Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok-2013-08-05
Thông tin tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải- Điếu Cày ngưng tuyệt thực được chính thức công khai sau khi ông này phải áp dụng biện pháp đó đến ngày thứ 35 trong tù.
Cho đến lúc này không phải chỉ có trường hợp của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hải mà vừa qua vụ việc của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ cũng khiến dư luận hết sức chú ý.
Phương cách cuối cùng
Hai trường hợp tuyệt thực trong tù khiến công luận trong và ngoài nước quan tâm trong suốt thời gian hai tháng 6 và 7 vừa qua- đó là của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ người chấm dứt tuyệt thực vào ngày 21 tháng 6 sau 25 ngày, và thứ hai của ông Nguyễn Văn Hải chấm dứt vào ngày 27 tháng 7 sau 35 ngày tuyệt thực. Cả hai đều vì mục đích đòi hỏi cán bộ trại giam phải giải quyết những đơn thư khiếu nại về những vi phạm của cán bộ trại giam mà những tù nhân lương tâm này đưa ra.
Trong một môi trường bị bưng bít như trại giam ở Việt Nam, mọi thông tin liên lạc từ ngoài vào trong và trong ra ngoài đều bị cán bộ kiểm soát chặt chẽ, thì người bị đối xử bất công sau khi làm đơn theo đúng qui định của pháp luật mà không hề được đếm xỉa gì tới đành phải sử dụng phương thế cuối cùng là lấy mạng sống ra để đòi hỏi cho được những quyền lợi căn bản dù rằng họ đang phải ở trong nhà tù.
Khi đối diện với những bất công trong nhà tù mà người tù muốn đấu tranh thì vũ khí tốt nhất và có thể cao nhất của người tù là chính mạng sống của mình bằng phương pháp tuyệt thựcMục sư Nguyễn Trung Tôn
Mục sư Nguyễn Trung Tôn, một người từng tuyệt thực trong tù cho biết nguyên nhân phải đi đến quyết định như thế:
Chúng ta biết rằng ở bên ngoài chúng ta có thể có nhiều phương tiện để có thể đấu tranh bằng nhiều hình thức; nhưng ở trong tù người tù không có vũ khí nào khác ngoài bản thân của mình. Trong đó mình có viết đơn thư khiếu nại… vẫn không có ai giải quyết, và cũng không có thể liên lạc với ai bên ngoài. Cho nên khi đối diện với những bất công trong nhà tù mà người tù muốn đấu tranh thì vũ khí tốt nhất và có thể cao nhất của người tù là chính mạng sống của mình bằng phương pháp tuyệt thực.
Vào ngày 2 tháng 8 vừa qua, anh Nguyễn Trí Dũng, con trai của ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải sau hơn chục ngày cùng mẹ gõ cửa khắp các nơi từ trại giam, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An cho đến các cơ quan công an tại Hà Nội, đã được gặp bố trong trại. Thông tin cuộc nói chuyện giữa hai cha con được công khai trên các trang mạng vài ngày sau đó. Đích thân ông Nguyễn Văn Hải kể lại cho con việc làm đơn khiếu nại và những hành xử của trại giam, cũng như Viện Kiểm sát Nghệ An trong suốt 35 ngày ông này phải tuyệt thực yêu cầu phải giải quyết đơn thư mà ông viết đòi hỏi phải tôn trọng các qui định đối với phạm nhân mà trại giam vi phạm.
Cuộc nói chuyện giữa hai cha con trong trại giam cho thấy cuộc tuyệt thực là một quá trình đấu tranh gay gắt giữa bản thân người tù và những thủ đoạn được trại giam áp dụng.
Phương pháp không dễ thắng!
Có thể nói cuộc đấu tranh giữa một tù nhân và ngay cả một nhóm tù nhân như vụ nổi dậy của những tù nhân tại trại giam Z30 A Xuân Lộc Đồng Nai hồi ngày 30 tháng 6 vừa qua với những cán bộ trại giam là một cuộc đấu tranh hoàn toàn không cân sức.
Phía trại giam có đủ lực lượng và mọi biện pháp để khuất phục người tù tuyệt thực.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn đánh giá lý do giúp cho hai cuộc tuyệt thực của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ và ông Nguyễn Văn Hải kết thúc thành công; trong khi đó chính bản thân mục sư Nguyễn Trung Tôn tuyệt thực không thành trong trại giam:
Thật ra trong tù có nhiều cuộc tuyệt thực bị thất bại. Tôi không dám nói ai khác mà chính bản thân tôi đã từng bị thất bại khi bị tạm giam ở Công an tỉnh Nghệ AnMục sư Nguyễn Trung Tôn
Ví dụ trường hợp anh Vũ hoặc anh Điếu Cày có những áp lực từ phía bên ngoài vì có thể đưa tin ra bên ngoài. Có áp lực từ phía bên ngoài phần nào họ mới đáp ứng được yêu cầu.
Thật ra trong tù có nhiều cuộc tuyệt thực bị thất bại. Tôi không dám nói ai khác mà chính bản thân tôi đã từng bị thất bại khi bị tạm giam ở Công an tỉnh Nghệ An. Sau khi xử sơ thẩm xong, tôi kháng án cho nên bản án của tôi chưa có hiệu lực, mà lệnh tạm giam đã hết hiệu lực. Căn cứ trên cơ sở pháp luật họ không có lý do gì để giam giữ tôi. Đối với bản án chưa có hiệu lực và lệnh tạm giam chưa có nên tôi yêu cầu cán bộ trại giam mở cửa nhà tù, trả tự do cho tôi, tôi không chấp nhận ở trong tù vì không có lệnh của cơ quan nào để giam giữ tôi. Khi tôi phản ứng như vậy họ đã đem tôi đi giam riêng, biệt giam tại một buồng giam tử hình. Tại đó tôi tuyên bố tuyệt thực.
Ngày đầu họ giam tôi một mình, và ngày thứ hai họ đưa hai tù nhân khác đến giam cùng để hai tù nhân này tấn công tôi. Họ tấn công tôi trên phương diện tinh thần, uy hiếp. Rồi họ đem đồ ăn rất ngon đến cho hai người kia ăn, và canh gác cho hai người kia ăn để tôi nhìn. Tôi chẳng nhìn, nhưng họ chủ yếu khơi dậy sự thèm muốn của mình trong cơn đói khát để làm nhụt ý chí. Họ dùng những người tù kia tấn công, xúc phạm mình. Đến ngày thứ tư tôi tuyệt thực, ngày 29 tết, cán bộ gọi hai người kia ra và nói gì với hai người đó; họ vào nói với tôi rằng nếu trong này tôi có tuyệt thực chết thì chỉ như ‘con chó chết’ thôi; chúng tôi sẽ làm chứng ông tự tử. Bây giờ tết nhất đến nơi rồi ông không ăn tết là việc của ông nhưng ông không được làm thế ảnh hưởng đến chúng tôi cùng buồng giam. Nếu ông tuyệt thực, các tiêu chuẩn tết trong buồng giam bị cắt cả. Cuối cùng tôi phải bỏ cuộc trong lần tuyệt thực đó.
Nhật có nói 4 anh em trong đó chuẩn bị đợt tuyệt thực mới để phản đối trại giam đó đối xử bất công với anh Trần Hữu Đức đang bị biệt giam. Anh em cùng hiệp thông với anh Đức để phản đối trại giam, bốn anh em quyết định cùng tuyệt thực cùng một ngàyThân nhân anh Trần Minh Nhật
Những vụ tuyệt thực mới
Ngay vào ngày khi tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ chấm dứt tuyệt thực trong trại giam hồi ngày 21 tháng 6, một tù nhân lương tâm khác là anh Trần Minh Nhật, một thanh niên Công giáo bị giam tại nhà tù Nghi Kim, tỉnh Nghệ An cũng tuyên bố tuyệt thực để phản đối nhà tù. Thế nhưng trường hợp của anh này không được nhiều người chú ý ngoài gia đình. Gần đây anh này bị chuyển đến trại giam ở Thái Nguyên.
Trong lần thăm gặp gần nhất vào đầu tháng 8 vừa qua, gia đình anh này cũng cho biết anh Trần Minh Nhật và một số tù nhân khác cũng có kế hoạch tuyệt thực nhằm hiệp thông với một người tù cùng nhóm đang bị biệt giam với lý do vi phạm nội quy của trại. Người thân của tù nhân Trần Minh Nhật nói về điều này:
Hôm ra gặp Nhật có nói 4 anh em trong đó chuẩn bị đợt tuyệt thực mới để phản đối trại giam đó đối xử bất công với anh Trần Hữu Đức đang bị biệt giam. Anh em cùng hiệp thông với anh Đức để phản đối trại giam, bốn anh em quyết định cùng tuyệt thực cùng một ngày luôn.
Như trình bày của mục sư Nguyễn Trung Tôn, khi bị dồn đến đường cùng trong trại giam, những tù nhân lương tâm như ông phải nghĩ đến biện pháp sử dụng mạng sống mình để đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi căn bản. Tuy nhiên, có mấy ai thành công như trường hợp của hai ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải vừa qua. Tự thân người tù phải cương quyết, vững vàng; và rồi sự lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ của người thân và công luận bên ngoài cho thấy là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công khi quyết định lấy mạng sống mình để đấu tranh- đó là "phương pháp tuyệt thực".
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hung-stri-mean-strug-08052013063619.html
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hung-stri-mean-strug-08052013063619.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét