Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

TBT Trọng sẽ nói với TQ về Biển Đông?

Thứ tư, 5 tháng 10, 2011

Giới bình luận cho rằng các vấn đề về chủ quyền Biển Đông sẽ nằm cao trong nghị trình chuyến thăm Trung Quốc sắp tới ông của TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.



Ủy viên Quốc vụ TQ được nói đã tới Hà Nội đầu tháng Chín 
để chuầ̉n bị cho chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng


Nội dung chuyến đi không được công bố, nhưng nhiều chuyên gia về quan hệ Việt-Trung nói sẽ không thể thiếu chủ đề nóng hiện nay là tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông




Biển Đông, mà đặc biệt là "đường lưỡi bò", tức đường chín đoạn được Trung Quốc đưa ra như ranh giới lãnh thể biển của họ, bị cho là khúc mắc lớn nhất còn tồn tại giữa hai quốc gia láng giềng cùng chung ý thức hệ cộng sản.

Tình hình căng thẳng trên biển hồi giữa năm giữa Việt Nam và Trung Quốc đã dẫn đến hơn 10 cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh tại Hà Nội.

Một nhà quan sát ở Hà Nội, đề nghị giấu tên, nhận định với BBC rằng chủ đề Biển Đông sẽ phải được đề cập tới, "dù ông Nguyễn Phú Trọng muốn hay không".

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia Việt Nam từ Canberra, Australia, thì cho rằng trăm mắt sẽ đổ dồn vào cách ứng xử cũng như các phát ngôn về Biển Đông của ông tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi ông ở thăm Bắc Kinh.

"Đây sẽ là bài toán thử quan trọng cho sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò tổng bí thư," ông Thayer khẳng định.

Tuy nhiên theo ông, cho dù quá trình chuẩn bị cho chuyến đi của ông Trọng đã được bắt đầu suốt từ tháng Hai, khi phía Trung Quốc chính thức đưa lời mời, một giải pháp khả dĩ cho Biển Đông vẫn là điều khó có thể đạt được.

GS Thayer nói: "Chủ đề Biển Đông quá to lớn và quan trọng nên không thể lờ đi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể trông đợi một thỏa thuận hay giải pháp từ chuyến đi này".

Hà Nội và Bắc Kinh đã phải mất hàng chục năm mới có thể đi đến thỏa thuận về biên giới trên bộ, nhưng độ phức tạp của đàm phán biên giới trên biển thì còn lớn hơn gấp nhiều lần.


Cẩn thận với Trung Quốc




Trong khi đó, một số người cảnh báo rằng nhà lãnh đạo của Đảng CSVN cần thận trọng khi sang Trung Quốc.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, nhân vật bất đồng chính kiến hiện ở Hà Nội, nói ông Nguyễn Phú Trọng cần tỉnh táo, "không đưa ra các quyết định mà về sau không thay đổi được".

Ông Giang nói: "Trung Quốc đã có truyền thống luôn giăng bẫy và đánh lừa các lãnh đạo Việt Nam và lịch sử đã chứng minh điều đó từ xưa tới nay".

"Ngay như ông Phạm Văn Đồng hồi làm thủ tướng còn bị lừa để rồi ra công hàm 1958 mà tới bây giờ Trung Quốc vẫn sử dụng để căn cứ vào đấy mà cướp Hoàng Sa."

"Vậy cho nên tôi nghĩ, ông Nguyễn Phú Trọng không nên sang Trung Quốc vào thời điểm này," TS Nguyễn Thanh Giang nói với BBC.

"Đồng bào và các đảng viên đều biết hết ai đúng ai sai."

Theo ông, đáng ra thay vì công du hướng Bắc, ông tổng bí thư nên đi Ấn Độ, vì "Ấn Độ là nước lớn và có mối quan tâm đến Biển Đông, quan hệ tốt với họ sẽ bảo đảm hơn quyền lợi Biển Đông của Việt Nam".


Ông đặt câu hỏi: "Tại sao cứ phải đi sang Trung Quốc?"

"Có thể vì nhiều lý do mà Đảng và chính quyền không thể tuyên bố ra mặt là chống Trung Quốc, nhưng thuần phục Trung Quốc thì sẽ thành tội đồ dân tộc."

Trung Quốc là quốc gia thứ hai mà ông Nguyễn Phú Trọng thăm viếng chính thức sau khi ông được bầu làm tổng bí thư Đảng CSVN tại Đại hội XI hồi tháng 1/2011.

Hồi giữa tháng Sáu, ông đã chọn Lào cho chuyến thăm đầu tiên, cử chỉ được GS Carlyle Thayer nhận định là "nhằm giữ thăng bằng và hòa khí".

Theo thông lệ, các chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tân tổng bí thư luôn là tới các quốc gia có cùng ý thức hệ.

"Thế nhưng tất nhiên, Trung Quốc vẫn là quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu," ông Thayer nói.

Ông Thayer cũng cho rằng ngoài Biển Đông, các chủ đề thường trực như đổi mới kiện toàn quan hệ giữa hai đảng cầm quyền hay thúc đẩy hợp tác song phương cũng sẽ được hai bên bàn tới trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng.

"Đặc biệt, các chủ đề kinh tế, nhất là thặng dư mậu dịch khổng lồ nghiêng về phía Trung Quốc, sẽ được chú ý tới."

Lãnh đạo Việt Nam xuất ngoại



Trong cùng thời điểm tháng Mười, các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam dường như khá bận rộn với các chuyến công du nước ngoài.

Bên cạnh chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện đang có chuyến thăm châu Âu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuần này đang ở thăm Ukraina sau khi đã tới Uzbekistan.

Trước đó, ông Dũng đã thăm Hà Lan, một cường quốc hàng hải, từ 27/09-01/10.

Tin cho hay Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cũng sắp có chuyến thăm Ấn Độ, mà Việt Nam đang hy vọng sẽ có hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là hải quân.

Ông Sang mới đây cũng đã thăm Singapore trong ba ngày 26/09-29/09.

"Các chuyến công du nước ngoài để tìm kiếm và thúc đẩy hợp tác mới là cần thiết và nên làm," TS Nguyễn Thanh Giang nói.

"Vì vậy tôi mới cho rằng ông Trọng không cần phải đi Trung Quốc sớm."






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét