Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

VN và các nhóm đặc quyền đặc lợi

Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
Cập nhật: 15:34 GMT - thứ tư, 12 tháng 9, 2012   
Gánh nặng đôi vai người dân Việt Nam
Các tập đoàn thua lỗ đang là gánh nặng lên đôi vai người dân Việt Nam

Bản báo cáo gây nhiều bàn luận của Quốc hội Việt Nam về những bất ổn và nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế đưa ra hồi đầu tháng này cũng khiến người ta đặt câu hỏi về chuyện các chính sách vĩ mô của Việt Nam gây lợi cho những ai nhiều nhất.
Về lý thuyết, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn nói chính phủ là "của dân, do dân và vì dân", nhưng báo cáo của Quốc hội có phần nhắc nhiều tới sự thụ hưởng của các nhóm lợi ích.
Người chấp bút cho Bấm phần viết này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trả lời câu hỏi 'chính phủ hiện nay là của ai, do ai và vì ai':
"Hiện nay chưa có những nghiên cứu khoa học để chứng minh nhưng theo những hiện tượng thì có thể thấy rằng những nhóm lợi ích tập hợp xung quanh đất đai, hầm mỏ, rồi rừng, rồi ngân hàng, tài chính.
"Động lực để phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua là dần dần khu vực tư nhân cũng đã sớm phát hiện ra là cách thu được siêu lợi nhuận là kết hợp với nhóm lợi ích, với lại nhóm quyền lực.
"Nếu chúng ta xem các đại gia của Việt Nam thì những đại gia giàu nhất của nước Việt Nam không phải là những người đã có đóng góp nhiều về khoa học công nghệ, không phải là những người đã có bằng sáng chế, phát minh, cũng không phải là có thành tích nổi bật về quản trị gì cả mà là những người đã khai thác được nhiều đất đai, đã đẵn được nhiều gỗ, đã khai thác được nhiều mỏ, thế thôi chứ không phải là những người có đóng góp xuất chúng gì về công nghệ như ông Bill Gates và [những người khác]."
Tiến sỹ Doanh thừa nhận sự bao trùm nền kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước và nhóm lợi ích đã khiến các doanh nghiệp tư nhân và người dân bình thường gặp nhiều khó khăn.

'Con nuôi, con đẻ'

Doanh nhân Bạch Minh Sơn, người năm 1988 đã xin Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho nghỉ việc ở Ban đối ngoại trung ương đảng để đi làm kinh tế, nói doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chỉ được chính quyền coi là 'con nuôi'.
'Con đẻ', ông Sơn nói, chính là các công ty nhà nước, các tập đoàn và nói thêm hầu hết các 'con đẻ' đều hư hỏng:
"Không phải từ quan to đâu, kể cả quan nhỏ nhất, quan thu thuế hàng ngày này mà anh không biết điều với người ta thì nhiều khi anh phải đóng những thứ chi phí mà nó còn nhiều gấp nhiều lần so với thà rằng anh mất đi một ít còn hơn."
Doanh gia Bạch Minh Sơn
"Người ta đưa ra những ưu đãi quá lớn nên thực ra cũng không cần tài mà cũng có thể nắm được những tài sản rất lớn.
"Và khi mà nắm lớn quá thì hầu hết các vị cũng hư hỏng."
Ông Sơn cũng nói các doanh nghiệp nhà nước được rót nhiều vốn nhưng "thua lỗ hoàn toàn, thậm chí tham nhũng nhiều nhưng vẫn tồn tại".
Người được cho là một trong những doanh nhân tư nhân đầu tiên ở Việt Nam cũng nói các doanh nghiệp tư nhân cũng buộc phải hối lộ quan chức và văn hóa "chịu chi" này đã tồn tại rất nhiều năm nay.
"Gần như là không tránh được, nếu mà anh tránh là anh hoàn toàn đứng ngoài ngay và thậm chí có khi chết rất sớm.
"Không phải từ quan to đâu, kể cả quan nhỏ nhất, quan thu thuế hàng ngày này mà anh không biết điều với người ta thì nhiều khi anh phải đóng những thứ chi phí mà nó còn nhiều gấp nhiều lần so với thà rằng anh mất đi một ít còn hơn."

'Đống tham nhũng'

Một cựu chuyên gia ở Hà Nội từng tư vấn cho Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nói với BBC tham nhũng xảy ra ở cả những cấp cao nhất trong chính quyền.
Khi được hỏi tại sao các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam biết được sự yếu kém và tình trạng tham nhũng tại các công ty nhà nước nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng này, vị cố vấn này nói:
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cựu Thủ tướng Phan Văn Khải được cho là chú ý tới lợi ích của người nghèo hơn
"Thì chính các ông ấy tham nhũng chứ còn ai nữa đâu, thì làm gì còn có cái gọi là chống tham nhũng.
"Nếu không thay đổi thì không thể chống tham nhũng được. Nhất là bây giờ lại đưa có mấy ông có quyền lớn làm trưởng ban chống tham nhũng ở các ngành các cấp thì làm sao mà chống được."
Bình luận về nhóm lợi ích được đề cập tới trong báo cáo của Quốc hội, cựu quan chức không muốn nêu tên nói:
"Cái đám ấy bao giờ nó cũng gắn với một ông quan chức nào đấy, một cái cơ quan nào đấy, một cái tập thể của một ông quan chức nào đấy.
"Thí dụ 18 tập đoàn mà các anh ấy đang định hạ xuống còn độ bẩy cái thôi, thì 18 cái tập đoàn đó thực ra nó là 18 tập đoàn của ông thủ tướng.
"Đó là 18 ông đại gia rất lớn, quyền hành lớn lắm nhưng thực ra là sân sau của ông Thủ tướng thôi.
"Lợi ích đây là lợi ích của một nhóm người, họ có lợi ích riêng và họ thâu tóm mọi quyền hành."
Ông cũng nói việc nhấn mạnh kinh tế quốc doanh, cái mà ông gọi là "một đống tham nhũng", là chủ đạo là "sai lầm và nó phá hỏng nền kinh tế".
Khi được hỏi về lợi ích của người dân bình thường được chú ý ra sao qua các đời thủ tướng khác nhau, cựu chuyên gia tư vấn này nói:
"Trước đây anh Kiệt, anh Sáu Dân đó, với anh Phan Văn Khải, các anh ấy rất chú ý tới lợi ích của công dân, tức là của từng người một, những người nghèo."

'Lấy đất của dân'

Trong khi đó bình luận từ New York, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, nói với BBC rằng chính phủ Việt Nam tự cho mình quá nhiều quyền và trong nhiều trường hợp hoạt động không theo bất kỳ luật lệ nào.
Người dân Văn Giang đối mặt cảnh sát trong vụ cưỡng chế đất hồi đầu năm
Tiến sỹ Việt nói các công ty ở địa phương lấy đất của dân còn "kinh khủng hơn" công ty ở trung ương
Ông Vũ Quang Việt, người từng đóng góp ý kiến tư vấn cho Việt Nam giai đoạn trước, giải thích về những chính sách khiến một số cá nhân giàu nhanh nhưng người dân thường phải trả giá vì sự giàu có của nhóm người này:
"Ở Việt Nam hiện tại thì các công ty phi tài chính, tức các công ty sản xuất, được quyền làm chủ ngân hàng. Cái này là điều không nước nào trên thế giới cho phép chuyện này.
"Cái thứ hai là ngân hàng này được làm chủ ngân hàng khác mà không ai kiểm soát cả. Vấn đề này cũng là vấn đề cấm kỵ ở các nước. Các nước đều hạn chế cổ phần mà ngân hàng này có thể mua của các ngân hàng khác.
"Cái điểm thứ ba là ngân hàng nhà nước ở Việt Nam được đặt trực tiếp dưới quyền của thủ tướng chứ không phải của thống đốc ngân hàng đâu.
"Ngân hàng nhà nước cũng có thể dùng thị trường mở để mua trái phiếu tư nhân và trái phiếu nhà nước.
"Vừa rồi có chuyện Bầu Kiên lập một vài công ty, anh chẳng cần có vốn gì cả, anh ấy phát hành trái phiếu tư nhân.
"Thế thì các ngân hàng tư nó nhảy vào nó mua.
"Tôi không biết có ngân hàng nhà nước nào mua những cái đó không, nhưng nếu là ngân hàng nhà nước thì số liệu không được phép đưa ra.
"Tức là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể mua trái phiếu tư nhân và như vậy cung cấp vốn cho họ.
"...[C]ác công ty nào của nhà nước cũng được mở ra các công ty con, các công ty con thì được mua đất, được chiếm đất."
Tiến sỹ Vũ Quang Việt
"Từ đó các công ty tư nhân lại lấy tiền từ trái phiếu để làm thế chấp rồi lại mua cổ phần của ngân hàng.
"Đây là một hệ thống chẳng có pháp luật gì cả.
"Tại sao có những người làm giàu rất nhanh? Vì họ chẳng cần có vốn gì cả.
"Và cái đại gia này mới là quan trọng vì vấn đề chính là thế này: các công ty nào của nhà nước cũng được mở ra các công ty con, các công ty con thì được mua đất, được chiếm đất.
"Giới cầm quyền cho phép họ [các công ty con] lấy lại đất của dân.
"Thế là lập tức những công ty này làm giàu được.
"Mỗi một công ty lớn ở Việt Nam thì có cả hàng trăm công ty con và họ lấy đất của dân rất nhiều.
"Vấn đề này không chỉ có công ty ở trung ương đâu, các công ty ở địa phương còn kinh khủng hơn."

Thủ tướng 'phải đi'?

Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói Việt Nam chỉ có thể thay đổi được nếu kiến trúc sư của những chính sách hiện nay ra đi.
"Thứ nhất là muốn cải cách thì cái người tạo ra cả hệ thống đấy phải đi, không thể ngồi đó được. Thứ hai là phải thay đổi luật.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể tự xử lý các vấn đề do chính ông tạo ra
"Một người tạo ra hệ thống này ngồi đó họ sẽ bảo vệ lẫn nhau thì làm sao giải quyết được vấn đề.
"Người thực sự hiểu vấn đề và không có quyền lợi ở đó thì mới có thể thay luật, ứng dụng luật được."
Tiến sỹ Việt nói một số sai phạm của lãnh đạo Việt Nam trong đó có bội chi ngân sách có thể khiến họ phải đi tù theo luật của một số nước.

"Ngân sách ở Việt Nam, tôi không có số liệu mới, nhưng những số liệu cũ cho thấy rằng ngân sách do quốc hội thông qua, sau đó chính phủ luôn vượt quá mức ngân sách đó từ 30-50%.
"Ở các nước ngân sách là luật và nếu vi phạm luật chính phủ sẽ bị đem ra tòa.
"Ở Việt Nam tự do chi tiêu, họ không coi là luật, họ coi chẳng là gì cả.
"Như vậy ông thủ tướng tự do muốn làm gì thì làm."

Vai trò của dân

Mặc dù Quốc hội Việt Nam đã có bản báo cáo mà Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói chỉ riêng việc công bố đã là "một tiến bộ" và Đảng cộng sản đang có chiến dịch phê và tự phê, không phải doanh nhân nào cũng tin vào chuyện người dân sẽ sớm có vai trò làm chủ lớn hơn cuộc sống của mình.
Cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng hồi đầu năm 2012
Tiến sỹ Doanh nói Luật Đất đai sẽ được sửa đổi theo hướng 'không lấy lại đất của người dân'
"Phê và tự phê' có động cơ tốt nhưng hiện thực khó đạt được. Chẳng có ai tự chặt tay mình đâu," doanh gia Bạch Minh Sơn nói.
Mặc dù vậy ông Doanh nói việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới sẽ khiến Quốc hội, cơ quan đại diện của dân, có nhiều quyền hơn trong khi Luật Đất đai cũng đang được xem xét sửa đổi:
"Luật Đất đai sửa đổi vừa mới được trình ra để xin ý kiến toàn dân và đang bắt đầu được thảo luận. Tôi nghĩ đó cũng là một tiến bộ đáng ghi nhận và để chúng ta xem xem Luật Đất đai sẽ sửa được những gì.
"Sơ bộ là sẽ không lấy lại đất của người dân và sẽ tiếp tục giao cho nông dân và có thể giao đất cho nông dân đến 50 năm. Đấy là những dấu hiệu tích cực.
"Nhưng mà các vấn đề liên quan đến việc tôn trọng năm quyền mà người nông dân đã có được: quyền canh tác, quyền thu hoạch, quyền kế thừa, quyền dùng quyền sử dụng đất đó để có thể thế chấp tại ngân hàng và quyền chuyển đổi đất nông nghiệp cho một hộ nông nghiệp khác.
"Đấy là những quyền cần phải được củng cố và phải được xác minh rõ trong luật. Tôi chưa biết được điều đó có tiến bộ gì hay không."

Chính quyền của ai?

Một cuộc thăm dò nhỏ của BBC trên Bấm Facebook trong ngày 12/9 về chuyện chính phủ hiện của ai, do ai và vì ai cũng đã nhận được gần 90 bình luận sau năm tiếng.
"Không biết chính phủ Việt nam của ai, do ai và vì ai. Nhưng chưa có bất kỳ người dân nào thừa nhận nó là của Dân, do Dân và vì Dân cả."
Dark Light - fan trên Facebook của BBC

Số người nói chính quyền là "của dân, do dân và vì dân" chỉ là thiểu số trong khi những ý kiến nói rằng chính phủ là "vì quan" và "vì đảng" và "vì lãnh đạo" chiếm đa số.

Bình luận về ý kiến của Tiến sỹ Vũ Quang Việt, độc giả Phúc Nguyễn viết:

"Ở Mỹ nếu ông Obama muốn thông qua một điều luật mới ít ra cũng họp hai viện rồi đi kéo phiếu, còn ở Việt Nam có thể ông Nguyễn Tấn Dũng vừa là chính phủ, vừa là Quốc hội, chuyện đó đâu ai biết được, thông tin bị bưng bít nên mọi người cứ đoán già đoán non thôi. Ai mà biết rõ được, nếu có tin gì bị rò rỉ, chắc gì tới lượt mình được nghe."

Trong khi đó người có nick 'Dark Light' viết: "Không biết chính phủ Việt nam của ai, do ai và vì ai.
"Nhưng chưa có bất kỳ người dân nào thừa nhận nó là của Dân, do Dân và vì Dân cả."
Còn độc giả Tony Dinh viết: "Không biết do ai, vì ai nhưng không phải do tôi và vì tôi chút nào."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét