Theo tin của trang mạng SunStar.com.ph, trong tuần này, Philippines đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo của giới chuyên gia về luật biển thuộc 10 nước thành viên Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN, về đề xuất của chính quyền Manila liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Một
trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Reuters
Các chuyên gia pháp lý về luật biển của Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia, Singapore, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Philippines và Việt Nam sẽ thảo luận đề nghị của Manila về việc "xây dựng khu vực biển Tây Philippines - tức Biển Đông - đang có tranh chấp, thành một Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác trong khuôn khổ luật pháp ", gọi tắt là ZoPFF/C.
Việc tổ chức cuộc hội thảo đã được quyết định tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 44 ở Bali, Indonesia mới đây, nhằm nghiên cứu đề xuất của Philippines với sự trợ giúp của các chuyên gia về luật biển.
Theo thông báo của bộ Ngoại giao Philippines, cuộc hội thảo giúp thiết lập một sự hiểu biết chung giữa các nước thành viên ASEAN về đề xuất của Philippines.
Những ý kiến rút ra từ sau cuộc hội thảo sẽ được báo cáo lên Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN và sau đó được soạn thảo thành các khuyến nghị trình lên các Ngoại trưởng ASEAN trước khi có Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 được tổ chức trong tháng 11 năm nay tại Bali, Indonesia.
Ngoại trưởng Philippines cho biết, trong đề xuất về việc xây dựng "Khu vực Hòa Bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác", những nơi đang có tranh chấp về chủ quyền trong vùng quần đảo Trường Sa được tách ra khỏi những vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo bản dự thảo, thì những nơi đang có tranh chấp có thể được chuyển thành khu vực cùng hợp tác khai thác, còn những nơi không có tranh chấp sẽ chỉ chịu sự tài phán của nước có chủ quyền.
Quần đảo Trường Sa được đánh giá là nơi có trữ lượng tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ dồi dào, đồng thời cũng là khu vực mà nhiều nước tuyên bố có chủ quyền như Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei. Trong khi đó, các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh chiếm hầu hết quần đảo này.
Trong vài tháng gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philppines xung quanh các tranh chấp về chủ quyền quần đảo Trường Sa gia tăng, đặc biệt là khi Bắc Kinh đẩy mạnh các họat động quân sự và các động thái chứng tỏ chủ quyền của mình trong khu vực đang có tranh chấp. Philippines đã không ít lần dọa đưa vấn đề Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc hoặc kiện lên Tòa án Quốc tế.
Cho đến nay, các bên liên quan vẫn chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét