Thứ năm, 22 tháng 9, 2011
Viễn cảnh dầu hỏa ở Biển Đông
khiến các nước tìm cách khẳng định chủ quyền
Thêm một hội nghị thứ hai trong vòng một tuần để bàn về tranh chấp Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Hôm nay Philippines khai mạc hội nghị hai ngày để thảo luận đề nghị của nước này về giải pháp cho căng thẳng trong khu vực được cho là nhiều dầu hỏa.
Cuộc họp dành cho chuyên gia hàng hải và pháp luật của 10 nước trong khối Asean.
Ban tổ chức cho biết dẫn đầu đoàn Việt Nam là ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.
Các kết luận tại hội nghị sẽ được trình lên cho một cuộc họp cao cấp của Asean, trước khi có khuyến nghị gửi cho các ngoại trưởng Asean ở cuộc họp tháng 11 tại Bali.
Hai nhà ngoại giao Philippines nói với hãng tin AP rằng Trung Quốc phản đối hội nghị này.
Họ nói Bắc Kinh hỏi có lý do gì Asean lại can dự với tư cách một khối trong khi đa số thành viên không liên quan tranh chấp.
Chỉ có bốn nước trong Asean - Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam - có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hai chính phủ còn lại cũng tranh chấp là Trung Quốc và Đài Loan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay nói giải quyết tranh chấp có thể "mất nhiều thế kỷ".
Mới hôm 19/9 tại Brussels, Bỉ, cũng diễn ra một hội nghị với chủ đề "An ninh hàng hải trên Biển Đông", tổ chức ở Viện nghiên cứu châu Âu về các vấn đề châu Á (EIAS).
Đáng chú ý, hội thảo ở Bỉ do Đại sứ quán Việt Nam, Philippines và Indonesia đồng tổ chức.
Hai hội thảo này cho thấy hai nước Việt Nam và Philippines vẫn đang tiếp tục kiếm tìm hỗ trợ về ngoại giao và pháp lý trong cuộc tranh chấp chủ quyền dai dẳng và phức tạp ở Biển Đông.
Báo Trung Quốc lên tiếng
Trong một diễn biến khác, ngày hôm nay Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc - có bài chỉ trích dự án năng lượng hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Thông tin về dự án hợp tác ngoài khơi Biển Đông của hai tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Ấn Độ từ khi đưa ra đã thu hút sự chú ý đặc biệt, nhất là trong truyền thông Trung Quốc.
Nhân Dân Nhật Báo nói dự án "xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc".
Bài báo viết nếu Việt Nam và Ấn Độ có những hoạt động gây hại cho quan hệ với Trung Quốc "cũng như ổn định và phát triển kinh tế hòa bình ở cả Nam Hải, thiệt hại sẽ nhiều hơn lợi ích."
Giới ngoại giao và doanh nhân cho biết Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép với các công ty nước ngoài dự định khảo sát dầu hỏa với Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét