Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Trung Quốc đứng đầu danh sách trong việc ép giá, hủy hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam. Hơn 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy từ Trung Quốc từ đầu năm đến nay.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu được khoảng 2,78 triệu tấn gạo, đạt hơn 1,2 tỷ USD. Đặc biệt, trong cả 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo có xu hướng giảm ở hầu hết các thị trường. Trong khi đó, giá xuất khẩu gạo cũng tụt dốc với giá bình quân chỉ đạt khoảng 435 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, Trung Quốc đứng đầu danh sách trong việc ép giá, hủy hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, đã có tới hơn 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy từ Trung Quốc. Chưa kể, thị trường này còn liên tục “ăn gian” khi một số doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng và gạo thơm, sau đó bán dưới “mác” gạo thơm để trục lợi.
Cũng theo ông Phong, hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 1/3 lượng gạo xuất khẩu. Thế nhưng, thị trường này không ổn định và luôn chứa nhiều rủi ro. Đơn cử, trong năm 2012, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc tăng bất thường với gần 2,2 triệu tấn, gấp 10 lần so với năm 2011. Chưa kể còn hơn 500 tấn được xuất qua đường tiểu ngạch. Dự kiến, trong năm 2013, Trung Quốc sẽ nhập khoảng 3 triệu tấn gạo.
Đứng sau Trung Quốc là thị trường Châu Phi. Lý do VFA đưa ra khi bị ép giá ở thị trường này là do phải cạnh tranh với giá gạo từ Ấn Độ. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đành phải kéo giá xuống thấp để giữ thị trường trọng điểm.
Trong khi đó, tồn kho trong nước vẫn còn nhiều, khoảng 2,8 triệu tấn. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thu mua tạm trữ và tiêu thụ 1 triệu tấn gạo hè thu sắp tới sẽ không thể đảm bảo cho nông dân có lời, thậm chí cả doanh nghiệp và người dân đều phải gánh lỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét