Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Trung Quốc khống chế Việt Nam trên lãnh vực Văn Hóa

2011-09-20
Trong hai bài trước chúng tôi đã ghi lại những nét chính mà Trung Quốc muốn kiểm soát và thao túng nền kinh tế, chính trị Việt Nam. 





Source Wikipedia
Chùa Bái Đính nằm ở phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, 
thuộc xã Gia Sinh - Gia Viễn - Ninh Bình, 
cách thành phố Ninh Bình 15 km


 Hôm nay xin được chia sẻ những yếu tố văn hoá mà Trung Quốc đã dùng để xâm lấn một cách âm thầm làm cho Việt Nam trở thành môt phiên bản của Bắc Kinh nhằm phục vụ kế sách bá quyền đại hán của họ. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này.


-Trong tình hình hiện nay cái chữ “xâm lăng”, phải nói như thế, về mặt văn hoá của Trung Quốc và một sự chống chõi yếu ớt, nhu nhược của những người làm công tác văn hoá ở Việt Nam hiện nay rất đáng báo động.
Ai cũng có thể thấy rõ là trên các kênh truyền hình của đài truyền hình trung ương cũng như các địa phương, thời lượng phát sóng dày đặc các phim của Trung Quốc. Bây giờ đang là mùa trung thu, cũng như suốt cả năm đồ chơi trẻ con phải nói 80% là của Trung Quốc.

Nhận xét vừa rồi của TS Nguyễn Xuân Diện, một chuyên gia Hán nôm và cũng là người am hiểu văn hoá Trung Quốc cho thấy một vấn đề thật sự cần nhìn lại không những của những người cán bộ làm văn hoá mà còn của cả xã hội để dần dần thoát ra khỏi hệ luỵ này.



Những ý thức tự ti, tự huỷ

 

Nói đến văn hoá Việt Nam không hiếm người cho rằng 4 hay 5 ngàn năm văn hiến gì thì cũng xuất phát từ Trung Quốc. Cái nhìn thiển cận ấy âm thầm kéo dài từ nhiều thế kỷ trong lòng một bộ phận rất lớn của xã hội, nhưng chưa có một phản biện đứng đắn dài hơi và thuyết phục của các nhà nghiên cứu văn hoá Việt để chuyển tải tới cộng đồng, tức là những con người đang sống, đang va chạm trực tiếp với thế giới thật mà chung quanh đầy dẫy hình ảnh, ngôn từ, thói quen, phong tục và ngay cả lối sống đều mang đậm nét Trung Quốc.



Hàng bán đồ chơi Trung Thu ở Hà Nội. AFP

 Hàng bán đồ chơi Trung Thu ở Hà Nội. AFP


Nhiều nhà văn hoá học cảm thấy cô đơn khi chấp nhận dấn thân vào khu rừng rậm quá nhiều thói quen không thể từ bỏ của người Việt. Những thói quen bị quán tính hoá ấy bao trăm năm qua đã ăn sâu, biến nền văn hoá bên ngoài trở thành văn hoá Việt mà không một ý thức nào còn lại để cảnh giác rằng chúng ta đã đi quá xa, ở quá lâu và lệ thuộc quá nhiều vào nền văn hoá tưởng là đã được Việt hóa ấy.
Nhặt ra cho hết những vô lý, bất cập mà người Việt hoà mình vào dòng văn hoá phương Bắc không khó, tuy nhiên thuyết phục và biến cải thói quen cho người dân bình thường nhất lại là một việc làm không dễ trong vòng vài chục năm. Điều này một lần nữa cho thấy nền văn hoá Việt Nam đang có vấn đề mà rất nhiều cán bộ văn hoá không những không nhận ra mà còn vô tình hay hữu ý, thúc đẩy người dân chấp nhận nó như chấp nhận một việc hiển nhiên, một điều mà dân tộc đã gần gũi gắn bó hàng ngàn năm.

 

 

Vay mượn nguy hiểm…



Gắn bó và gần gũi không có nghĩa là bị đồng hoá. Lại càng không có nghĩa nếu không chấp nhận thì đi ngược lại với sự thật vì nền văn hoá ấy đã bám rễ vào văn hoá Việt. 
Văn hoá thuần Việt xuất hiện rõ nét nhất trên những hoa văn, phù điêu của các ngôi chùa cổ. Những nét thủ công nghệ thuật ấy phát xuất từ ý thức sâu sắc muốn thoát ra làn sóng đô hộ văn hoá của phương Bắc làm nên nét đặc thù văn hoá phương Nam.



Các phim Trung Quốc được quảng cáo đầy trên mạng và tại các rạp chiếu phim. RFA screen capture


Các phim Trung Quốc được quảng cáo đầy trên mạng và tại các rạp chiếu phim. RFA screen capture 


Tổ tiên ta cảng ý thức điều này bao nhiêu thì các thế hệ sau lại thờ ơ với nó bấy nhiêu. Nhiều ngôi chùa gần đây không thể gọi là chùa của người Việt được nữa mà phải thành thật nhận rằng nó được mang nguyên mẫu từ Trung Quốc hay Đài Loan sang. Từ kiến trúc tới tượng thờ, nhất nhất đều mang họa tiết Trung Quốc và người ta không dấu tự hào khi cho rằng đã bắt chước giống với bản sao từ nguyên mẫu.  


Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ các quan sát của ông:
-Các công trình đền chùa đình miếu bây giờ có cái đang xây dựng mới, cũng có cái tu sửa thì vẫn đậm chất Trung Quốc. Chúng tôi lấy thí dụ như công trình chùa Bái Đính ở Ninh Bình hay là công trình Đại Nam Lạc Cảnh ở Bình Dương không có yếu tố Việt Nam ở trong đó. Đây là những ngôi chùa rất là đồ sộ mang dấu ấn của Trung Quốc rất rõ. Một đài tưởng niệm liệt sĩ là 10 cô gái ở Đồng Lộc, cái tháp chuông ở Đồng Lộc lại là phiên bản của Hoàng Hạc Lâu bên Trung Quốc.

Ngay cả Bảo tàng Hà Nội là một bảo tàng vừa mới xây dựng xong cũng là một mô hình copy từ một công trình kiến trúc ở Thượng Hải.

 

 

…cùng quán tính và tư duy theo đuôi



Điều nguy hiểm nhất là chính những cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý văn hoá lại không thấy có gì sai trái khi hình ảnh Trung Hoa tràn ngập Việt Nam. Nhiều quan chức còn cho rằng đó là tâm lý hàng ngàn năm nay của dân chúng và không thể thay đổi.

Phim ảnh là một ví dụ dễ thấy nhất về tính chay lười tư duy của ngừơi làm văn hoá hôm nay. Những bộ phim Trung Quốc dài nhiều chục tập giết thời gian của biết bao người trẻ tuổi? Lịch sử Việt Nam không ngoi lên nổi trong ý thức học sinh bởi tên tuổi các vua chúa Trung Hoa đã ăn sâu vào tiềm thức họ qua các phim lịch sử Trung Quốc. GSTS Nguyễn Đăng Hưng, mặc dù xa tổ quốc bao nhiêu năm nhưng khi trở vê ông vẫn muốn sinh viên của ông phải biết rõ lịch sử nước nhà hơn bất cứ điều gì khác, ông kể:

-Nay tôi về sống tại Việt Nam thì tôi lại thấy ảnh huởng của văn hoá Trung Quốc nhất là qua phim ảnh nó lại rất tràn lan và dữ dội, tôi cho rằng đây là đìêu không bình thường. Riêng bản thân tôi tôi có phản ứng là không xem phim Trung Quốc nữa.



Tôi rất buồn khi qua các buổi phỏng vần tuyển chọn các em sinh viên của các lớp vào học với tôi, khi tôi tuyển sinh thì luôn luôn phỏng vần họ. Trong cuộc phỏng vấn không những kiểm tra về toán về sinh học, cơ học mà tôi còn kiểm tra về hiều biết chung trong đó có kiểm tra về đại lý và lịch sử.

Tôi rất buồn các bạn trẻ Việt Nam đã có bằng kỹ sư rồi, đã học bốn năm năm đại học rồi thế mà hiểu biết rất ít về lịch sử Việt Nam nhất là lịch sử dân tộc. Nhiều khi họ cho tôi cảm giác là họ hiểu lịch sử Trung Quốc rõ hơn qua các phim ảnh Trung Quốc. Họ hiều rất rõ nhà Thanh, họ hiều rất rõ những chuyện các anh hùgn Trung Quốc trong khi những anh hùng của Việt Nam thì rất kém.

 

 

Học giả và lý thuyết đô hộ



Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, một chuyên gia có tuổi nghề làm việc tại Trung Quốc nhiều chục năm nhận xét những gì mà học giả Trung Quốc đang theo đuổi một cách kiên trì với mục đích đạp đổ nền văn hoá Việt Nam để sáp nhập tất cả vào kho tàng văn hoá vốn đã giàu có của họ, bà nói:




Chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên VN




Chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên VN cho phim Việt Nam Lý Công Uẩn. Source XinHua thx






-Những người mang tiếng là nhà văn hoá Trung Quốc đã phát biểu những cái không có cơ sở văn hoá, không hiểu vể lịch sử và nói bậy thì tôi cho những cái đó mình không có gì phải sợ, Ví dụ như chuyện nền văn minh lúa nuớc. Tại sao nền văn minh lúa nứơc lại ở Việt Nam? Vì Việt Nam là vùng trũng, tập trung nhiều nứơc còn Trung Quốc làm gì có chuyện đó! Nó ở vùng đất khô cằn, vùng thảo nguyên thì làm sao nó sang dạy ta trồng lúa nước được?



Rồi những nhà nghiên cứu trống đồng cũng bị nó nói là trống đồng của nó. Những trống đồng đó có niên đại bao nhiêu năm? Mới có năm ngoái hay là tháng trước thôi! Trong khi trống đồng Đông Sơn đào lên từ bao giờ? Các nhà nghiên cứu khảo cổ họ biết thừa, rõ ràng là chỉ lừa đựơc người không biết mà thôi.

 

 

Những nhận xét đắng lòng



Nhà giáo Phạm Toàn nhìn lại văn hoá Việt Nam trong thời gian hiện tại mà không khòi xót xa. Có thể cái nhìn của ông chỉ là một góc của vấn đề nhưng lại là góc bén nhất, quan trọng nhất đối với những ai còn nặng lòng với văn hoá Việt:
-Bây giờ cái nền văn hoá ấy đương trong cơn đại khủng hoảng. Đại khủng hoảng ở chỗ: Bây giờ không có tác phẩm nào để đời cả. Không có bài thơ nào mà thanh niên chuyền tay nhau cả. Không có bài hát nào người ta đi đường lầm rầm người ta hát cả. Không có câu thơ nào mà hai người yêu nhau thủ thỉ với nhau cả. Bây giờ không có bức tranh nào đẹp hết! Còn tượng thì tượng nào cũng như tượng nào. Không một vở kịch nào người ta mời nhau đi xem cả. Không bản giao hưởng nào người ta đòi nhau đi nghe cả! Thậm chí xiếc hay người thì người ta lại sang Pháp diễn mà không diễn trong nước nữa bởi vì diễn ở Pháp hàng tháng trời người ta sống rất đàng hoàng.



Chúng tôi xin mượn kết luận của các trí thức sau đây để đánh động mối lo có thật và rất nguy nan về quyền lực mềm mà Trung Quốc đang dùng để  đô hộ văn hoá Việt Nam.  



GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng:
-Quyền lực mềm chính là gì? Chính là Trung Quốc dùng ảnh hưởng phim ảnh trong khi hiện nay tình trạng phim ảnh Việt Nam nhất là phim lịch sử rất ít. Phải thuê mượn người ta mà kết quả thì ai cũng biết. Khi thuê mượn và giao cho đạo diễn người Trung Quốc thì họ áp dụng văn hoá của họ vào phim và chỉ đặt cái tên là phim Việt Nam mà thôi. Ngay cả tình tiết, tâm lý đều là Trung Quốc cả. Ngay cả xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi nhắc tới những chiến thắng của Nhà Lý nhà Tiền Lê nhưng chỉ coi đó là vấn đề nội bộ chém giết nhau cho thấy đây là một di hại vô cùng thâm độc.




TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện:

-Chúng tôi mới chỉ sơ qua một phần, vài nét như vậy cho thấy văn hoá Trung Quốc đang xâm lấn văn hoá Việt Nam và bản lĩnh văn hoá Việt Nam lúc này đang trong một cơn thách thức mạnh, nhưng rất tiếc những người làm công tác quản lý văn hoá lại không nhận rõ nguy cơ này. Bên cạnh đó chưa có chỉ đạo có tính chất quyết định để chống lại sự xâm lăng văn hóa đến từ phía Trung Quốc ngày một mạnh hơn.



Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa:
-Bây giờ xu hướng của họ là tư tưởng đại hán bành trướng. Tôi cảm thấy bây giờ nó bắt đầu như thời gian 1.000 năm Bắc thuộc nhưng bây giờ thì kiểu khác. Nó bắt đầu rồi chứ không phải là manh nha nữa. Bắt đầu bằng những chính sách của họ và ngay bản thân những chính sách của mình nữa đã thể hiện rằng thời kỳ Bắc thuộc đã bắt đầu nhưng dưới hình thức khác.


Ước gì cả xã hội từ đây sẽ xem vấn đề văn hoá Trung Quốc với một tâm thức khác, tỉnh táo và công bằng hơn đối với văn hoá Việt Nam vốn dĩ đã và đang bị làm cho nghèo đi do vô tình, do lợi nhuận hay do nhận thức dễ dãi mà nền văn hoá ấy đang dần dà trở thành gánh nặng hơn là di sản quý giá của dân tộc cần được giữ gìn.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét