Nhạc sĩ Việt Khang (trái) bị kết án 4 năm tù giam và 2 năm quản chế trong khi nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, 37 tuổi, bị mức án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế
01.11.2012
Áp lực quốc tế đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền gia tăng khi Liên hiệp Châu Âu nêu vấn đề với Hà Nội sau khi Việt Nam bỏ tù hai nhạc sĩ trẻ với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Hãng thông tấn AFP ngày 1/11 trích phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy trong cuộc họp báo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 31/10 nhấn mạnh rằng chính quyền Hà Nội nhất thiết phải tái xác nhận những cam kết cải cách bao gồm các lĩnh vực như quản lý công quyền, pháp quyền, và nhân quyền.
Ông Van Rompuy nói thêm là ông vẫn còn lòng tin vào “tương lai của Việt Nam”.
Lời kêu gọi của EU được đưa ra một ngày sau khi Việt Nam tuyên án 10 năm tù đối với hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình vì các ca khúc chống Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam và phản ánh bất công xã hội bị chính quyền coi là ‘chống nhà nước’, trong đó có bài ‘Việt Nam tôi đâu’, ‘Anh là Ai’, ‘Cảm ơn Mẹ’, và ‘Ngục tối hiên ngang’.
Trước khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu lên đường sang Hà Nội, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã kêu gọi EU công khai áp lực, yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị và tôn giáo nhân chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của ông Van Rompuy.
Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Mỹ, Liên hiệp Châu Âu và các nước trên thế giới quan tâm đến nhân quyền áp lực Việt Nam mạnh mẽ để họ phải phóng thích hai nhạc sĩ này ngay lập tức và vô điều kiện.”
Vài giờ sau khi hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị kêu án, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội một lần nữa lên án Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của công dân và kêu gọi Hà Nội ngay lập tức phải tuân thủ các nghĩa vụ với quốc tế, phóng thích các tù nhân lương tâm.
Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị xét xử hôm 30/10 trong một phiên tòa được chính quyền Việt Nam gọi là ‘công khai’, nhưng ngay cả thân nhân bị can không được mời tham dự.
Những phiên tòa xử các vụ như vậy thứ nhất là bất công, thứ hai cho thấy ý chí của người Việt Nam bảo vệ dân tộc rất mãnh liệt. Có nhiều người không dám nói lên mà Bình, Khang, hoặc blogger Điếu Cày dám nói lên...
Bà Thu Vân, thân mẫu của nhạc sĩ Việt Khang, cho biết:
“Tôi chỉ ghi nhận được lời nói cuối cùng của nó, nghĩa là nó cũng không phải muốn làm chính trị, chỉ tại vì bức xúc vấn đề xã hội mà viết nên hai bài nhạc đó thôi, không biết là hậu quả như vậy.”
Người nhà hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình nói họ chỉ mong thân nhân của họ được xem xét giảm án, chứ không hy vọng được thả, dù theo họ bản án này là hoàn toàn bất công.
Anh Trần Văn Việt, anh ruột của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình:
“Những phiên tòa xử các vụ như vậy thứ nhất là bất công, thứ hai cho thấy ý chí của người Việt Nam bảo vệ dân tộc rất mãnh liệt. Có nhiều người không dám nói lên mà Bình, Khang, hoặc blogger Điếu Cày dám nói lên. Những người đó ý chí của họ rất mãnh liệt. Họ dám nói lên những bức xúc trước việc đất nước đang bị Trung Quốc xâm chiếm và cách đối xử của chính quyền với người dân.”
Hiện có hàng chục nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị cầm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam, một trong những điều luật mà quốc tế cho là mơ hồ được Hà Nội dùng để trừng trị những tiếng nói trái với quan điểm độc đoán của nhà nước.
Trong hơn tháng qua, có 6 người bị bắt hoặc bị kết án về tội danh này sau khi có các hoạt động chống Trung Quốc tại Việt Nam. Trong số này phải kể đến bản án 12 năm tù của blogger Điếu Cày, một trong những người tiên phong trong các hoạt động chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa-Trường Sa.
Nguồn: AFP, Xinhua, VOA's Interview
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét