Vào ngày 5/10, hơn 400 người dân tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã đồng ký tên vào một bản tuyên bố đòi hỏi chính quyền phải tỏ rõ quan điểm trong vụ việc thu hồi đất của 42 gia đình thương binh liệt sĩ và trù dập hai đảng viên vì họ không đồng ý cho thu hồi đất.
Những người đứng đơn yêu cầu cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh nói riêng trả lời trước toàn dân về các vấn đề quan trọng liên quan đến dự án thu hồi đất tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, để xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Cụ thể, người dân yêu cầu chính quyền phải công bố đây có thực sự là chính sách của nhà nước hay không và những ai, bộ phận chính quyền nào chịu trách nhiệm trong chủ trương lấy đất của 59 hộ, trong đó có 42 hộ thuộc diện gia đình chính sách thương binh liệt sĩ.
Ảnh hưởng môi trường, sức khỏe
Nhiều người dân ở đây cho biết sở dĩ có chuyện cả làng cùng chống lại dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải là vì lo sợ những ảnh hưởng về môi trường sẽ gây tác hại lâu dài cho sức khỏe của người dân khi vị trí xây dựng nhà máy chỉ cách nhà dân hơn 30 mét.
Người dân chúng em không đồng tình cho làm vì nó ảnh hưởng đến môi trường, không tốt. Cả làng em đều ký tên không đồng ý cho làm.
Anh Ngô Văn Hưởng
Anh Ngô Văn Hưởng, một người dân ở khu phố Trịnh Nguyễn, cho biết:
"Người dân chúng em không đồng tình cho làm vì nó ảnh hưởng đến môi trường, không tốt. Cả làng em đều ký tên không đồng ý cho làm."
Được biết, dự án "Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn" đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 7 năm 2009 với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu hơn 219 tỷ đồng và giao cho UBND tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn không thể tiến hành vì sự chống đối quyết liệt của người dân.
Bất hợp lý, thiếu minh bạch
Trả lời trên báo Quân Đội Nhân Dân vào tháng 11 năm ngoái, chủ tịch UBND phường Châu Khê cho biết chính quyền địa phương đã thông báo việc thu hồi đất, thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tổ chức các buổi họp với các hộ dân có đất bị thu hồi v.v… nói chung là đã tiến hành các trình tự thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, các hộ dân ở đây cho biết có nhiều điều bất cập liên quan đến dự án trên. Báo Công Lý hôm 15/7 vừa qua nêu lên một trong những khúc mắc là việc thay đổi địa điểm đặt nhà máy không theo quy hoạch. Trong đó nêu vị trí ban đầu của dự án theo quy hoạch được phê chuẩn năm 2007 là tại Phù Chẩn và Châu Khê, nhưng sau đó Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh lại khẳng định là đặt trạm xử lý nước thải tại Châu Khê mà không đưa ra văn bản điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, người dân cũng không nhận được quyết định thu hồi đất của mỗi hộ.
Đe dọa, trù dập
Người dân khu phố Trịnh Nguyễn cho biết họ rất bức xúc về trường hợp hai đảng viên trên và những hành động trái pháp luật mà chính quyền địa phương đã thực hiện để ép người dân phải giao đất. Một cựu chiến binh ở khu phố Trịnh Nguyễn cho biết:
Ruộng là của vợ ông ấy mà lại cắt (ra khỏi Đảng) ông ấy thì vô lý. Một số công nhân, một số giáo viên có ruộng mà nếu không lấy tiền là nó đuổi luôn. Nó không cho công tác nữa. Nó làm mất dạy như thế cơ mà!
Một cựu chiến binh
"Họ đe theo kiểu bóc tách từng nhà một, rồi tuyên truyền một số đảng viên chân tay của họ kích động là nếu không (cho) thu hồi thì sẽ bỏ tiền vào ngân hàng, rồi đủ các hình thức của họ. Có những lúc họ tung xã hội đen, rồi khai trừ Đảng, khai trừ ra khỏi Cựu chiến binh, đủ các kiểu, nay gọi mai gọi.
Ruộng đất là của con người ta, có phải của người ta đâu? Ai làm thì người đó chịu chứ. Số ruộng của ông Nhu là ruộng của vợ ông ấy chứ có phải của ông ấy đâu? Ông ấy đi bộ đội về thì làm gì có ruộng? Ruộng là của vợ ông ấy mà lại cắt (ra khỏi Đảng) ông ấy thì vô lý. Một số công nhân, một số giáo viên có ruộng mà nếu không lấy tiền là nó đuổi luôn. Nó không cho công tác nữa. Nó làm mất dạy như thế cơ mà!"
Ngoài việc đòi hỏi chính quyền phải giải thích về những điểm bất hợp lý của dự án và hành động trù dập và đe dọa của chính quyền địa phương đối với các gia đình nằm trong diện bị thu hồi đất, hơn 400 người dân còn yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét di chuyển dự án sang khu vực khác, đồng thời nhanh chóng sửa đổi Luật Đất Đai cho hợp lý và lập đoàn thanh tra để điều tra về thực trạng cán bộ địa phương trù dập người dân.
Có dấu hiệu tham nhũng
Vị cựu chiến binh trên cho biết:
Nó nhìn hai cái hố đấy có lợi nhuận đồng tiền nhiều để cán bộ xã, cả huyện nó đớp với nhau nên bây giờ nó gây khó khăn cho dân. Nó tìm đủ mọi cách.
Một cựu chiến binh
"Tại vì nhà máy nước thải ở gần dân quá nên dân không đồng ý. Dân yêu cầu phải chuyển xa dân ra nhưng nó không nghe bởi vì ở đấy có một số hố mà bọn cán bộ tham nhũng ở đó lớn quá, đâm ra nó cứ cương quyết không chuyển. Hai hố chỗ đấy ở cạnh nhà máy nước. Cái hố đấy tầm 5000 – 6000 m2. Nó nhìn hai cái hố đấy có lợi nhuận đồng tiền nhiều để cán bộ xã, cả huyện nó đớp với nhau nên bây giờ nó gây khó khăn cho dân. Nó tìm đủ mọi cách."
Trong số 59 gia đình có đất thuộc diện bị trưng thu, có khoảng một nửa hộ dân đã nhận tiền đền bù để giao đất. Một nửa còn lại cho biết họ sẽ đấu tranh đến cùng vì lợi ích của người dân lao động và những gia đình có công với nước. Những người ký tên trong Bản tuyên bố Trịnh Nguyễn cũng yêu cầu nhà đầu tư tôn trọng không cấu kết với thành phần tham nhũng trong chính quyền để mưu lợi bất chính, làm xâm hại đến lợi ích chính đáng của người dân.
Nguồn :RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét