Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Mô Hình Chính Trị Cộng Sản Không Thể Tự Đổi Mới.

Nguyễn Quang Duy

Có áp bức có đấu tranh. Phương cách đấu tranh chống áp bức tùy thuộc vào mô hình chính trị. Tại các quốc gia dân chủ người dân sử dụng lá phiếu chọn ra cá nhân hay tổ chức có khả năng thu hẹp bất công xã hội. Nhờ thế xã hội được ổn định và phát triển.

Người cộng sản lấy đấu tranh giai cấp làm phương tiện cướp chính quyền. Khi đã cầm quyền họ lại hình thành một giai cấp thống trị và một hệ thống chính trị độc tài. Người dân mất hết tự do, xã hội không dân chủ, bất công giữa giai cấp thống trị và người bị trị ngày một lan rộng. Để xóa bỏ chỉ còn phương cách là đứng lên giành lại chính quyền.

Chính Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Sô Mikhail Gorbachyov đã phải thú nhận “Các đảng cộng sản quá cũ không còn khả năng tự đổi mới, chỉ có xóa bỏ, giải thể, xây dựng tổ chức mới, dân chủ, đi với thời đại”. Đầu thập niên 1990, chế độ cộng Sản Đông Âu và Liên Sô nhanh chóng bị giải thể. Ở mỗi quốc gia cách mạng diễn tiến và chấm dứt một cách khác nhau. Tại Lỗ Ma Ní (Romanie), Nicolae Ceau escu ra lệnh đàn áp cách mạng nên đã bị tử hình.

Từ đó đến nay nhiều dân tộc bị cai trị bởi các tập đòan quân phiệt hay cá nhân độc tài cũng lần lượt đứng lên giành lại tự do. Tuần qua chúng ta chứng kiến hình ảnh Gaddafi bị lôi ra từ ống cống, bị bắn chết, bị kéo lê trên đường và cuối cùng bị đặt nằm trong lò sát sinh. Thời đại hiện nay là thời đại của tự do dân chủ. Số phận của vài chế độ độc tài còn sót lại hiện đang tính theo ngày. Cái chết của Gaddafi không biết có ảnh hưởng đến phương cách hành xử của nhà cầm quyền cộng sản hay không ?

Từ chuyện tàu Trung cộng cắt cáp tàu Bình Minh, nhiều diễn biến dồn dập xẩy ra đưa đảng Cộng sản Việt Nam vào thế bị động. Có ai trong chúng ta tiên đóan được 12 cuộc biểu tình đã liên tục xảy ra giữa trung tâm Hà Nội, nhiều cuộc biểu tình đã xẩy ra tại Sài Gòn, Bà Rịa… và cho đến nay những người tham dự biểu tình chưa ai bị bắt, bị khép tội. Có phải vì đảng Cộng sản đang lọt vào một thế suy yếu nhất và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào ?

Rồi đến chuyện Nguyễn Phú Trọng ký kết với Tàu nhiều thỏa ứơc đi ngược với quyền lợi dân tộc, trong đó có việc “… triển khai thí điểm tuần tra chung biên giới đất liền, tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ…” Bên cạnh hằng triệu “công nhân” Tàu đang hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, nay Giải Phóng Quân Trung cộng đã có quyền ra vào biên giới và lãnh hải Việt Nam, như đảng Cộng sản đang sửa sọan đàn áp cách mạng Việt Nam. Đúng như lời nhận xét của Mikhail Gorbachyov, đảng cộng sản Việt Nam đã quá cũ đã lộ hẳn bản chất bán nước không còn khả năng tự đổi mới.

Mới cách đây vài tháng nhà cầm quyền cộng sản còn huyênh hoang thành quả kinh tế, hôm nay lại phải tuyên bố “đổi mới” lần thứ hai. Bài viết này xin được chia sẻ thêm vài suy nghĩ về cải cách vi mô, về mô hình và tình hình chính trị tại Việt Nam .

Thủ Dũng Công Bố Tái Cơ Cấu Nền Kinh Tế

Tuần qua trước Quốc hội Thủ Dũng cho biết sẽ tái cơ cấu nền kinh tế, đặt trọng tâm vào cải cách 3 khu vực: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính. Thủ Dũng cho biết “Chính phủ cũng sẽ có phương án sắp xếp kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ…” Thua lỗ mà ông Dũng nhắc đến đơn thuần qua sổ sách kết tóan, đây chỉ thấy bề nổi của vấn đề. Doanh nghiệp quốc doanh do đựơc bao cấp và ban phát độc quyền nên cả giá bán cho người tiêu thụ và giá thành sản phẩm đều không đo lường đựơc thua lỗ thực mà xã hội phải gánh chịu.

Trước đây Viettel nắm độc quyền điện thọai quốc tế nên đã quy định một giá rất cao đánh vào người tiêu thụ. Người ngòai nước gọi về Việt Nam giá rẻ hơn rất nhiều so với việc người trong nứơc gọi ra. Số người trong nước sử dụng dịch vụ viễn thông quốc tế ít nên không tạo điều kiện Viettel tối đa khả năng họat động và lợi tức. Gần đây công ty này đã phải cạnh tranh với một số công ty viễn thông khác giúp giảm giá thành mang lợi ích cho người tiêu thụ. Viettel cũng được bảo hộ về tiền vốn, về cơ sở vật chất, về thuế má … nên sổ sách kế tóan không phản ảnh đúng thực giá. Thế nên thua lỗ hay lợi nhuận kết tóan công ty không phản ảnh đúng công ích công ty này mang lại cho xã hội. Cạnh tranh còn tạo phục vụ tốt hơn, mặt hàng đa dạng hơn, do đó nâng cao cả đời sống vật chất lẫn tinh thần tòan xã hội, tất cả phải được tính vào công ích xã hội.

Cho đến nay giá điện thọai giữa Việt Nam gọi đi và các quốc gia khác gọi về vẫn còn khác biệt. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội để Việt Nam cải cách khu vực viễn thông. . Nguyên tắc của kinh tế tự do là nhà nước không làm kinh doanh không cạnh tranh với tư nhânTrong trường hợp các công ty viễn thông quốc doanh tốt nhất là nhà nước cổ phần hóa và chỉ giữ vai trò giám sát xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cải cách vi mô chính là tạo ra môi trường để các công ty Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đầu tư vào khu vực phục vụ khác, như y tế hay giáo dục thì ngược lại thường không thể thu hút vốn từ tư nhân. Để tối đa công ích ngòai việc trực tiếp đầu tư, chính quyền có bổn phận thi hành những chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào các khu vực này. Người viết xin nhấn mạnh bốn chữ đầu tư và bổn phận vì trong các khu vực nói trên con số “thua lỗ” không phản ảnh được công ích lâu dài của xã hội. Điều chỉnh sai sót lại chính là vai trò của chính phủ.

Nói tóm lại vai trò của nhà nước không phải là làm kinh doanh cạnh tranh với tư nhân mà nhà nước là để điều chỉnh thất bại của thị trường tự do nơi vắng bóng tư nhân nhưng mang lại công ích cho xã hội. Cải cách vi mô trong ngành y tế và giáo dục là vận hành đầu tư tính trên hiệu quả và hữu hiệu của vốn đầu tư vào các khu vực nói trên. Tại nứơc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đầu tư cho y tế và giáo dục lại thiếu hụt một cách trầm trọng. Cải cách vi mô cũng là để hoạch định lại nguồn vốn đầu tư từ các khu vực khác mang sang hai khu vực nói trên để tối ưu công ích xã hội.

Nói tóm lại cải cách vi mô phải được xem là nỗ lực để một doanh nghiệp, một khu vực hay một nền kinh tế họat động hữu hiệu hơn, hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh hơn, tạo thêm công ích xã hội.

Bài Học Từ Miến Điện và Lào

Cuối tháng 9/2011, tổng thống Miến Điện Thein Sein tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận xây đập Myitsone với Trung cộng. Tổng thống Thein Sein cho rằng công trình xây dựng đập Myitsone gây thiệt hại cho môi trường và đời sống của các sắc tộc bản địa (Kachin và Shan) và làm cạn kiệt nguồn nước sông Irrawaddy khiến vùng hạ lưu bị nhiễm mặn. Tổng thống Thein Sein cũng tố cáo doanh nhân Trung cộng hối lộ chính quyền địa phương Kachin để thu về những hợp đồng bất lợi cho Miến Điện.

Cùng lúc Chính phủ Lào đã chính thức từ chối dự án xây một cây cầu nối liền thành phố Nan (Thái Lan) với tỉnh Oudomxay (Tây Bắc Lào) vốn đầu tư do Trung Cộng cho vay. Khi phía Trung cộng yêu cầu Lào cho định cư vĩnh viễn công nhân Tàu, chính phủ Lào nhận ra vay mượn như thế là hiểm họa lâu dài cho dân tộc vì thế đã từ chối việc vay mượn.

Không biết Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam có học được điều gì từ giới lãnh đạo Lào và Miến Điện hay không ? Chỉ thấy tại nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam các đầu tư công đều là các chủ trương của “Đảng”. Tổ Chức này lại luôn làm ngơ trước các rủi ro và hiểm họa cho xã hội cho dân tộc Việt Nam .

Cắt giảm đầu tư công chưa thấy, ngày 10/10/2011, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng loan báo Tập đoàn Cơ khí Đường sắt Trung Quốc (CREC) sẽ khởi công xây dựng tuyến tàu điện trên cao trị giá trên 550 triệu Mỹ Kim tại Hà Nội. Theo Tân Hoa Xã khoản tiền đầu tư này là do chính phủ Trung cộng cho vay. Các điều kiện cho vay vẫn là bí mật của “Đảng”. Có ngừơi cho rằng tuyên bố dự án chính là món quà Phú Trọng mang sang triều cống “Thiên Triều”.

Đến nay có hằng triệu Hoa kiều sang Việt Nam sinh sống. Họ có mặt từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Tây Nguyên xuống đến đồng bằng. Họ lập các khu vực riêng trên đất nước Việt Nam . Họ sẽ còn tiếp tục di dân sang Việt Nam . Họ là đội quân thứ 5 để bảo vệ thành trì cộng sản cuối cùng. Sự gia tăng số người Hoa sang Việt Nam sinh sống chính là chủ trương, là viễn kiến là chiến lược của Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam.

Thủ Dũng Đòi Tiền cho cải cách đầu tư công

Song song với việc loan báo cải cách kinh tế, Thủ Dũng đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sớm phê chuẩn và giải ngân khỏan tiền lên đến 350 triệu Mỹ Kim Ngân hàng Thế giới vừa cho vay. Khoản tiền này Thủ Dũng sẽ dùng vào việc cải cách đầu tư công. Thủ Dũng làm sai nay thấy tiền lại vòi vĩnh dùng tiền đi vay để sửa sai. Đương nhiên Trương Tấn Sang sẽ chi tiền, rồi con cháu chúng ta sẽ trả nợ, còn cải cách đầu tư công thì không biết đi về đâu.

Tấn Sang Múa Kinh Tế Vĩ Mô

Bà con ta bàn rằng Tấn Sang là đối thủ của Tấn Dũng. Lợi Dụng cơ hội Tấn Dũng đang thất thế Tấn Sang đến với bà con “cử tri” múa vài chiêu kinh tế. Tấn Sang hứa hẹn chính phủ sẽ ổn định lạm phát và sẽ cho tăng lương. Người viết xin phân tích hai yếu nói trên để dễ dàng so sánh giữa Tấn Sang và Tấn Dũng.

Ngân sách để tăng lương công chức đến từ đâu ? Thuế thì thất thu, vay mựơn thì không có, thôi lại tiếp tục in tiền. Tiền càng in thì lạm phát càng tăng. Cứ quanh quẩn trong vòng in tiền, tăng lương, tăng giá, rồi in tiền, tăng lương, tăng giá, rồi lại in tiền, tăng lương, tăng giá, … cho đến lúc phải đổi tiền. Bà con ta nhiều lần trắng tay từ trò chơi đổi tiền của đảng Cộng sản Việt Nam.

Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội vừa đồng ý tăng lương tối thiểu hằng tháng của công chức lên mức 1,05 triệu đồng, thay cho 830.000 đồng hiện tại. Như thế là tăng khỏang 26 phần trăm. Như đã trình bày bên trên lạm phát sẽ còn tiếp tục. Lạm phát gia tăng thì khả năng mua cũng giảm và như vậy đời sống sẽ còn tiếp tục khó khăn. Muốn tăng lương công chức mà không tạo ra lạm phát cần phải tiến hành cải cách vi mô trong khu vực hành chánh để khu vực này họat động hiệu quả hơn, hữu hiệu hơn và nhất là giảm thiểu tham nhũng lạm quyền.

Đối với tư nhân, tiền lương là chi phí lao động. Vì thế tăng lương là tăng chi phí lao động, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm và kết quả là tăng giá cả hàng hóa. Cũng vẫn thế tăng lương, tăng giá, rồi tăng lương, tăng giá, rồi lại tăng lương, tăng giá… Thế mới rõ trình độ quản lý kinh tế của Tấn Sang cũng chẳng hơn gì trình độ quản lý kinh tế của Tấn Dũng.

Nói tóm lại tăng lương muốn tránh lạm phát phải tăng năng xuất lao động. Tăng năng xuất lao động chính là cốt lõi của phát triển. Trong một bài khác người viết sẽ trình bày đến bạn đọc đề tài này.

Mô Hình Chính Trị Cộng Sản

Mô Hình Chính Trị Cộng Sản xây đựng theo một cấu trúc từ trên xuống dưới như sau: Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng, Các Tổ Chức Đảng, Đảng Bộ, Chi Bộ Đảng và thấp nhất là đảng viên. Trên lý thuyết cơ cấu này họat động từ dưới lên trên. Ý kiến sẽ được thâu nhận từ bên dưới để bên trên đúc kết và đề ra chính sách. Các đảng viên sẽ chọn lựa người lãnh đạo chi bộ, đảng bộ và trung ương. Trung ương sẽ chọn các thành viên đưa vào Bộ Chính Trị. Phương cách này được gọi là dân chủ tập trung.

Trên thực tế cộng sản luôn là một tổ chức độc tài “Đảng” trị. “Đảng” trở thành một danh từ riêng diễn tả “chúng nó” vài cá nhân nắm quyền lực chính trị. Nhóm này ban hành những nghị quyết những chỉ thị đưa xuống bên dưới và cấp dưới phải tuân theo. Bí thư các cấp dưới thường được thu xếp từ các cấp cao hơn. Bộ chính trị thu xếp để đưa người vào Trung Ương và Bộ Chính Trị khóa sau. Phương cách này được gọi là tập trung dân chủ.

Một báo cáo đánh đi từ tòa Đại Sứ (đựơc Wikileaks tiết lộ) cho biết Hoa Kỳ đánh giá Bộ Chính Trị đối xử với Trung Ương Đảng như người lớn đối xử với một đám trẻ con. Họ nói không sai vì các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn Chi, … đã mang con cái vào Trung ương qua đường tắc. Con Nguyễn Tấn dung lại chỉ mới vừa gia nhập đảng vài năm. Nhưng do xuất thân từ giai cấp thống trị nên đã được thu xếp để tiếp nối Tấn Dũng cầm quyền. Hồ Đức Việt đã không làm tròn vai trò thu xếp nhân sự, không làm vừa ý các nhân vật nói trên nên đã bị đá ra khỏi Bộ Chính Trị lần này.

Trong mô hình nói trên đảng viên phải trung thành với “Đảng”, với chỉ thị và nhiệm vụ “Đảng” giao, tuân theo kỷ luật của “Đảng” và giữ gìn sự thống nhất của “Đảng”. Nghĩa là tuân theo những nghị quyết và chỉ thị từ trên ban xuống. Đảng viên đơn thuần có nhiệm vụ phát tán các thông điệp gởi đi từ Bộ Chính Trị và phải tuyên truyền để tạo ra một môi trường rộng khắp lôi kéo những thành phần ngòai đảng phải tuân theo các nghị quyết và chỉ thị từ Bộ Chính Trị ban ra. Chính vì thiếu dân chủ nên càng ngày các tín hiệu đưa ra từ Bộ Chính Trị càng thiếu thực tiễn và càng xa cách quần chúng nhân dân. Tạo ra cảnh trên bảo dưới không nghe, đảng bảo dân không nghe.

Vì thiếu minh bạch, quyền lực và quyền lợi được tập trung trong tay một ít người. Hệ thống “tập trung dân chủ” tạo ra việc mua bán các chức vụ và vai trò trong đảng. Tệ hại nhất là Trung cộng chi tiền để đưa người của Trung cộng vào các vai vế trong đảng. Nói rõ hơn tất cả các thành viên Bộ chính Trị đều ít nhiều phải có sự đồng ý thậm chí phải do đảng Cộng sản Trung Hoa đưa ra. Trước Đại Hội lần thứ 10 Hồ cẩm Đào đã sang Việt Nam và ngay sau đó có tin Hồ chọn Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ. Nguyễn phú Trọng vừa già, vừa lú, vừa ít phiếu nhưng lại được Trung cộng chọn làm Tổng bí thư lần này.

Nằm trong Mô Hình Chính Trị Cộng Sản còn có Mặt Trận Tổ Quốc, Hội, Đòan và nhiều đòan thể ngọai vi. Các Tổ chức nói trên đều là những cánh tay nối dài của “Đảng”. Các tổ chức này được hình thành không ngòai mục đích kiểm sóat khối quần chúng nhân dân và tuyên tryền sâu rộng các Nghị Quyết và chỉ Thị của Bộ Chính trị.

Trong lần đổi mới trước đây, Ông Trần Xuân Bách đã thấy rõ sự lỗi thời của hệ thống chính trị cộng sản nên đã đề nghị việc cải cách kinh tế cần tiến hành song song với cải tổ chính trị. Kết quả ông đã bị đẩy ra khỏi guồng máy lỗi thời nói trên và dân tộc Việt Nam vẫn chưa có một chút tự do dân chủ.

Hai Đảng Cộng Sản Việt – Trung Tuy Hai Là Một

Phương cách tổ chức và vận hành của hai đảng Cộng sản Việt - Trung không mấy khác biệt. Trong một thời gian dài cả hai đảng đơn thuần chỉ là những chi bộ của Quốc Tế Cộng Sản. Sự khác biệt có chăng Việt Nam là một nước nhỏ Trung Hoa là nước lớn. Thế nhưng càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo của hai đảng Cộng sản Việt Trung đang muốn xáp nhập hai đảng làm một. Chả thế khi gặp Đới Bỉnh Quốc vào tháng 9/2011, Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Hai Đảng và Chính phủ có chung lý tưởng, có lợi ích chung, vận mệnh gắn liền với nhau, không có lý do gì không cố gắng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp". Để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, ngày 12/10/2011, Nguyễn Phú Trọng sang Tàu và ký 6 thỏa thuận với đảng Cộng sản Trung Hoa. Nhiều điểm trong 6 thỏa thuận vô cùng bất lợi cho dân tộc Việt Nam.

Được Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Luật sư Lê Trần Luật cho biết: “Về pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế thì giữa Tổng Bí Thư tức là người đứng đầu của một đảng phái mà ký kết với một người đứng đầu của một đảng phái khác, hoặc là ký kết với một nguyên thủ quốc gia của một đảng phái khác, thì nó hoàn toàn không có giá trị. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đơn thuần là người đứng đầu của một tổ chức, một đảng phái, và một tổ chức hoặc một đảng phái không thể nhân danh nhà nước Việt Nam, trừ khi ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam mới nhân danh nước CHXHCN Việt Nam để ký các hiệp ước, các hòa ước quốc tế thì khi đó nó mới có giá trị.”

Điều cần nhớ là cả Tấn Sang lẫn Phú Trọng đều đại diện cho đảng Cộng sản và công việc làm của họ thường do quyết định chung và phân công của Bộ Chính trị. Tuy nhiên việc Nguyễn Phú Trọng làm cho thấy việc chồng chéo giữa đảng và nhà nước mỗi ngày một lộ liễu hơn và bất lợi hơn cho dân tộc Việt Nam. Nó nêu rõ lợi ích của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam càng ngày càng đối nghịch với lợi ích đất nước dân tộc Việt Nam. Tất cả đều do hệ thống chính trị cộng sản đã quá lỗi thời và không thể sửa đổi.

Diễn Biến Hòa Bình

Để truyền lệnh từ trên xuống dưới, một mặt đảng Cộng sản xây dựng một guồng máy tuyên truyền trắng nói ra đen, có ít nói ra nhiều, … định hứơng “Tòan Đảng, Tòan Quân, Tòan Dân” tập trung vào các mục tiêu mà thiểu số cầm quyền đề ra. Mặt khác người cộng sản tìm mọi cách triệt tiêu mọi suy nghĩ khác biệt và cầm tù tư tưởng của người dân. Khi bộ máy nói trên còn họat động thì cơ hội để đảng Cộng sản tồn tại còn cao. Đảng Cộng sản có thể thay đổi bề ngoài như người ta thay áo thay quần nhưng bản chất độc tài vẫn tiếp tục tồn tại từ bên trong. Ngày nay trình độ của người dân đã cao hơn, nhiều sự thật lịch sử được phơi bày, mạng lưới tòan cầu nhanh chóng thông tin đến quảng đại quần chúng.

Sự thất bại của mạng lưới tuyên truyền cộng sản đã đựơc thú nhận qua Dự Thảo Báo Cáo Đại Hội Đảng lần thứ 11 như sau: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn ‘diễn biến hòa bình’”. Dự thảo đã xác nhận rằng đại đa số các đảng viên đều đã mất hẳn niềm tin và đang tìm kiếm các tư tưởng các phương cách điều hành quốc gia khác để thay thế cả guồng máy lỗi thời đang cản trở sự thăng tiến của dân tộc.

Nhận rõ sự thất bại của Mô Hình Chính Trị trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Trương Tấn Sang đã phải tự thú như sau: “… diễn biến hòa bình được coi là biện pháp hữu hiệu hàng đầu, đã từng góp phần trực tiếp làm sụp đổ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu những năm trước đây và đang tìm mọi cách tiếp tục hòng làm lung lay dẫn tới sụp đổ các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa hiện nay… Đây là cuộc đấu tranh không có chiến tuyến, không có khói lửa, súng đạn, song rất quyết liệt, tinh vi và ngày càng phức tạp. Kẻ thù âm mưu chống phá ngầm từ bên trong, từ bên trên, kết hợp tạo sự chuyển hóa cả bên trong và bên trên với bạo loạn, lật đổ khi có thời cơ để xóa bỏ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.”

Ông Sang vẫn thường xuyên nhắc đến 4 từ “Diễn Biến Hòa Bình”, trích dẫn vừa qua ông còn nhấn mạnh đến “…chống phá ngầm từ bên trong, từ bên trên, kết hợp tạo sự chuyển hóa cả bên trong và bên trên…” Gần đây có dư luận cho rằng Tấn Sang sẽ trở thành “Boris Yeltsin” của Việt Nam. Không rõ vì sợ mô hình chính trị nói trên bị sụp đổ, hay vì Tấn Sang đã hiểu rõ sự việc từ bên trong và muốn chuyển một tín hiệu đến mọi người ông chính là người mong muốn “Diễn Biến Hòa Bình từ bên trên”. Điều khá rõ là ông Sang chỉ nói nhưng chưa thấy làm điều gì cụ thể.

Việc ông Sang đi Ấn Độ, đi Nhật, đi Tân Gia Ba, đi Mã Lai Á, đi Phi Luật Tân để tìm thế liên kết các nước trong vùng tạo sức mạnh chính trị là một việc làm đúng trong vai trò của ông. Nhưng việc làm này chưa đủ vì chính yếu là ông phải dựa vào dân tộc. Được Đài BBC phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Tư pháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban Sọan Thảo Hiến Pháp 1992, cho biết “trình độ của nhân dân và yêu cầu của nhân dân cũng ngày càng rõ hơn họ đang đòi có dân chủ thực sự.”

Ông Sang đang nhận trách nhiệm sọan thảo một Hiến Pháp mới cho Việt Nam. Đây chính là cơ hội để ông Sang chứng minh đang đứng về phía người dân. Cương vị Chủ tịch nhà nước ông có quyền ra lệnh thả hết các tù nhân chính trị, kế đến là chính thức trả lại tự do chính trị, tự do ngôn luận và các quyền tự do khác cho người dân. Các việc làm nói trên là căn bản tối thiểu để mọi người ngồi lại thảo luận một Hiến Pháp Dân Chủ cho Việt Nam. Có làm được như vậy thì ông mới đáng được xem là “Boris Yeltsin” của Việt Nam. Nếu không ông Sang cũng chỉ là một con sâu trong đàn sâu cộng sản, sớm muộn gì người dân cũng sẽ đứng lên để giành lại tự do.

Đến đây ta cần tự hỏi Hệ Thống Chính trị Cộng sản đã lỗi thời mục nát đến thế, nhưng tại sao người dân vẫn chưa đứng lên để giành lại chính quyền ? Bài tới người viết sẽ chia sẻ cùng bạn đọc làm sao để đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Bài viết sẽ được trình bày trong buổi giới thiệu sách “Thắp Một Ngọn Nến Cho Thái Hà” của Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh sẽ được tổ chức bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều vào ngày Thứ Bảy 05-11-2011 tại Kensington Community Recreation Centre (Ngay góc đuờng Kensington Road và Altona Street Melway 42 J3). Xin trân trọng kính mời bạn đọc cư ngụ tại Melbourne cùng tham dự.


Melbourne, Úc Đại Lợi
27/10/2011



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét