Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Dự luật trừng phạt các cựu quan chức cộng sản Hungary



Quốc hội Budapest
Dirk Bayer/wikimedia.org
Liên minh cầm quyền cánh hữu tại Hungary đang soạn thảo và đề xuất một số đạo luật với nội dung trừng phạt các lãnh đạo chế độ cộng sản cũ. Một phần công luận và chuyên gia Hungary cho rằng, những quyết định đó vừa khó thực hiện, vừa không mấy đạt được mục đích.


Thông tín viên Hoàng Nguyễn-Budapest 11/11/2011
(09:30)




Trừng phạt những thủ phạm chủ chốt thời 1956

Mang tên “lex Biszku”, một đạo luật đã được đảng cầm quyền Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ soạn thảo và chuẩn bị trình lên Quốc hội, tạo điều kiện để truy trách nhiệm hình sự những kẻ từng tham gia vào làn sóng đàn áp nhân dân sau cuộc cách mạng dân chủ mùa thu 1956.

Ðại diện cho đảng FIDESZ, dân biểu Gulyás Gergely cho hay, đạo luật sẽ chỉ ứng với một nhóm rất nhỏ, cụ thể là những kẻ đã đưa ra “đơn đặt hàng” trong những cuộc đàn áp, hoặc những nhân vật gạo cội của nền tư pháp, khi đó đã tham gia thực hiện làn sóng thanh trừng. Trả lời câu hỏi của giới ký giả, ông Gulyás cho hay, cùng lắm là có vài chục người như vậy, nhưng cũng có thể chỉ độ chục người.

Trong số đó, chắc chắn có ông Biszku Béla, năm nay đã 90 tuổi, người mà trường hợp của ông ta đã là lý do để giới lập pháp ra đạo luật này. Nhắc lại, trong 4 năm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ sau cách mạng 1956: Biszku được coi là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đàn áp của chính phủ mới, với chừng 300 án tử hình và 20.000 án tù đày dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.

Cuối năm ngoái, Biszku Béla đã bị truy cứu hình sự do những phát biểu theo hướng công khai phủ nhận những tội ác của thể chế cộng sản thời 1956 và do đó, ông ta phải đối mặt với bản án tù giam tối đa 3 năm.

Cơ sở của hình phạt này, là một điều khoản được sửa đổi trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS), theo đó, có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với người nào công khai phủ nhận, tỏ ra nghi ngờ hoặc cho rằng tội ác diệt chủng của các thể chế Quốc xã và Cộng sản - cũng như các tội ác chống nhân loại khác - là “không đáng kể”.

Tuy nhiên, với đề xuất mới nhất mới đây, đảng FIDESZ muốn tạo ra một đạo luật riêng rẽ, chứ không nằm trong BLHS, trên cơ sở thừa kế nguyên tắc những tội ác chống lại sự nhân bản sẽ không bao giờ hết thời hiệu.

Nhìn lại lịch sử, khái niệm những tội ác chiến tranh chống hòa bình và chống nhân loại đã được nêu ra bởi Tòa án Quân sự Nürberg thời sau Ðệ nhị Thế chiến, và Công ước năm 1968 của Liên Hiệp Quốc (ký tại New York) cũng quy định rằng những tội ác kể trên không bao giờ hết thời hiệu. Hungary cũng phê chuẩn Công ước và năm 1971, nước này cũng ra một Pháp lệnh với nội dung như vậy, nhưng theo dân biểu Gulyás, Pháp lệnh này chưa thực sự trở thành một phần của nền luật pháp Hungary.

Bởi lẽ, điều khoản có liên quan của BLHS chỉ nói rằng các tội ác chống nhân loại không bao giờ hết thời hiệu, nhưng không đả động đến các tội ác chống lại sự nhân bản, mà theo đảng FIDESZ là một khái niệm khác, và ứng với trường hợp những cuộc đàn áp diễn ra sau khi cách mạng 1956 thất bại.

Ông Gulyás cũng nhận định rằng dự luật mới theo FIDESZ sẽ không vi hiến vì theo một quan điểm xưa của Tòa án Hiến pháp, việc thực hiện những bổn phận quốc tế khiến các tội ác chống sự nhân bản không bao giờ hết thời hiệu không vi phạm khái niệm hồi tố trong luật pháp.

Ðược biết, sau khi đạo luật có hiệu lực pháp luật, nhóm dân biểu FIDESZ trong Quốc hội sẽ “thực hiện những biện pháp cần thiết”, theo lời ông Gulyás. Nói đến mức độ nghiêm trọng của hình phạt, vị dân biểu này cho hay khoảng thời gian dài đã trôi qua đương nhiên là tình tiết giảm tội, và khẳng định: “Chúng tôi không muốn trả thù mà muốn công lý được tái lập tại Hungary, như tại da số các quốc gia cộng sản một thời”.

Một số ví dụ quốc tế cũng đã được đưa ra trong quá trình soạn thảo đạo luật. Chẳng hạn, năm 2009, một công tố viên nhà nước Czech đã bị án tù giam vì vai trò trong các vụ án ngụy tạo thời thập niên 50. tại nước Ðức thống nhất, nhiều lãnh tụ thượng đỉnh một thời cũng bị tòa kết án vì đã tham gia vào quá trình đưa ra quyết định lính biên phòng có thể sả súng bắn những người vượt biên.

Ðánh vào lương bổng hưu trí

Không chỉ nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự, nhóm dân biểu FIDESZ còn đề xuất việc soạn thảo một đạo luật mới, cho phép “điều chỉnh” lại lương hưu của một số cựu lãnh đạo thời cộng sản, mà họ cho là “cao quá mức”. Ðây là một vấn đề cũ, từng được đảng cực đoan JOBBIK đề xuất vào cuối năm ngoái, kèm một danh sách những người bị coi là có vai trò quan trọng trong thể chế cũ, và cần bị cắt giảm lương hưu đến mức tối thiểu.

“Cảm hứng” của các nhà làm luật trong sáng kiến mới này cũng vẫn bắt nguồn từ trường hợp cựu Bộ trưởng Nội vụ Biszku Béla: sau biến cố 1989, ông này sống yên ổn và không bị ai quấy rối tại biệt thự tại Đồi Hoa hồng, khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương hưu năm 2010 là 240.000 Ft, tức là gấp 3-4 lần mức lương hưu của một người dân bình thường.

Ðược đưa ra trong chương trình nghị sự của Quốc hội Hungary tháng 11 năm ngoái, rốt cục, đề xuất của đảng JOBBIK được đánh giá là “theo hướng tốt”, nhưng cách thực hiện trong thực tế thì gặp phải rất nhiều vấn đề, nên tạm thời vấn đề bị để sang một bên, cho dù các đảng phái khác trong Quốc hội có hứa hẹn sẽ sửa đổi, chỉnh lý để đưa lại vào chương trình nghị sự.

Nói về dự thảo luật mới do FIDESZ đề xuất, dân biểu Lázár János cho biết: đảng cầm quyền muốn đưa ra một loại thuế mới - gọi bằng cái tên “thuế đền bù” - nhằm vào lương hưu của các quan chức cộng sản cũ, cũng như, của những người đứng đầu các tổ chức “ngoại vi” của chế độ cũ. Khoản tiền thu được từ đó sẽ được dành để trợ giúp các nạn nhân của cuộc cách mạng 1956 cũng như gia đình, thân nhân họ, thông qua các tổ chức từ thiện có liên quan.

Ðược biết, theo dự luật, ngoài các lãnh tụ đảng, các thành viên lãnh đạo của Ðoàn Thanh niên Cộng sản (KISZ), của cơ quan mật vụ chính trị (ÁVH)... cùng nằm trong tầm ngắm của dự luật mới này. Trong giai đoạn soạn thảo, đảng FIDESZ đã tham khảo kinh nghiệm về mặt pháp luật trong vấn đề này của một số quốc gia cộng sản cũ, như Ba Lan hoặc Cộng hòa Czech.

Luật mới, nếu được phê chuẩn, sẽ phù hợp với bản Hiến pháp mới có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1-2012. Dự tính, mức “thuế đền bù” được tính toán sao cho, khoản lương hưu của các quan chức thể chế trước vẫn còn được ở mức gấp đôi mức lương hưu tối thiểu do nhà nước quy định.

Ý kiến của công luận và giới chuyên môn

Công luận Hungary có những ý kiến nhiều khi trái ngược nhau, quanh câu hỏi có cần trừng phạt những thủ phạm chính thời cộng sản thông qua những đạo luật, những hình thức khác nhau như vậy hay không. Tu nhiên, có thể coi quan điểm sau đây của sử gia Eörsi László, làm việc tại Học viện 1956, là tiêu biểu.

Trả lời mạng tin index.hu, ông Eörsi cho rằng, “đương nhiên, những thủ phạm chính của các cuộc đàn áp, thanh trừng đã hoàn toàn thoát tội, đã không bị truy cứu trách nhiệm kể cả về mặt đạo đức, và đó là điều không đúng đắn”. Theo nhà sử học, sau biến cố 1989, những nỗ lực theo hướng trực diện và truy tội các quan chức chế độ cũ đã không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội, nhưng cho đến nay, đa phần là nhờ chiến dịch chống cộng mạnh mẽ của cánh hữu và cực đoan, tình thế đã đổi khác.

Tuy nhiên, sử gia Eörsi nhận định, sau 20 năm mới khởi đầu sự truy cứu hình sự thì là điều quá chậm trễ và không may mắn. Thời gian rất dài đã trôi qua, những bằng cứ cũng khó được thu thập, và về mặt pháp luật, không đơn giản để đồng bộ hóa những bộ luật đang có, để có thể trừng trị trong thực tế những hành vi xảy ra nhiều năm trước đây.

Ðối với “sáng kiến” giảm lương hưu của những lãnh tụ thời trước, nhiều câu hỏi thực tiễn được đặt ra: ai có thể được coi là quan chức ở mức cần giảm lương? Tìm họ ở đâu sau ngần ấy năm, vì ngay chính quyền cũng không biết, ai còn, ai mất? Mực giảm lương thế nào cho phù hợp và chấm dứt tình trạng bất hợp lý và thiếu công bằng, khi những cựu “đao phủ” lại sống dư dật hơn nạn nhân của họ? Ðây là chưa kể, đạo luật mới phải được soạn thảo làm sao có thể thực hiện được trong thực tế, và qua được những phép thử của sự hợp hiến.

Một điều chắc chắn: với đại đa số hơn 2/3 số phiếu trong Quốc hội, Liên minh cầm quyền chắc chắn sẽ làm được điều họ muốn, và thông qua các đạo luật nói trên. Trong tình cảnh khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, việc một số - không lớn - những quan chức cộng sản cũ bị giảm lương hoặc bị trừng phạt trước vành móng ngựa, dù không đem lại bao nhiêu doanh thu cho nhà nước, cũng là một liệu pháp tinh thần hữu hiệu đối với một số cá nhân và giai tầng trong xã hội.

Có điều, xét về dài hạn, sự ra đời chớp nhoáng và có thể chưa được suy tính kỹ của những đạo luật đó có thể tạo nên ảnh hưởng, dư chấn trong xã hội, trong lòng người ở mức như thế nào - đó là điều không ai có thể lường trước được!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét