Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Ông Vươn tiếp tục được thuê đất

Cảnh sát trong vụ Tiên Lãng
Vụ Tiên Lãng gây chấn động dư luận

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ra Bấmcông văn gửi chính quyền thành phố Hải Phòng "hướng dẫn" xử lý vụ thuê đất đai của ông Đoàn Văn Vươn, theo Văn phòng Chính phủ Việt Nam.
Công văn "hướng dẫn việc sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn" hôm 25/4/2012 nếu ý kiến chính thức của Bộ này, nhắc lại kết luận của Thủ tướng Chính phủ khẳng định quyết định giao diện tích đất (21 ha, sau thu hồi 3,36 ha còn lại 17,64 ha) hồi năm 1993 là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành.
Công văn khẳng định nhà nước tiếp tục cho ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất với diện tích 17,64 ha còn lại theo hình thức thuê đất.
"Đối với phần diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ đê biển thì vẫn cho ông Đoàn Văn Vươn thuê để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, nhưng phải chấp hành các quy định về bảo vệ an toàn đê điều theo quy định của pháp luật đê điều."
Về phần diện tích 19,3 ha mà ông Đoàn Văn Vươn đã được chính quyền "giao bổ sung" trước khi bị cưỡng chế, vốn cũng là phần đất mà ông "đã tự ý khai thác" hay "quai đê lấn biển", công văn nói "quyết định giao đất này là đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tế sử dụng đất, nhưng không đúng với quy định của pháp luật đất đai về giao đất, cho thuê đất, về thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất".
Công văn hướng dẫn cho ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục được sử dụng diện tích đất bổ sung này, nhưng theo hình thức thuê đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường "đề nghị UBND thành phố Hải Phòng triển khai, chỉ đạo thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường,", theo văn bản được công bố.
'Tiền lệ hiếm hoi'
Vụ xung đột đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên
Gần đây Việt Nam liên tục diễn ra các vụ xung đột đất đai giữa chính quyền và nông dân

Đây được cho là một trong những trường hợp hiếm hoi và cá biệt, theo đó một Bộ chủ quản về lĩnh vực đất đai ra công văn chính thức để chỉ đạo chính quyền địa phương xử lý việc cho thuê, quản lý đất đai với một công dân cụ thể ở cấp cơ sở.
Công văn có thể cấu thành một tiền lệ xử lý trong các vụ tranh chấp đất đai, đất cho thuê giữa chính quyền địa phương và công dân.
Vụ phản kháng chính quyền cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra ngày 5/1 đã thu hút sự chú ý của dư luận trong nước ở Việt Nam từ đầu năm 2012.
Thủ tướng Chính phủ đã ra kết luận hôm 10/2 khẳng định chính quyền và lãnh đạo ở các cấp huyện và thành phố Hải Phòng đã có một số sai phạm nghiêm trọng trong vụ cưỡng chế gây ra nhiều "bất bình" trong công chúng.
Trong lúc ông Đoàn Văn Vươn và một số thành viên của gia đình ông tiếp tục bị tạm giam và chuẩn bị ra tòa, một số quan chức huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng đã chịu kỷ luật từ phê bình, khiển trách, tới cách chức, điều chuyển công tác.
Tháng trước, hôm 19/4, BấmVăn phòng Chính phủ đã yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng "tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm" những vấn đề tồn tại trong đó có việc sử dụng đất "của ông Đoàn Văn Vươn và những trường hợp tương tự" theo đúng quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Gần đây, Việt Nam tiếp tục xảy ra nhiều điểm nóng xung đột đất đai giữa chính quyền và nhân dân, nổi bật nhất, sau vụ việc ở Tiên Lãng, là vụ xung đột giữa chính quyền và nông dân trong vụ cưỡng chế đất ở khu đô thị sinh thái Ecopark ở huyện BấmVăn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 20 và 24 tháng Tư.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120504_tienlang_govt_opinion.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét