Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc sang thăm để thăm dò sự sắp đặt nhân sự mới của ta, khi cần thì gợi ý ‘khéo’,” ông viết và dẫn chứng tại Đại hội 10 của Đảng ông Mạnh đã gạt ông Phạm Bình Minh ra khỏi vị trí bộ trưởng Ngoại giao chỉ vì ‘Trung Quốc không đồng ý’.
Khi Trung Quốc có hành động gây hấn trên Biển Đông như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối thì ‘phía ta lại cử đặc phái viên thứ trưởng Ngoại giao sang Trung Quốc có vẻ cầu hòa’.
“Trung Quốc tỏ ra bực mình vì những cuộc biểu tình, thì sau khi đặc phái viên về là các cuộc biểu tình bị đàn áp,” ông phân tích.
‘Không sợ TQ đánh’
Từ đó, ông đặt ra nghi vấn Hội nghị trung ương 6 lần này có lùi bước trước sức ép của Trung Quốc hay không, nhất là trên vấn đề ‘xử lý Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’.
"Nhưng nếu ta (Việt Nam) nhu nhược quá thì Trung Quốc sẽ thực hiện được ‘bất chiến tự nhiên thành'."
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
"Được biết gần đây có việc bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, có ý kiến trong số người dự định bổ sung, nên có đồng chí M. thì liền có ý kiến sợ ‘căng thẳng với Trung Quốc’,” ông viết.
"Trong vụ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến can thiệp gì của Tập Cận Bình không? Nếu có thì theo Tập Cận Bình hay theo Ban Chấp hành trung ương và theo dân?,” ông đặt vấn đề và quả quyết rằng ‘Việc của nội bộ chúng ta thì chúng ta tự giải quyết việc gì phải nể vì ai, theo ai’.
“Nếu không kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề Nguyễn Tấn Dũng trong thời điểm hiện nay để mắc mưu ông ta thoát khỏi bị xử lý ngay trong hội nghị trung ương kỳ này và kỳ họp Quốc hội tháng 11 tới thì vô cùng nguy hại,” ông cảnh báo.
Ông trấn an rằng ‘không nên quá sợ Trung Quốc đánh’ vì ‘thắng bại trong chiến tranh chủ yếu là do thiên thời, địa lợi, nhân hòa, không chỉ do vũ khí và phương tiện’ và dẫn chứng là ‘Nguyên Mông và Mỹ đã thất bại trước Việt Nam’.
Bên cạnh đó, theo Tướng Vĩnh thì Trung Quốc ‘có chỗ mạnh nhưng cũng có đầy chỗ yếu’ trong đó có việc bối cảnh quốc tế và nội tình Trung Quốc không thuận cho hành vi gây hấn.
“Nhưng nếu ta (Việt Nam) nhu nhược quá thì Trung Quốc sẽ thực hiện được ‘bất chiến tự nhiên thành’”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét