Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

20 năm sau mới trả hết nợ:Khai thác bôxit: nguy cơ thua lỗ nặng nề

TT - Trước công bố mới nhất về các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của hai dự án bôxit Tây nguyên, với tư cách chuyên gia, TS Nguyễn Thành Sơn - giám đốc Ban quản lý dự án đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) - cho rằng:

- Nếu căn cứ vào số liệu mới công bố của TKV, dự án Tân Rai vẫn khó có hiệu quả kinh tế - xã hội, dự án Nhân Cơ còn thua lỗ nặng nề hơn Tân Rai. Chỉ đơn cử, TKV công bố dự án Tân Rai có các loại thuế phải nộp bình quân 422 tỉ đồng/năm. Số tiền này tính ra tương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và phí môi trường. Trong khi đó, theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế xuất khẩu quặng nhôm là từ 15-40%. Giả sử dự án xuất khẩu alumina được ưu đãi áp dụng thuế xuất khẩu thấp nhất là 15%, số tiền thuế phải nộp ít nhất đã là 752 tỉ đồng/năm. Trong vòng 30 năm, nếu theo tính toán của TKV, ngân sách nhà nước sẽ thất thu ít nhất 22.560 tỉ đồng. Nếu tính đủ cả chi phí trên, dự án Tân Rai không thể có hiệu quả, lợi nhuận như TKV công bố.

Nhiều mâu thuẫn
"Tôi cho rằng với dự án Tân Rai đã hoàn thành, chúng ta cần làm rõ các thông số cam kết của nhà thầu, công khai và minh bạch về chi phí đầu tư, giá thành tính đúng, tính đủ... Dự án Nhân Cơ trước mắt nên dừng lại vì chắc chắn dự án Nhân Cơ còn kém hiệu quả hơn Tân Rai"
TS Nguyễn Thành Sơn
* Như vậy, ông đánh giá thế nào về hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung?
- Theo số liệu mới, tổng mức đầu tư của cả hai dự án là khoảng 30.000 tỉ đồng (khoảng 1,5 tỉ USD), nhưng chỉ tạo ra được 1.500 việc làm. Như vậy, để tạo ra một chỗ làm việc, các dự án bôxit cần đầu tư đến gần... 1 triệu USD/người. Trong khi số tiền 1,5 tỉ USD này nếu đầu tư cho cây công nghiệp sẽ tạo ra hàng triệu việc làm để góp phần ổn định đời sống của 6 triệu người dân trên Tây nguyên.
* TKV cho biết khoảng 12 năm sau, hai dự án bôxit sẽ thu hồi được vốn, dù thời gian dự tính lỗ sẽ 5-7 năm. Ở đây có điều gì mâu thuẫn không?

- Có khá nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn lớn nhất là dù sử dụng tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân để xuất khẩu, nhưng TKV - một doanh nghiệp nhà nước - lại tính thuế xuất khẩu bằng 0% (trong khi Quốc hội quy định ít nhất là 15%). Nếu theo công bố của TKV, tổng giá trị lỗ trong năm năm của dự án Tân Rai là 1.019 tỉ đồng, trong khi tổng vốn phải thu hồi của Tân Rai là 15.172 tỉ đồng. Như vậy, nếu Tân Rai chỉ lỗ năm năm thì trong bảy năm tiếp theo, dự án Tân Rai sẽ phải có lợi nhuận sau thuế bình quân 2.313 tỉ đồng/năm. Con số lợi nhuận sau thuế lớn như vậy, với một ngành công nghiệp như bôxit là rất hiếm thấy. TKV cũng chưa cho thấy cơ sở khoa học của cách tính này.
* Ông có khẳng định trong bài tham luận hội thảo rằng công nghệ khí hóa than của dự án Tân Rai lạc hậu khoảng 1/2 thế kỷ. Điều này ông rút ra từ đâu và nó nói lên điều gì?
- Các số liệu trong tham luận của tôi được lấy từ cam kết của nhà thầu. Theo cam kết của nhà thầu, để sản xuất 1 tấn alumina cần tiêu hao 679kg than, 74kg xút, 49,26kg vôi, 7m3 nước và 2,737 tấn quặng tinh. Riêng chi phí về than đã chiếm khoảng 26,5% giá thành alumina. Đặc biệt, chi phí cho khâu khai thác bôxit của TKV cũng khá đắt, lên tới khoảng 38 USD/tấn alumina. Điều này nói lên công nghệ của dự án Tân Rai lạc hậu nên tiêu hao nhiều than, tiêu hao rất nhiều nước và tiêu hao nhiều quặng bôxit (tổn thất tài nguyên lên tới hơn 50%).
* Với chi phí nguyên, nhiên liệu như vậy, ngay cả khi giá alumin thế giới tăng thì các nhà máy bôxit Tây nguyên cũng khó lòng cạnh tranh được với các nhà máy alumin khác trên thế giới?
- Rất khó có thể cạnh tranh được. TKV tính toán hiệu quả kinh tế với khẳng định giá bán sẽ tăng khoảng 1,21%/năm. Trong tham luận của mình, tôi dự báo và tính mức tăng giá bán còn cao hơn (1,26%/năm), nhưng nếu tính đúng, tính đủ các chi phí khác thì phải nói thật là chưa thấy có kịch bản nào có hiệu quả kinh tế.
* Sắp tới, hai dự án bôxit có thể sẽ có thêm nguồn thu vì TKV cho biết sẽ thu hồi được sắt từ bùn đỏ. Điều này sẽ tăng hiệu quả dự án?
- Về xử lý bùn đỏ, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN “đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ”. Trên thế giới, những dự án/đề tài thí điểm kiểu như vậy đã “thành công” rất nhiều nhưng chỉ trong quy mô thí nghiệm thôi. Thực tế, quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng ôxít sắt còn cao hơn 2-3 lần so với bùn đỏ, nằm ngay sát bờ biển sao không làm? Nếu TKV tiến hành thu hồi quặng sắt từ bùn đỏ, tôi sợ rằng sẽ thêm một khâu lỗ nữa cho dự án alumina vì giá thành sản phẩm sắt xốp từ thu hồi bùn đỏ sẽ rất cao...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét