Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Trung Quốc sôi sục với cuộc tập trận Mỹ-Nhật-Australia

Trung Quốc đang sôi sùng sục trước thông tin về việc Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn kéo dài hai tuần ở Guam, bắt đầu từ ngày hôm nay (11/2). Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tập trận quân sự chung với Mỹ và Australia.

Tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, hôm qua (10/2) đã có bài viết chỉ trích cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật-Australia. Theo tờ báo này, đây là một cuộc tập trận mang tính chất đe dọa, khiêu khích. Tờ Tân Hoa xã ví von, cuộc tập trận giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) và không quân Mỹ, Australia là một “điệu nhạc chối tai” ở khu vựcChâu Á-Thái Bình Dương – nơi các nước đang chung sống hòa bình với nhau và đang cố gắng thiết lập mối quan hệ đối tác thành công nhằm giúp nhau vượt qua thời kỳ của những thách thức và bất ổn.

Các Chiến hạm Hải Quân Hoàng Gia Úc và Hoa Kỳ thao diễn Hải quân Talisman Sabre 2011.



3 nước Mỹ, Nhật Bản và Australia cho đến thời điểm này vẫn chưa nói gì về động cơ thúc đẩy họ tiến hành tập trận chung. Tuy nhiên, theo một bản tin của hãng tin Kyodo, mục đích của cuộc tập trận chung giữa 3 nước nói trên là nhằm kiềm chế sự nổi lên của quân đội Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Hồi đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng đã công bố một chiến lược quốc phòng mới, theo đó Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự trên toàn cầu song song với việc củng cố sự tập trung ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo tờ New York Times, sự thay đổi về chiến lược quốc phòng của Mỹ dựa vào 3 yếu tố gồm: Mỹ rút dần ra khỏi các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan; cuộc khủng hoảng tài chính buộc Lầu Năm Góc phải cắt giảm ngân sách; và mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Trong một động thái khác, Washington và Canberra hồi tháng 11 năm ngoái đã tăng cường mối quan hệ liên minh quân sự bằng thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai một lực lượng đủ mạnh gồm 2.500 lính thủy đánh bộ trên lãnh thổ Australia trong những năm sắp tới.

Phi cơ tuần thám duyên hải P-3 Orion Hải quân Hoa Kỳ và Hộ tống hạm HMAS Newcastle FFG-06 Hải quân Hoàng Gia Úc thao dợt chống tàu ngầm.

Nhận xét về những động thái trên, tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc cho rằng, có vẻ như Washington không thể chờ đợi thêm được nữa để can dự vào các công việc của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dù nước này vẫn chưa được “giải phóng hoàn toàn” khỏi hai cuộc chiến tranh kéo dài dai dẳng ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, các nước Châu Á-Thái Bình Dương mong chờ một đối tác chân thành có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực thay vì là một “nhà lãnh đạo” luôn muốn áp đặt mọi thứ theo cách riêng của mình bằng cách thông thường là phô trương sức mạnh, bài báo trên tờ Tân Hoa xã đã viết như vậy.

Như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng nói khi gặp người đồng cấp Mỹ ở Hawaii hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc tôn trọng các lợi ích hợp pháp của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và hoan nghênh việc Mỹ đóng một vai trò tích cực ở đây. Cũng như vậy, theo Tân Hoa xã, Trung Quốc cũng mong Mỹ làm như vậy với nước này.

Sự thực là có tồn tại các cuộc tranh chấp lãnh thổ và những khác biệt giữa các nước trong khu vực nhưng những điều này chỉ có thể được giải quyết thông qua các cuộc tư vấn hòa bình song phương trên cơ sở bình đẳng trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, tờ Tân Hoa xã cho biết.


Qua tờ Tân Hoa xã, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ-Nhật. Bắc Kinh cho rằng, liên minh quân sự Mỹ-Nhật và các nước khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là tàn dư của thời Chiến tranh Lạnh. Những mối quan hệ hợp tác đó đặt ra câu hỏi liệu có thích hợp không để củng cố và mở rộng các liên minh quân sự trong thế giới ngay này và liệu một động thái như thế có phục vụ gì cho lợi ích chung của các nước trong khu vực.

Một số người có xu hướng hiểu lầm việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và đòi hỏi Bắc Kinh phải minh bạch hơn nữa về ý định chiến lược của mình. Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định sẽ theo đuổi một chính sách quốc phòng chỉ mang tính chất phòng vệ, tờ Tân Hoa xã khẳng định.

Lý giả về các kế hoạch củng cố sức mạnh quân sự, bài báo trên tờ Tân Hoa xã cho biết, với những cuộc tranh chấp lãnh thổ, đường biên giới biển cũng như đất liền, Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Vì thế, Trung Quốc thấy cần thiết và hợp lý để củng cố và tăng cường năng lực quốc phòng nhằm bảo vệ an ninh cho đất nước cũng như con đường phát triển hòa bình của mình.

Trung Quốc cho rằng, so với ngân sách quốc phòng của các cường quốc thế giới khác, chi tiêu cho quân sự của cường quốc số 2 thế giới này vẫn rất là khiêm tôn và phù hợp với nhu cầu bảo vệ an ninh đất nước.

Các chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ và đồng minh thao dợt Hải Quân RIMPAC 2010 trên biển Thái Bình Dương.

Theo Bắc Kinh, việc các cường quốc vẫn còn bám chặt vào tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh và thiết lập liên minh quân sự với cái cớ không thỏa đáng là mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ đưa các nước trong khu vực không đi đến đâu, đặc biệt là khi các nước còn đang phải vật lộn để phục hồi trước cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay.


Duy trì hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ đem lại lợi ích chung cho tất cả các nước trong khu vực. Và có rất nhiều cách để đạt được điều đó. Tuy nhiên, những cuộc tập trận chung không phải là một trong những cách này, bài báo trên Tân Hoa xã đã kết luận như vậy.


Bắc Kinh gần đây thực sự đang cảm thấy khó chịu và bất an trước một loạt động thái quân sự của Mỹ trong khu vực. Washington đang tìm cách tăng cường các hoạt động quân sự ở Philippine, thiết lập một căn cứ thủy quân lục chiến ở phía bắc Australia và triển khai một loạt tàu chiến ở Singapore. Bắc Kinh tin rằng, những động thái của Mỹ là nhằm thắt chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc và kiếm chế sự phát triển của nước này.


Kiệt Linh – (theo THX)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét