Bốn trong số năm quan chức bị cáo buộc đứng sau vụ hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã được Viện kiểm sát Hải Phòng đề nghị mức án treo trong ngày xét xử thứ hai 9/4.
Bị cáo duy nhất bị đề nghị mức án tù là ông Nguyễn Văn Khanh, cựu phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, với mức án đề xuất là từ 30 tháng đến ba năm.
Chủ đề liên quan
Bị cáo Khanh chính là người được ông Đoàn Văn Vươn với tư cách bị hại xin giảm nhẹ hình phạt trước Tòa.
Trước khi phiên tòa diễn ra, vợ ông là bà Nguyễn Thị Thương và em dâu ông là bà Phạm Thị Báu, cũng có đơn xin giảm tội cho ông Khanh.
Trong khi đó, gia đình ông Vươn lại khẳng định ông Lê Văn Hiền, cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng, là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc cưỡng chế cũng như hủy hoại tài sản gia đình ông.
Ông Vươn được báo chí trong nước dẫn lời yêu cầu xử nặng ông Lê Văn Hiền.
Nhẹ hơn điều luật
Tuy nhiên, mức án treo được đề xuất cho ông Hiền là 15-18 tháng, thấp hơn nhiều so với khung hình phạt cho tội danh của ông là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Cùng mức án trên với ông Hiền là ông Phạm Đăng Hoan, cựu bí thư xã Vinh Quang.
Các bị cáo còn lại, bao gồm ông Phạm Xuân Hoa, cựu trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện và ông Lê Thanh Liêm, cựu chủ tịch xã, cùng đối diện mức án treo là 24-30 tháng.
Như vậy, cựu chủ tịch Hiền, người được cho là đứng đầu trong vụ thu cưỡng chế khu đầm nhà ông Vươn, được đề nghị mức án nhẹ nhàng nhất.
Lý do một phần là vì ông chỉ bị truy tố tội ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ chứ không bị truy tố tội ‘Hủy hoại tài sản’ như các thuộc cấp của ông.
Không chỉ ông Hiền, mà các cựu quan chức Tiên Lãng khác cũng được đề nghị mức án nhẹ hơn nhiều so với luận tội ban đầu trong bản cáo trạng. Theo đó ba ông Khanh, Liêm, Hoa có thể bị tù từ 7 đến 15 năm còn ông Hoan là từ 2 đến 7 năm.
Theo tường thuật của truyền thông trong nước, thì căn cứ mà bên Công tố đưa ra để giảm nhẹ hình phạt là các bị cáo này đã tự bỏ tiền đền bù thiệt hại cho gia đình ông Vươn, thành khẩn khai báo và từng nhận bằng khen.
Chối tội
Cũng theo theo tường thuật của báo chí trong nước, thì tại phiên tòa ông Lê Văn Hiền đã một mực bác bỏ có vai trò trong vụ phá dỡ nhà của anh em Vươn-Quý trong khi ông Nguyễn Văn Khanh cáo buộc ông Hiền có biết và bật đèn xanh cho kế hoạch này.
Mặc dù là người ra quyết định cưỡng chế và thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế nhưng ông Hiền không trực tiếp đến hiện trường mà giao cho ông Khanh thực hiện.
Ông Khanh khai rằng ông đã gửi bản thông báo về việc thực hiện cưỡng chế có nội dung ‘tháo dỡ’ cho ông Hiền để báo cáo trước khi thực hiện cưỡng chế nhưng ‘ông Hiền không có ý kiến’ gì, theo bản tin trên VOV.
Trong khi đó, ông Hiền khẳng định ông Khanh là người ra thông báo này nên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Phần ông chỉ nhận trách nhiệm trong việc thiếu ‘kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo’ cưỡng chế mà thôi.
Tờ Người Lao Động còn cho biết ông Khanh khai trước tòa rằng chủ trương phá nhà đã được ra trong một cuộc họp bàn về vụ cưỡng chế do ông Hiền chủ trì. Bản thân ông Khanh khi đó đã ‘không đồng tình’ với việc phá nhà này nhưng ‘phải chấp hành vì đó là Nghị quyết của tập thể’.
Căn cứ vào bản thông báo mang số 225 do ông Khanh ban hành có nội dung chỉ đạo ‘tháo dỡ’ khu vực cưỡng chế, bên Công tố xác định ông Khanh là người chủ mưu vụ việc này.
‘Không nhận thức được’
Phân tích tội của các bị cáo, Viện kiểm sát cho rằng phó Chủ tịch Khanh có vai trò chỉ đạo, Trưởng phòng Hoa điều hành, Chủ tịch xã Liêm chuẩn bị máy móc và nhân lực còn Bí thư xã Hoan góp sức trong việc phá dỡ nhà của anh em ông Vươn.
Ba bị cáo Hoa, Liêm và Hoan đã khai trước tòa rằng họ chỉ làm theo lệnh của ông Khanh và ‘không nhận thức được đúng sai’ của quyết định cưỡng chế cũng như nội dung Thông báo 225 của ông Khanh.
Viện công tố xác định thiệt hại của gia đình hai ông Vươn và Quý là 295 triệu đồng mà bốn bị cáo bị cáo buộc ‘hủy hoại tài sản’ phải bồi thường. Trước đó, ba bị cáo Hoa, Liêm và Đăng đã tự nguyện bồi thường mỗi người 70 triệu đồng do ‘nhận thức rõ trách nhiệm’.
Tuy nhiên báo Dân Trí dẫn lời ông Vươn nói trước Tòa rằng ông không đồng ý với mức định giá tài sản của ông như vậy.
Theo đó, ông Vươn cho biết ông phải mất 8 năm đầu tư với hàng chục tỷ đồng vào khu đầm thì mới đưa vào sản xuất nhưng sau đó ông lại nhận quyết định thu hồi của huyện Tiên Lãng. Hiện nay gia đình ông còn mắc nợ đến 5 tỷ đồng, Dân Trí dẫn lời ông nói.
Nói với BBC hôm qua ngày 8/4, luật sư Trần Vũ Hải cho biết phải xử các quan chức này tội ‘thu hồi và cưỡng chế trái phép’ chứ không phải chỉ là tội ‘Hủy hoại tài sản’ và ‘Thiếu trách nhiệm’ như hiện nay.
Phải như thế thì gia đình ông Vươn ‘mới đòi bồi thường thiệt hại một cách đầy đủ được’, ông Hải nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét