Dưới đây là bài viết thứ sáu trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất tuân dân sự.
Còn mục đích của bài này là nói về một vài hình thức hoạt động chính trị khác, trong đó có một hình thức mà có thể nhiều người trong số chúng ta không ngờ rằng đó chính là “hành động chính trị”: việc chúng ta đâm đơn và theo đuổi kiện tụng nói chung.
* * *
Kỳ 6:
KIỆN, TẠI SAO KHÔNG?
Năm 2012, UBND TP. Hà Nội có một báo cáo, theo đó, trong 9 tháng đầu năm đã có “178 đoàn đông người đi khiếu kiện”, nổi bật như “vụ việc của 100 công dân phường Dương Nội, 70 người phường Kiến Hưng, 40 người phường Yên Nghĩa (Hà Đông), 150 tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), đoàn 200 người dân xã Tiên Dương (Đông Anh), bệnh binh 5 xã ở huyện Quốc Oai, 160 người dân phố Tân Mai (thị xã Xuân Mai)...”. (nguồn: VnExpress, 27/9/2012)
VnExpress dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kể, buổi sáng ông mở cửa là đã thấy dân đứng chờ đưa đơn, 19h trở về nhà cũng có người chờ đưa đơn, chưa kể ở cơ quan cũng thường nhận đơn khiếu nại.
Nếu hiện tại, bạn đang là người không có gì liên quan đến “cửa quan”, thì nghe nói vậy, chắc bạn cũng thấy… sốt ruột. Cho nên, có thể bạn sẽ đồng tình với ý kiến của Chủ tịch TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo. Ông Thảo bảo, việc bà con đi kiện, “mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất đã làm xấu hình ảnh thủ đô, ảnh hưởng đến ngoại giao”. Tất nhiên, ông cũng thừa nhận, khiếu kiện là “bày tỏ nguyện vọng cá nhân”.
Dù sao cũng may cho ông Thảo là ông phát biểu như vậy ở Việt Nam. Chứ nếu ông phát ngôn tương tự tại một quốc gia dân chủ, nơi có nền truyền thông phát triển và (phần nào vì thế) nhận thức chính trị của người dân cao hơn, ông có thể phải lãnh nhiều hậu quả nghiêm trọng sau đó: bị báo chí phê phán, bị công chúng khiển trách, thậm chí bị mất chức. Có lẽ bạn cũng thấy: Ở các quốc gia dân chủ, quan chức rất hạn chế việc chê dân – kể cả khi dân sai đi nữa. Huống chi, kiện tụng lại còn là một hình thức sinh hoạt chính trị của người dân.
“Đáo tụng đình”, có gì mà vô phúc
Khiếu kiện (khiếu nại + khởi kiện) là việc một cá nhân/ tổ chức yêu cầu cơ quan hành chính (trong trường hợp khiếu nại) hoặc toà án (trong trường hợp khởi kiện) buộc một cá nhân/ tổ chức khác phải làm, hoặc ngừng làm, điều gì đó. Đối chiếu với cách hiểu “hoạt động chính trị, theo nghĩa rộng, là tất cả những gì bạn làm để tạo áp lực lên một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức, nhằm thuyết phục họ hành động như ý bạn muốn”, thì bạn sẽ thấy khiếu kiện cũng là hành động chính trị.
Quốc gia vô địch về việc người dân tham gia chính trị bằng cách kiện có lẽ là Mỹ. Tại đây, chuyện một công dân đâm đơn kiện quan chức chính quyền hoặc công dân khác xâm hại quyền lợi của mình là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hàng xóm không chăm sóc vườn, để cây leo mọc tràn lan sang vườn nhà mình: kiện. Đi xin việc, công ty tuyển dụng ưu tiên người ngoại hình đẹp: kiện. Uống café nóng bị bỏng: kiện. Để tăng khả năng thắng kiện thì phải thuê luật sư, kết quả là nước Mỹ có mật độ luật sư trên đầu người cao nhất thế giới. Nhà khoa học chính trị Austin Ranney đưa ra con số, cứ 440 người Mỹ thì có một luật sư, trong khi ở Nhật Bản tỷ lệ này là 10.000:1.
Quá nhiều luật sư, điều này đã khơi nguồn cho nhiều chuyện cười ở Mỹ và về Mỹ, như là quốc gia đầy một bọn ăn không ngồi rồi, rảnh rỗi sinh ra đâm bị thóc chọc bị gạo v.v. Nhưng nhìn từ góc độ chính trị, quản lý xã hội, thì sẽ thấy đó là biểu hiện của việc người Mỹ tin vào luật pháp, luôn có ý thức sử dụng luật pháp làm công cụ giải quyết các rắc rối và bảo vệ quyền lợi của mình. Trong văn hoá chính trị Mỹ, không có khái niệm “vô phúc đáo tụng đình” – nghĩa là vô phúc thì mới phải đến chỗ xử kiện, ra toà, tóm lại là “đến cửa quan” – như ở Trung Quốc hay Việt Nam ta.
Chắc chắn rằng, không một quan chức nào trong bộ máy chính quyền Mỹ dám nói dân chúng “đi kiện làm xấu hình ảnh đất nước”; và nói chung là hệ thống tư pháp Mỹ không đợi đến khi dân chúng kéo nhau đi khiếu kiện tập thể thì mới “xin chủ trương giải quyết”.
Thực tế nào đáng lo ngại?
Xu hướng gần đây của quan chức Việt Nam và những người ủng hộ chính quyền là vin vào chuyện người dân khiếu kiện sai để tìm cách “xiết” hoạt động này lại. Ví dụ, UBND TP. Hà Nội cho rằng: “Năm 2012, trong 23.629 đơn thư khiếu nại-tố cáo có nội dung chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, giao đất nông nghiệp, chỉ có 12% khiếu nại đúng, 14% khiếu nại có đúng, có sai, còn lại có tới 70% khiếu nại sai”. Quan chức coi đây như một “thực tế đáng lo ngại”, và từ đó, có ý kiến là phải tìm kiếm chế tài cụ thể để xử lý các trường hợp khiếu nại-tố cáo sai sự thật. (nguồn: Hà Nội Mới, 13/4/2013)
Ở đây, xin các bạn chú ý: Nếu tố cáo sai sự thật (tức là bịa đặt người khác phạm tội), theo luật pháp Việt Nam hiện hành, người tố cáo có thể phải chịu hình phạt cho tội vu khống. Nhưng với khiếu nại, kiện tụng, không nền luật pháp tiến bộ nào lại quan niệm đó là “thực tế đáng lo ngại” do người dân gây ra và cần chế tài xử lý. Nếu có vấn đề gì nghiêm trọng với việc khiếu nại xảy ra nhiều quá, thì vấn đề đó nằm ở chỗ chính quyền: Họ đã làm gì, đã ra quyết định hay chính sách gì sai lầm để khiếu nại tràn lan? (Theo định nghĩa của Luật Khiếu nại-Tố cáo 2011, khiếu nại hiểu nôm na là công dân đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước).
Thực tế đáng lo ngại ở đây là: 1. Pháp luật chưa được sử dụng như một công cụ hiệu quả để bảo vệ người dân; 2. Nhận thức chính trị yếu kém của quan chức Nhà nước.
Hãy biết bảo vệ mình!
Còn bạn, những lúc bạn hoặc người thân của bạn dính líu vào tranh chấp, mâu thuẫn, hay cảm thấy quyền lợi chính đáng của mình bị thiệt thòi, đã bao giờ bạn thử nghĩ tới chuyện đi kiện chưa? Bạn hãy quan niệm đó là một việc bình thường để tự bảo vệ mình và bảo vệ người có liên quan. Có khi chỉ đơn giản như là trường hợp ba sinh viên Đại học Luật TP.HCM mới đây đã gửi thư yêu cầu Đoàn trường xin lỗi họ vì hành vi xâm phạm bí mật đời tư (tự tiện công bố kết quả học tập của hai sinh viên lên mạng), và nếu Đoàn không chịu xin lỗi, họ sẽ kiện.
Đây là một câu chuyện có thật, để các bạn tham khảo: Một nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi ở Hà Nội cho biết, chị nhớ như in nỗi xấu hổ của mình vào năm thứ ba đại học, khi chị là sinh viên duy nhất trong lớp thi trượt một môn chuyên ngành. Điều này được giáo viên bộ môn thông báo công khai trước hơn 100 sinh viên của lớp và những tràng cười nhanh chóng lan đi khắp cả khoa, vì môn đó được cho là rất dễ, tưởng như ai thi cũng đỗ.
Đặt sang một bên những chuyện như “sự tế nhị”, “phép lịch sự”, “tâm lý sư phạm” v.v. thì cái đáng nói ở đây là ý thức về quyền riêng tư: Người dân Việt Nam gần như không có khái niệm về nó, nên nhiều khi vô tư vi phạm quyền riêng tư của người khác và cũng không có ý thức bảo vệ sự riêng tư của bản thân mình. Và chúng ta lại càng chưa biết, chưa nghĩ đến việc dùng đến công cụ luật pháp để “đòi lại công bằng cho bản thân”, khi quyền ấy cũng như nhiều quyền khác bị xâm phạm. Nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về chúng ta, bởi thực tế là chính quyền đâu có thích chúng ta đi kiện, “làm xấu hình ảnh đất nước”.
Kỳ sau: Biểu tình, đình công và tẩy chay
http://www.phamdoantrang.com/2013/04/noi-voi-minh-va-cac-ban-kien-tai-sao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét