Vừa qua, thanh tra sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện tại phòng khám Hiệp Hòa (đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TP. HCM), nhiều bác sỹ người Trung Quốc đang khám bệnh chui, không có chứng chỉ hành nghề, không xuất trình được bằng cấp...
Dư luận đặt câu hỏi, ai đã tiếp tay cho họ? Để tìm hiểu vấn đề trên, PV báo điện tửNgười đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Mai Văn Viện - khoa Phẫu thuật lồng ngực, bệnh viện Quân y 103 Hà Đông - Hà Nội.
Ảnh hưởng tới bác sỹ chân chính
Thưa ông, ngày càng nhiều bác sỹ nước ngoài hành nghề trái phép gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân (cái chết của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Ph. tại phòng khám Maria (Hà Nội) là một minh chứng). Dư luận đặt câu hỏi vì sao những bác sỹ này lại ngang nhiên hoạt động dễ dàng như vậy?
Trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Ph. bị tử vong tại phòng khám Maria, không chỉ gây bức xúc với người nhà nạn nhân mà với nhiều người khác từng đến thăm khám, điều trị tại đó. Sự việc được đẩy đến đỉnh điểm khi vừa qua thanh tra sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, phát hiện những sai phạm tái diễn của phòng khám Hiệp Hòa tại tòa nhà số 31A - 31 - 31B, đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TP.HCM) và phát hiện nhiều người Trung Quốc khám chữa bệnh trái phép tại đây.
Không chỉ người dân, những nạn nhân đã bị thiệt hại về tính mạng và sức khỏe mà sự bức xúc, xen lẫn căm phẫn trong đó có cả đội ngũ bác sỹ, trong Nam ngoài Bắc. Những người bác sỹ chân chính đang ngày đêm làm việc đem tâm huyết, trình độ khả năng của mình để chữa trị, phục vụ cho bệnh nhân. Vì sao một người có hiểu biết về kiến thức chuyên môn lại đi thuê những người ngoại quốc không bằng cấp, không chứng chỉ để hành nghề mà hành nghề một cách ngang nhiên như vậy?
Một bác sỹ sau khi tốt nghiệp đại học Y với thời gian học tập là 6 năm, sau đó phải có thời gian thực tập, làm việc tại một chuyên khoa 3 năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa đó. Việc bác sỹ người Trung Quốc không có chứng chỉ hành nghề, ngang nhiên hoạt động trái phép, chúng ta phải thẳng thắn nói rằng, đó là sự quản lý lỏng lẻo từ khâu cấp phép. Thêm vào đó là sự tiếp tay của một số bác sỹ người Việt Nam, tôi lấy ví dụ: Ở nước ngoài, một người muốn hành nghề làm tóc, hay đơn giản là làm móng tay, họ đều phải có chứng chỉ hành nghề, khi đó mới được phép hành nghề.
Mặc dù làm tóc và móng tay không gây ảnh hưởng tới tính mạng con người, nhưng hành nghề y là liên quan đến tính mạng, sức khỏe của mỗi con người. Tiếc là vì tiền mà người ta đã bất chấp tất cả, điều đó không chỉ khiến tôi mà tất cả những người bác sỹ chân chính, đều cảm thấy bị xúc phạm. Bên cạnh sự lên án, chúng ta cũng cần có những chế tài xử phạt thích đáng đối với những bác sỹ cố ý làm trái quy định của ngành, của pháp luật.
Dư luận cho rằng, việc xảy ra những sai phạm tày trời gây hậu quả khôn lường thậm chí là chết người, nhưng lại không xử lý được do “đối tượng chính” đã cao chạy xa bay hoặc khâu kiểm tra có vấn đề. Ý kiến của ông thế nào?
Trên thực tế hiện tượng đó có thật. Tuy nhiên, việc xử lý lại rất phức tạp và bất cập, bởi ai sẽ chứng minh được cơ quan chức năng đến kiểm tra, một cách qua loa? Chính vì những sự việc đó diễn ra không phải là hiếm, những kẻ cơ hội, chụp giật đã sẵn sàng tận dụng kẽ hở này để làm tiền trên những người bệnh nhẹ dạ và kém hiểu biết. Việc những bác sỹ rởm người Trung Quốc cao chạy xa bay, chưa phải đã trốn tránh được trách nhiệm bởi chúng ta có quyền yêu cầu nước bạn về hợp tác quốc tế, cùng hợp tác để truy bắt những bác sỹ rởm. Tuy nhiên, việc làm đó không hề đơn giản, khi mà từ khâu cấp phép, những người có trách nhiệm, có thẩm quyền đã buông lỏng, xem xét hồ sơ một cách sơ sài. Đồng thời, người dân cũng cần phải cảnh giác cao, nếu có thể kết hợp với cơ quan chức năng, phát giác những cán bộ làm tiền để ngăn chặn kịp thời xử lý.
Lỗi trước tiên thuộc về cơ quan cấp phép
Trên thực tế một số phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc, sau một thời gian hành nghề tại Việt Nam đã bộc lộ quá nhiều sai phạm. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bị đóng cửa, họ chuyển sang dạng phòng khám đa khoa, thuê người Việt đứng tên nhằm đánh lạc hướng người bệnh và cơ quan quản lý. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Như tôi đã nói ở phần trên, trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý, cơ quan cấp phép, cho phép phòng khám hoạt động phải có kiểm tra về phương thức hoạt động, xem phạm vi hoạt động của phòng khám được làm những gì. Nếu cơ quan cấp phép cho phòng khám, thì phòng khám chỉ được phép khám bệnh, nhưng lại thực hiện phẫu thuật hay điều trị bệnh nhân là sai quy định. Ngoài ra việc kiểm tra phải thường xuyên đối với phòng khám tư, vì đó là trách nhiệm của thanh tra y tế cấp sở. Việc để xảy ra những sai phạm, thuê người Việt đứng tên... lỗi trước tiên thuộc về cơ quan cấp phép.
Mặt khác, khi xảy ra sai phạm các cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính, phạt tiền tôi cho là không có tính răn đe phòng ngừa. Để đảm bảo tính tự tôn pháp luật của người dân, việc sai phạm của các phòng khám tư phải được xem xét cụ thể, tùy theo mức độ để xử lý.
Trường hợp bác sỹ người Trung Quốc không có bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề, gây chết người, ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân còn phải truy tố trước pháp luật. Đặc biệt là người đứng đầu phòng khám phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý rất nặng. Chỉ có như vậy mới đảm bảo, không có việc tái diễn các phòng khám bị đóng cửa, những nhân viên hành nghề trái pháp luật, lại núp bóng dưới phòng khám khác, để che mắt người dân tiếp tục hành nghề.
Xin cảm ơn ông!
Lương Liễu - Trần Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét