Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013
Bài phát biểu của blogger Huỳnh Ngọc Chênh tại buổi trao giải thưởng Netizen 2013
Thưa toàn thể quý vị.
Tôi thật sự bất ngờ khi có mặt tại buổi lễ hết sức trân trọng nầy. Vì ở đất nước tôi nhiều quyền tự do được Hiến Pháp công nhận nhưng vẫn bị nhà cầm quyền tìm cách nầy cách khác hạn chế. Trong vòng 2 năm trở lại đây có khá nhiều blogger không được phép đi ra nước ngoài để du lịch, để chữa bệnh, để dự hội thảo, hoặc để nhận các giải thưởng quốc tế như tôi mà không có lý do. Đó là các blogger Đào Hiếu, Người Buôn Gió, Nguyễn Hoàng Vi, J.B Nguyễn Hữu Vinh, Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Uyên Vũ, Lê Quốc Quân…
Do vậy sự có mặt của tôi ở đây là một bất ngờ. Có thể là do uy tín của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF cũng như của tập đoàn Google, là hai tổ chức đã sáng lập và bảo trợ cho giải thưởng cao quý nầy. Và cũng có thể là do những cuộc vận động đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ ở nước tôi đang diễn ra khá sôi động thông qua việc góp ý sửa đổi Hiến Pháp đã có những tác dụng nhất định lên giới cầm quyền.
Xin nói thêm về cuộc vận động đấu tranh cho Nhân Quyền và Dân Chủ đang diễn ra khá mạnh mẽ ở đất nước tôi. Cách đây ba năm, khi blogger, luật sư Cù Huy Hà Vũ qua các bài viết đề nghị đa đảng để dân chủ hóa liền bị kết án trên 10 năm tù, thì nay, khi tôi có mặt ở đây, bên nước tôi đã có nhiều tổ chức với tổng số gần 20 ngàn người ký tên vào các bản kiến nghị yêu cầu xóa bỏ điều bốn trong Hiến Pháp và yêu cầu đa đảng mà không phải e dè sợ hãi.
Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu nầy. Ấy là mạng internet. Mạng internet đã giúp người dân chúng tôi nói lên tiếng nói và nguyện vọng đích thực của họ trong hoàn cảnh tự do ngôn luận bị bóp nghẹt.
Như quý vị đã biết ở đất nước tôi không hề có báo tư nhân, chỉ có cơ quan của nhà nước hoặc của đảng cầm quyền mới được ra báo và lập đài phát thanh - truyền hình. Do vậy 700 cơ quan báo đài đều nằm dưới quyền kiểm soát của những đảng viên CS tin cậy. Thông tin đăng tải trên các cơ quan báo đài ấy đi theo định hướng của đảng cầm quyền. Tiếng nói và nguyện vọng của nhiều người dân vì thế mà không có nơi để xuất hiện.
May thay mạng internet xuất hiện và các blogger ra đời. Ban đầu các blogger tiên phong tuy còn rất ít ỏi nhưng họ là những mũi kim nhọn đâm những lỗ thủng đầu tiên vào bức màng bưng bít thông tin ở đất nước tôi. Và nhiều người trong số họ phải trả giá cho sự dũng cảm ấy, họ đã và đang bị ngồi trong nhà tù, trong trại cải tạo, bị quản thúc và thậm chí bị cưỡng bức vào nhà thương điên nữa. Đó là các blogger và các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa: Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đan Quế, Phạm Bá Hải, Nguyễn Văn Đài, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Phạm Minh Hoàng, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim, Nhạc sỹ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Lê Anh Hùng,… Và lớp trẻ sau nầy như Nguyễn Phương Uyên, Paul Lê Sơn và nhóm thanh niên công giáo ở Vinh…
Những hy sinh ấy đã không uổng công. Ngày nay những blogger và những người đấu tranh cho dân chủ đã phát triển lên thành một lực lượng lớn mạnh và rộng khắp mà nhà cầm quyền không thể nào ngăn cản nổi. 2 vạn chữ ký và sẽ còn nhiều hơn nữa đòi xóa bỏ điều bốn đã nói lên điều đó. Hàng trăm trang blog cổ xúy cho đổi mới, cổ súy tự do ngôn luận, cổ súy dân chủ thu hút lượng người đọc khổng lồ và kết nối với nhau thành một hệ thống báo chí mà chúng tôi gọi là báo lề dân, tồn tại lớn mạnh song song bên cạnh hệ thống báo chí do nhà nước kiểm soát được gọi là báo lề đảng.
Trong cái nền vững vàng ấy tôi được phát triển lên. Những lá phiếu từ khắp nơi trên thế giới bầu cho tôi để tôi trở thành công dân mạng chính là những lá phiếu dành cho phong trào đấu tranh cho quyền công dân trong đó có quyền tự do ngôn luận đang lớn mạnh lên hàng ngày trên đất nước chúng tôi.
Xin dành vinh quang nầy cho những người đi tiên phong đã và đang bị trả giá trong nhà tù và cho tất cả những người bạn đồng hành của tôi đã giúp đỡ và tạo đà cho tôi.
- Để nhận được giải thưởng cao quý nầy, tôi đã nhận được sự ủng hộ của các blogger, các bạn trẻ yêu nước tại Việt Nam cũng như các bạn khác tại hải ngoại. Những lá phiếu các bạn dành cho tôi chính là những lá phiếu góp phần động viên một phong trào đang vươn lên lớn mạnh ở Việt Nam, phong trào của những người viết báo tự do, những người sẵn sàng đối đầu với những khó khăn để đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận chính đáng. Cám ơn các cơ quan truyền thông như VOA, BBC, RFI, RFA, SBTN… đã tích cực đưa tin và viết bài về tôi cũng như về sự kiện bầu chọn công dân mạng, nhờ vậy mà giải thưởng lần nầy đã gây ra tiếng vang rộng lớn tạo ra nguồn động viên to lớn cho phong trào đấu tranh cho sự tiến bộ ở trong nước tôi.
- Riêng với cá nhân tôi, từ khi nhận được giải thưởng cao quý nầy tôi đã cảm nhận được sự tin yêu của bạn đọc khắp nơi dành cho blog Huỳnh Ngọc Chênh của tôi. Sau khi được tin tôi trúng giải thưởng Netizen, số lượt người vào đọc hàng ngày tăng từ 15 ngàn lên 20, có khi 25 ngàn lượt.
- Cám ơn tập đoàn Google, tập đoàn về mạng to lớn, phủ khắp toan cầu, là kho tri thức khổng lồ mà những người viết báo chúng tôi luôn cần đến. Thật xứng đáng khi Google đã kết hợp với RSF tổ chức ra giải thưởng cao quý nầy để hàng năm trao cho những người hoạt động vì sự tự do báo chí trên toàn cầu thông qua hệ thống mạng internet.
- Xin chân thành cám ơn tổ chức RSF, đã có mạng lưới rộng lớn trên toàn thế giới, là chỗ dựa quan trọng cho những người cầm bút tự do, nhất là những nhà báo trong những đất nước bị bóp nghẹt tự do ngôn luận. Giải RSF là nguồn động viên to lớn cho những blogger ấy.
- Cám ơn bà bộ trưởng truyền thông Pháp Fleur Pellerin người đại diện cho chính quyền Pháp có mặt tại buổi lễ nầy. Sự có mặt của bà là một vinh dự rất lớn cho buổi lễ. Chúc bà sức khỏe. Chúc nước Pháp mãi mãi là ngọn cờ đi đầu trong việc đấu tranh cho quyền của con người.
Dân Luận
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét