Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Hai đêm, 20 triệu ???


Bùi Tín 31.10.2012
Vào giữa tháng 10, báo chí Úc và Anh lại nói thêm về vụ án Securency đã kéo dài 4 năm nay. Tòa án Úc lại triệu tập bà Elizabeth Masamune, nguyên là tham tán thương mại của tòa đại sứ Úc ở Hà Nội, để làm nhân chứng trong việc điều tra vụ án hối lộ cho viên chức nước ngoài để dành được quyền thuê in tiền đồng Việt Nam trên giấy đặc biệt polymer.
Một số quan chức Úc đã bị truy tố và kết án sau khi đã có bằng chứng và họ đã nhận tội. Nay tòa án Úc lại muốn điều tra thêm để giải quyết vụ án cho trọn vẹn.

Hồi tháng 9, trước cơ quan điều tra và đại diện tòa án Úc, bà Elizabeth Masamune khai rõ là bà đã làm môi giới giữa công ty Securency và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với người được ủy nhiệm là ông Lương Ngọc Anh mà bà gặp nhiều lần ở Hà Nội và ở Sydney, Úc. Mối quan hệ kéo dài từ năm 1999 đến năm 2002. Một tờ báo lớn ở Úc, The Age, đã có 3 bài về chuyện này.

Bà Masamune kể lại tỷ mỷ rằng lúc đầu bà chỉ biết ông Lương Ngọc Anh là một cán bộ hành chính cao cấp của chính phủ Hà Nội. Cho đến khi bà ngẫu nhiên gặp ông Anh trong bộ quân phục sỹ quan công an, bà mới giật mình là mình đã quan hệ với một viên chức ngành an ninh - tình báo. Nhưng lúc ấy quan hệ qua lại đã khá sâu rồi. Bà cho biết tổng cộng số tiền chuyển cho phía quan chức Việt Nam để hối lộ là 20 triệu đôla Úc (tương đương với khoảng 20 triệu đôla Mỹ). Phía Úc hiểu rằng đó là số tiền hoa hồng, “lại quả để biếu chẳng những cho các quan chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà cho cả các quan chức cao nhất trong chính phủ và trong đảng Cộng sản.

Bị chất vấn sâu thêm, bà Masamune tiết lộ về quan hệ tình cảm riêng tư với ông Anh, như ông Anh đã nhiều lần biếu bà những món quà đắt tiền, như nước hoa hảo hạng và cả tivi loại sang, để mong có đi có lại. Bà cũng thú nhận đã có hai lần chăn gối với ông này.

Cho đến nay phía Việt Nam vẫn tảng lờ như không có vụ án này - khi thì làm như đó là chuyện vu vơ không có bằng chứng gì rõ rệt, khi thì Bộ Tư pháp nói lấp lửng là tài liệu phía Úc gửi sang chưa có gì là cụ thể, khi thì đánh lạc hướng là tài liệu gửỉ sang quá nhiều, cần phải có thời gian để dịch cho đầy đủ.

Trong khi báo Úc The Age đã liên tiếp đưa tin ngày càng rõ, càng sâu về vụ án này, thì các báo chính thức trong nước không dám đá động đến nội vụ. Các Bộ Tư pháp, Tài chính, Ngoại giao, Công an không thấy lên tiếng. Nếu không có gì là xác thực, sao không lên án phía Úc đã bịa đặt, sao không tố cáo bà Masamune đã dựng đứng câu chuyện trên, do bị bọn phản động chống cộng ở nước ngoài giật dây nhằm vu cáo phía Việt Nam? Cả ông Lương Ngọc Anh cũng không thấy lên tiếng phủ nhận chuyện này.

Bộ Chính trị vừa thực hiện một cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình quyết liệt, nghiêm túc chưa từng có, không qua loa nể nang, không chừa một ai, vậy các vị có nói đến vụ án Securency, đến trách nhiệm của Thủ tướng Ba Dũng, từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, của ông Nguyễn Sinh Hùng, từng là Bộ trưởng Tài chính, của ông Lê Đức Thúy cũng từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi vụ án Securency này xảy ra hay không? Hay vẫn cứ im lặng, tảng lờ như không có chuyện gì hết.

Và đến bao giờ viên Đại tá an ninh Lương Ngọc Anh mới khai rõ trước cơ quan điều tra là có hay không 2 lần quan hệ xác thịt với một nữ công dân Úc, có hay không 20 triệu đôla Úc và số tiền ấy đã phân phối cho những ai? Suốt 4 năm nay, viên đại tá này lặn mất tiêu, coi như không tồn tại trên thế gian này, trong khi hình ảnh anh đã nhiều lần xuất hiện trên báo chí thế giới.

Xin nhớ bộ Luật phòng chống tham nhũng đã có đầy đủ những điều khoản để vận dụng. Điều 71 có ghi rõ khi tham nhũng có dấu hiệu liên quan với nước ngoài, các cơ quan hữu quan của VN phải khẩn trương vào cuộc để phối hợp điều tra và xử lý. Và khi vụ án kết thúc, các bị cáo phạm tội phải hoàn lại số tiền đã tham ô, số tiền thu hồi phải trả lại cho phía đã bị mất, kể cả khi đó là người nước ngoài.

Luật cũng quy định rõ kẻ tham nhũng lên đến trên 1 tỷ đồng VN (tương đương với 50.000 đôla Mỹ) - bằng thu nhập 100 năm của một người lao động - thì có thể bị tử hình. Số tiền 20 tỷ đôla là gấp 400 lần số tiền trên, nghĩa là có thể phải mất 400 cái đầu, nếu như luật thật sự nghiêm minh.

Vậy mà cả một bộ máy cầm quyền cứ câm như hến, cứ tỉnh bơ như không có gì xảy ra.

Trong kỳ họp hơn một tháng của Quốc hội vừa khai mạc sáng 22/10, có ông bà nghị nào dám đặt câu hỏi về vụ án Securency và về nhân vật Lương Ngọc Anh hiện đang ở nơi nao, để trả lời cho nhân dân, cho công luận nước Úc hay không? Nếu không thì làm sao có thể chứng tỏ rằng nhà nước này đang thực thi chế độ pháp quyền minh bạch như lời hứa đang còn sốt dẻo của Bộ Chính trị khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6 vừa qua?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét