Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

“Chiến dịch triệu tập” của Công an quận Hoàn Kiếm

NGUYỄN TƯỜNG THỤY: Tác giả trước đồn Công an Hoàn Kiếm. 

Sơ kết từ đầu “chiến dịch”

Tính đến nay “Chiến dịch triệu tập” của Công an quận Hoàn Kiếm đã được chẵn một tuần, bắt đầu từ ngày 4/4/2015. Trong đợt này 9 người bị triệu tập với mật độ 1 ngày 1 giấy, có người đã nhận giấy triệu tập đến lần thứ 4.

Ngày 6/4/2015 có 5 người lên theo lệnh triệu tập, nhưng dường như chưa làm cho họ thỏa mãn. Hai ngày liên tiếp - ngày 9/4 và 10/4, họ đã hai lần cưỡng bức anh Trương Văn Dũng lên đồn

Lý do triệu tập là hỏi về việc những công dân này có mặt ở Tượng đài Bắc Sơn, khu vực Hồ Hoàn Kiếm và chứng kiến hành động, lời nói của một số người mặc áo có in dòng chữ DLV. Lý do này làm nhiều người khấp khởi mừng thầm, phen này, công an sẽ làm rõ đám quậy phá, cản trở lễ tưởng niệm các Liệt sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 là những kẻ nào.

Tuy nhiên, những người đến làm việc cho biết cán bộ điều tra không hề hỏi về đám DLV mà lại truy vấn họ về việc có mặt ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Đài Bắc Sơn như: tại sao có mặt ở đấy, đi với ai, mặc quần áo thế nào, đi xe gì, có nói chuyện gì với nhau không, có đeo băng rôn không v.v… Cuối cùng thì răn đe như thế là vi phạm pháp luật.

Anh Nguyễn Thanh Hà cho biết, sau ngày làm việc thứ nhất, họ hẹn anh hôm sau làm việc tiếp. Anh nghĩ hôm sau sẽ sang nội dung điều tra về đám DLV. Thế nhưng anh lên không có ai làm việc, anh đành phải ra về. 

Đó là cái lối triệu tập khơi khơi, chẳng để làm gì, thời gian người bị triệu tập ngồi một mình là chính. Vậy mà cũng câu lưu hết cả ngày.

Bắt Trương Văn Dũng vẫn chưa hết, ngày 10/4, họ gửi tiếp giấy cho anh Nguyễn Chí Tuyến (anh đã đến theo giấy triệu tập hôm 6/4). Một ngày, họ gửi 2 giấy triệu tập. Lý do trong giấy thứ 1 có khác một chút: “Làm rõ lời nói và hành động trước tượng đài cảm tử ngày 14/3/2015” còn giấy thứ 2 nội dung hệt như cũ. Chẳng lẽ mấy việc con con mà làm việc với anh 1 ngày vẫn chưa xong.

Việc tưởng niệm các Liệt sĩ chống Trung Cộng xâm lược hôm 14/3 năm nay không phải là lần đầu tiên. Trước đó, năm nào cũng có các buổi tưởng niệm vào những dịp 19/1 (Hải chiến Hoàng Sa), 17/2 (Chiến tranh biên giới phía Bắc), 14/3 (mất Gạc Ma). Nhưng qua tính chất của việc triệu tập, có vẻ lần này công an làm “dữ”. Việc triệu tập trái luật nhưng lại ráo riết, liên tục nhưng chẳng mang lại kết quả gì đáng kể khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao? Có ý kiến cho rằng, họ muốn răn đe những người biểu tình lần đầu (bảo vệ cây xanh) - số này rất đông, chiếm tới 80% số người tuần hành ngày 29/3, lo ngại họ bị cuốn theo phong trào chống Trung Cộng diễn ra từ nhiều năm nay. Có ý kiến cho rằng, nó liên quan đến chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đang ở Trung Quốc và cũng có người cho rằng Công an Hoàn Kiếm triển khai ý kiến của ông Giám đốc Công an Hà Nội không thừa nhận đám xưng là Dư luận viên (nhưng chỉ trên danh nghĩa, chứ khi làm việc, họ không quan tâm đến vấn đề này). Khi công an gửi giấy triệu tập đến lần thứ tư, cô Mai Phương Thảo nhận xét, họ “dai như miếng vó bò”.

Đến nay, vẫn còn 3 người không đến theo giấy triệu tập lần thứ 4 của Công an Hoàn Kiếm là chị Đặng Phương Bích, cô Mai Phương Thảo và tôi - Nguyễn Tường Thụy (anh Trương Văn Dũng thì đã bị cưỡng bức lên). Cơn bão “triệu tập” của Công an Hoàn Kiếm đã chấm dứt chưa? Điều này khó mà đoán. Thôi thì tùy theo ý thích của họ.

Công an quận Hoàn Kiếm đã “điều tra” những gì ở Trương Văn Dũng?

Anh Trương Văn Dũng vừa về đến nhà

Như đã nói, hai ngày liên tiếp, ngày 9/4 và 10/4, họ đã hai lần cưỡng bức anh Trương Văn Dũng, thậm chí còn dùng hành động thô bạo như dập đầu anh vào thành xe. Ngày 9/4, từ 10 giờ đến 19 giờ, còn ngày 10/4 từ 10 giờ đến 17 giờ 30 phút. Tôi có mặt ở khu vực đồn Công an Hoàn Kiếm vào lúc chiều tối hôm cưỡng bức anh lần thứ hai. Khi đó anh đã được thả ra và đang trên đường về nhà. Tôi liền qua nhà anh hỏi thăm anh. Đầu tiên, anh giơ cái trán của anh mà bọn nhận lệnh bắt anh dập vào thành xe, bảo còn đau lắm. Tôi tranh thủ ghi lại lời anh kể về hai ngày bị cưỡng bức lên đồn làm việc. Mời bạn đọc cùng theo dõi:



11/4/2015

NTT 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét