Thứ hai 10/06/2013 08:05
(GDVN) - Trung Quốc đã ngang nhiên "lật đổ" hiện trạng các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, biên giới với Ấn Độ, và thậm chí làm thay đổi dòng chảy của các con sông quốc tế mà không tốn một viên đạn. Trung Quốc đã tiến hành một kiểu chiến tranh tàng hình đối với các nước láng giềng ở châu Á đe dọa gây bất ổn cho toàn khu vực
Tàu Hải giám Trung Quốc xuất hiện ngày càng thường xuyên ở Senkaku buộc Cảnh sát biển Nhật Bản phải tăng cường giám sát |
Trung Quốc đã ngang nhiên "lật đổ" hiện trạng các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, biên giới với Ấn Độ, và thậm chí làm thay đổi dòng chảy của các con sông quốc tế mà không tốn một viên đạn.
Trung Quốc đã tiến hành một kiểu chiến tranh tàng hình đối với các nước láng giềng ở châu Á đe dọa gây bất ổn cho toàn khu vực, học giả Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi chia sẻ trên tờ Korea Herald ngày 9/6.
Sức mạnh kinh tế Trung Quốc đã tích lũy được nhiều hơn và càng có nhiều tham vọng để làm thay đổi nguyên trạng các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc diễn ra trong khi các nguyên tắc cơ bản và học thuyết chiến lược của Trung Quốc vẫn không thay đổi.
Từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã bắt đầu vận dụng chiêu "không cần đánh mà vẫn thắng" trong binh pháp Tôn Tử bằng cách ngụy trang các hành vi phạm pháp.
Trong hai thập kỷ sau đó Đặng Tiểu Bình tranh thủ củng cố quyền lực và Trung Quốc theo đuổi chính sách "hàng xóm tốt" trong quan hệ với các nước láng giềng để nó có thời gian và điều kiện phát triển kinh tế.
Tàu Ngư chính 310 Trung Quốc án ngữ ngay lối vào đầm phá bãi cạn Scarborough, chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines hồi năm ngoái |
Sau một thời gian tích lũy về kinh tế và chiến lược, giới chức Trung Quốc dường như cho rằng thời điểm để có cách tiếp cận cứng rắn hơn (trong tranh chấp lãnh thổ) đã đến, thay thế cho cái gọi là "trỗi dậy hòa bình".
Một trong những dấu hiệu của sự thay đổi này bắt đầu vào năm 2006 khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực Arunachal Pradesh ở biên giới với Ấn Độ.
Năm 2009 Trung Quốc đưa ra tuyên bố cái gọi là "chủ quyền" với hầu như toàn bộ Biển Đông qua đường lưỡi bò (đường chữ U, đường 9 đoạn) phi lý và phi pháp.
Trên thực tế, Trung Quốc sử dụng vị trí thương mại mạnh mẽ của mình để thực hiện một vai trò độc đoán hơn ở châu Á, công khai chấp nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan và lấy sự "quyết đoán" (hung hăng) trong tranh chấp lãnh thổ gắn với quá trình đổi mới đất nước.
Trung Quốc dường như khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Hàng ngàn cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã nổ ra hồi tháng 9 năm ngoái trên khắp Trung Quốc sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa nhóm đảo này. |
Điển hình cho hoạt động chiến tranh tàng hình là việc Trung Quốc chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines hồi năm ngoái bằng cách sử dụng tàu Hải giám dựng rào cản ngõ vào đầm phá bãi cạn này để chặn tàu thuyền Philippines.
Manila và Bắc Kinh đã rơi vào một cuộc khủng hoảng và Philippines đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khốc liệt: Chấp nhận thực tế Trung Quốc đã kiểm soát khu vực bãi cạn này hay đối mặt với nguy cơ chiến tranh thực.
Ví dụ điển hình thứ 2 là việc Trung Quốc tung ra một cuộc chiến tàng hình ở Biển Hoa Đông nơi Bắc Kinh đưa ra yêu sách "chủ quyền" đối với nhóm đảo Senkaku giàu tài nguyên hòng buộc cộng đồng quốc tế công nhận sự tồn tại của một tranh chấp, báo trước một sự xáo trộn hiện trạng.
1 trung đội lính Trung Quốc xâm nhập vào sâu lãnh thổ Ấn Độ 19 km hạ trại hôm 15/4 |
Tương tự như vậy, trong năm nay Trung Quốc tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho Ấn Độ vào ngày 15/4 khi họ phái 1 trung đội nửa đêm lén lút xâm nhập và hạ trại sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 19 km rồi dùng thủ đoạn ngoại giao ép Ấn Độ phải phá hủy một công sự ở biên giới mới chịu rút.
Trung Quốc đã thành công trong việc giảm khả năng phòng thủ của Ấn Độ sau khi phá dỡ công sự này, nhưng vẫn duy trì khả năng tấn công mà không cảnh báo trước.
Trong bối cảnh đó, cách duy nhất để đảm bảo hòa bình ổn định ở châu Á là các bên liên quan phải buộc Trung Quốc chấp nhận hiện trạng các khu vực tranh chấp và tìm kiếm các cơ hội hợp tác chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét