Trong lúc đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, 2 tàu cá của ngư dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc khống chế, đập phá, chặt cột cờ và lấy đi nhiều tài sản
Ngày 10-7, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết sáng 9-7, 2 tàu cá mang số hiệu QNg 96787 TS của ông Võ Minh Vương và QNg 90153 TS của ông Mai Văn Cường, cùng ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, đã cập cảng Lý Sơn trong tình trạng ngư cụ cùng nhiều vật dụng trên tàu hỏng hóc do bị đập phá. Ngay sau đó, lực lượng Đồn Biên phòng Lý Sơn đã đến hiện trường, kiểm tra và lập biên bản vụ việc.
Bị đánh ngất xỉu
“Qua xác minh ban đầu, khi hoạt động bình thường tại vùng biển Hoàng Sa, 2 tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 của huyện Lý Sơn đã bị tàu mang số hiệu 306 của Trung Quốc truy đuổi, khống chế và lấy đi nhiều tài sản” - ông Nguyên cho biết.
Thuyền trưởng Mai Văn Cường kể lại: Khoảng 9 giờ ngày 6-7, khi tàu của ông cùng 14 ngư dân đang đánh bắt hải sản tại đảo Cây (quần đảo Hoàng Sa) thì bất ngờ xuất hiện tàu màu trắng mang số hiệu 306 của Trung Quốc tiến đến. Lúc này, cách đó không xa còn có tàu của ông Võ Minh Vương cũng đang đánh bắt. Thấy tàu 306, 2 tàu QNg 96787 TS và QNg 90153 liền nhổ neo để tránh đụng độ. “Ngay sau đó, tàu 306 đuổi theo tàu của anh Vương, đồng thời thả xuống biển một ca nô đuổi theo tàu của tôi. Khoảng 15 phút sau, tàu của tôi chết máy nên họ đuổi kịp. Ba người mặc đồng phục trên ca-nô cầm dùi cui, nói tiếng Hoa nhảy sang tàu chúng tôi, đẩy toàn bộ anh em trên tàu về phía mũi và buộc lấy tay ôm đầu, cúi xuống đất… Nếu ai phản ứng hay ngước lên nhìn liền bị đánh. Sau đó, tàu 306 cũng khống chế được tàu ông Vương rồi ép tàu này áp sát tàu của tôi” - ông Cường thuật lại.
Tiếp lời, ông Mai Văn Lê, máy trưởng tàu QNg 90153 TS, cho biết sau khi khống chế, từ tàu 306, khoảng 30 người mặc 3 loại đồng phục: áo trắng quần xanh và quân phục rằn ri nhảy tiếp sang tàu ông Cường lấy đi máy ICOM, máy dò, máy định vị, 2 thùng dầu diesel và khoảng 2 tạ cá cùng hải sâm… Trong lúc đó, tàu ông Vương cũng bị những người Trung Quốc lấy đi các vật dụng tương tự. Rồi những người của tàu 306 chặt đứt dây neo, đập phá máy móc trên tàu và đáng nói hơn là họ còn chặt cột cờ của cả 2 tàu cá và ném xuống biển. “Khi thấy họ chặt cột cờ, tôi đưa tay ra dấu ngăn cản thì bị một người mặc quân phục dùng dùi cui đánh liền 3 cái” - ông Lê cho biết.
Theo ông Vương, sau khi khống chế, lực lượng của tàu 306 dồn ép 15 người trên tàu về mũi tàu rồi đánh đập không thương tiếc… “Tôi vung tay phản kháng thì bị họ đánh ngất xỉu” - ông Vương kể lại.
Theo ông Lê, sau khi tàu 306 bỏ đi, những người trên 2 tàu của Lý Sơn cố gắng tìm lại các lá cờ nhưng chỉ tìm được một lá. Theo quan niệm của ngư dân, lá cờ là biểu tượng gắn bó của con tàu với đất liền nên việc mất cờ là hệ trọng.
Ông Mai Văn Lê, máy trưởng tàu QNg 90153 TS, bên chùm dây neo bị những người Trung Quốc chặt đứt Ảnh: TỬ TRỰC
Thiệt hại lớn
Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó Đồn Biên phòng Lý Sơn, cho biết sau khi xác minh, bước đầu, chúng tôi xác định việc 2 tàu cá của Lý Sơn bị tàu 306 lấy ngư lưới cụ, phá tài sản, chặt cột cờ, đánh đập ngư dân… là sự thật. Đồn Biên phòng Lý Sơn đã có báo cáo gửi UBND huyện Lý Sơn cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi để có ý kiến can thiệp, bảo vệ quyền lợi của ngư dân.
Cuối giờ chiều 10-7, ông Trần Ngọc Nguyên cho biết vừa hoàn tất báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc 2 tàu cá của Lý Sơn bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, lấy phương tiện hành nghề. Tổng thiệt hại của 2 tàu QNg 96787 TS và QNg khoảng 500 triệu đồng. Cũng theo ông Nguyên, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại giao đấu tranh với phía Trung Quốc để họ không có những hành động, thủ đoạn phá hoại ngư dân Việt Nam khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta.
Mong được can thiệp
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn), nói: “Nhiều lần trước đây, tàu cá của bà con ngư dân trong nghiệp đoàn chúng tôi hoạt động ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng bị tàu Trung Quốc ngăn cản, dùng những hành động vô nhân đạo như lấy vòi rồng xịt nước cho tàu chìm, bắn đạn pháo cho cháy tàu... Bà con ngư dân rất mong các ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ, có biện pháp can thiệp, bảo vệ ngư dân trên biển. Hoàng Sa là của Việt Nam nhưng khi ngư dân mình đánh bắt ở đây thì bị Trung Quốc bắt bớ, lấy ngư cụ… là quá vô lý”.
|
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 10-7, ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động vi phạm quyền chủ quyền vùng biển Việt Nam cũng như việc đánh đập, xâm phạm nghiêm trọng tài sản của ngư dân Việt Nam.
Theo ông Mưu, việc người trên tàu của Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực tấn công và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam lần này leo thang hơn những lần trước; mang tính hệ thống, thể hiện ý đồ xâm lược biển đảo nước ta; đi ngược lại tinh thần hữu nghị, hòa hảo của 2 dân tộc.
"Đây là hành động vô nhân đạo của phía Trung Quốc. Họ không chỉ cướp tài sản mà còn đánh đập ngư dân. Hành động này không thể chấp nhận. Họ đã vi phạm chủ quyền vùng biển đảo của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)" - ông Mưu khẳng định.
Ông Mưu cho rằng ngư dân Việt Nam cũng đang rất trông chờ vào các lực lượng bảo vệ, bảo đảm an toàn cho họ đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Hôm nay (11-7), Hội Nghề cá Việt Nam sẽ có văn bản chính thức gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Ngoại giao để phản đối phía Trung Quốc về việc vi phạm chủ quyền biển đảo và tấn công ngư dân Việt Nam.
V.Duẩn
|
Bài và ảnh: TỬ TRỰC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét