Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Một bản đồ về biên giới Ấn-Trung gây ra sự cố giữa đại sứ Trung Quốc với báo chí Ấn Độ


Một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc lại vừa có thái độ rất thô bạo khi bị chất vấn về chủ quyền của Bắc Kinh trên một vùng đất tranh chấp thuộc Ấn Độ, nhưng bị một tấm bản đồ Trung Quốc ghi là lãnh thổ của Trung Quốc. Bên lề một cuộc họp ngày 03/11/2011, khi bị hỏi, đại sứ Trung Quốc ở New Delhi đã yêu cầu một nhà báo Ấn Độ « câm mồm » lại.

Đại sứ Trung Quốc tại ấn Độ (T)
lãnh đạo Tân Cương (G)
Bộ trưởng thưong mại Ấn (T)
trong cuộc gặp gỡ tại New Delhi,
ngày 03/11/2011.
Không khí còn vui vẻ
trước khi bị báo Ấn chất vấn.
Reuters
Theo báo chí Ấn Độ, sự cố xẩy ra bên lề một cuộc họp tại New Delhi với một phái đoàn kinh doanh Trung Quốc do lãnh đạo vùng tự trị Tân Cương dẫn đầu.

Đến theo dõi cuộc họp, các phóng viên báo chí Ấn đã bất ngờ phát hiện ra là trên trang bìa một tập giới thiệu một công ty Trung Quốc, có tấm bản đồ cho thấy là vùng Arunachal Pradesh và Ladakh là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, trong lúc vùng Kashmir đang do chính quyền Islamabad chiếm đóng (Pok) lại thuộc Pakistan.


Đối với Ấn Độ, đây là hai vùng lãnh thổ hoàn toàn thuộc chủ quyền của họ, vì thế, một phóng viên Ấn Độ đã lập tức chất vấn Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi, có mặt trong cuộc họp, về tấm bản đồ kể trên. Theo nhật báo Ấn Độ The Hindustan Times, khi bị hỏi vặn về tấm bản đồ này, vị đại sứ Trung Quốc đã nổi nóng và bảo người chất vấn ông là hãy « câm mồm » đi.

Đấu khẩu giữa hai bên đã bùng lên. Theo báo Times of India, nhà báo Ấn Độ đã phản ứng như sau với đại sứ Trung Quốc : « Đây không phải là đất của Trung Quốc ... đây là lãnh thổ Ấn Độ. Ở đây, chúng tôi có đầy đủ quyền tự do. Làm sao mà ông có thể yêu cầu một nhà báo câm mồm khi được hỏi về một điều gì đó ! »

Phân trần với báo giới sau đó, Đại sứ Trung Quốc đã cho rằng sở dĩ ông nổi nóng, đó là vì ký giả Ấn Độ đã tiếp tục « hỏi vặn, hỏi vẹo » sau khi ông đã giải thích nhiều lần là sai sót trên tấm bản đồ là do vấn đề « kỹ thuật » và phía Trung Quốc sẽ sửa sai.

Sau sự cố kể trên, cả hai chính quyền Ấn Độ và Trung Quốc đều tìm cách giảm nhẹ tầm mức hệ trọng của vấn đề. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Gautam Bambawale, có mặt tại chỗ, cho biết là ông đã lưu ý đại sứ Trung Quốc về tấm bản đồ, và phía Trung Quốc cũng thừa nhận đấy là một sai sót. Theo ông, tác giả tấm bản đồ chỉ là « một công ty tư nhân, chứ không phải là chính phủ Trung Quốc. »

Theo các quan chức chính quyền hai nước, ngay cả các công ty Ấn Độ cũng từng có những sai lầm tương tự trong quá khứ và điều đó không phản ánh quan điểm chính thức của Bắc Kinh.

Phải nói là khi tranh luận về vấn đề chủ quyền, các giới chức Trung Quốc, kể cả các nhà ngoại giao, nhiều khi đã mất bình tĩnh. Sự cố nhỏ xẩy ra tại Ấn Độ hôm qua, không khỏi khiến cho mọi người liên tưởng đến một sự cố nghiêm trọng hơn, xảy ra tại Philippines hồi tháng 6 vừa qua.

Vào lúc ấy, trong một cuộc tranh luận về các cáo buộc của Manila về việc Bắc Kinh xâm phạm các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền, Bí thư thứ nhất đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Lý Vĩnh Thịnh, đã thô bạo lớn tiếng với một quan chức Philippines.

Hệ quả của sự cố này là chính quyền Manila đã quyết định cấm cửa nhà ngoại giao Trung Quốc nói trên, trong lúc đại sứ quán Trung Quốc phải ra thông cáo khẩng định rằng họ luôn luôn nỗ lực làm việc trong tinh thần hữu nghị.

Dẫu sao thì sự cố hôm qua tại Ấn Độ đã nêu bật một trong những hồ sơ gai góc trong quan hệ Ấn - Trung. Bắc Kinh hiện tuyên bố chủ quyền đối với một phần lãnh thổ vùng Ladakh cũng như toàn bộ vùng Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc đặt tên là vùng Nam Tạng. Hai vùng này đang do Ấn Độ quản lý.

Vào năm 1962, đã nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai bên ở vùng biên giới, và từ đó đến nay, các cuộc đàm phán luôn luôn thất bại. Cho dù quan hệ kinh tế Ấn Trung không ngừng được cải thiện, tranh chấp biên giới luôn luôn là một vấn đề rất nhạy cảm, và thường xuyên gây căng thẳng giữa hai bên.

Trong những tháng gần đây, dư luận Ấn Độ lại càng căng thẳng hơn với Bắc Kinh sau một loạt những hành động của Trung Quốc bị cho là tấn công vào các lợi ích của Ấn Độ, như tăng cường sự hiện diện tại vùng Kashmir thuộc Ấn Độ nhưng bị Pakistan chiếm đóng, hay là hù dọa tầu hải quân Ấn ngoài Biển Đông hoặc phản đối không cho tập đoàn dầu hỏa quốc gia Ấn Độ hợp tác với Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét